Bên cạnh các ĐƯQT nêu trên, trình tự, thủ tục đăng ký quốc tế KDCN, Chỉ dẫn địa lý cũng đã được các quốc gia thỏa thuận trong các ĐƯQT riêng biệt. Ngoài ra, còn có các ĐƯQT thiết lập các yêu cầu đối với các quốc gia thành viên trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, sáng chế. Do các điều kiện về kinh tế, xã hội và khả năng hiện tại của mình, cho đến nay Việt Nam chưa trở thành thành viên của các ĐƯQT này. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về nội dung, mục đích, những ưu điểm và hạn chế của các ĐƯQT này là cần thiết nhằm tạo căn cứ, cơ sở khoa học cho việc ký kết, tham gia của Việt Nam trong thời gian tới.
a) Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
Thỏa ước La-hay về Đăng ký quốc tế KDCN được thông qua ngày 6.11.1925 và có hiệu lực từ ngày 1.6.1928, đã được sửa đổi và bổ sung nhiều lần. Hai văn kiện của Thỏa ước La-hay hiện có hiệu lực là: Văn kiện London năm 1934 và Văn kiện La-hay năm 1960; một văn kiện chưa có hiệu lực là Văn kiện Geneva năm 1999. Trên thực tế, khoảng 95% các đăng ký quốc tế KDCN có hiệu lực theo Văn kiện 1960 nên khi nói đến Thỏa ước La-hay, người ta mặc định đề cập đến Văn kiện La-hay năm 1960. Mục đích chính của đăng ký quốc tế KDCN là cho phép bảo hộ KDCN tại một số quốc gia thông qua một đơn đăng ký duy nhất được nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Để đăng ký KDCN theo Thỏa ước La-hay, Đơn đăng ký quốc tế phải được nộp tới Văn phòng quốc tế WIPO (theo mẫu quy định) - có thể được nộp thông qua Cơ quan SHCN của nước thành viên. Thỏa ước không đòi hỏi KDCN yêu cầu bảo hộ phải được đăng ký tại nước xuất xứ. Tuy nhiên, Các quốc gia thành viên có thể yêu cầu Đơn đăng ký quốc tế phải được nộp thông qua cơ quan SHCN nước xuất xứ. Thỏa ước thừa nhận quyền ưu tiên theo Công ước Paris.
Đơn đăng ký quốc tế KDCN có thể được nộp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp theo lựa chọn của người nộp đơn. Một đơn có thể bao gồm nhiều kiểu dáng - tối đa là 100 kiểu dáng với điều kiện tất cả các kiểu dáng đó phải thuộc cùng một nhóm trong Bảng Phân loại quốc tế Locarno. Việc từ chối bảo hộ phải được quốc gia thành viên thông báo cho Văn phòng quốc tế trong vòng 6 tháng kể từ ngày cơ quan quốc gia nhận được ấn phẩm công bố KDCN. Văn phòng quốc tế gửi bản sao của thông báo từ chối cho người nộp đơn để họ có ý kiến phản đối, khiếu nại. Quá thời hạn này, nếu không có thông báo từ chối, coi như KDCN được chấp nhận bảo hộ.
Với hệ thống xác lập quyền SHCN đối với KDCN theo Thỏa ước La-hay, công dân của quốc gia thành viên có thể được hưởng sự bảo hộ cho KDCN của mình ở nhiều quốc gia với các thủ tục đơn giản và chi phí thấp nhất. Thỏa ước khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước nộp đơn xin bảo hộ KDCN, đồng thời xuất khẩu sản phẩm tới các quốc gia thành viên. Điều đó giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và tăng cường hợp tác về thương mại giữa các quốc gia thành viên.
Sau thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Việt Nam hiện đang hoàn tất các thủ tục tham gia Thỏa ước La-hay. Dự kiến việc tham gia Thỏa ước sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2006.
b) Thỏa ước Lisbon về bảo hộ và đăng ký quốc tế nguồn gốc xuất xứ
Theo quy định của Thỏa ước, TGXX của các nước thành viên được công nhận và bảo hộ tại nước xuất xứ sẽ được đăng ký tại Văn phòng quốc tế WIPO để được bảo hộ. Tuy nhiên, TGXX để được bảo hộ phải đáp ứng hai điều kiện: Một là: phải đã được công nhận và bảo hộ tại nước xuất xứ - thể hiện trong một văn bản pháp lý cụ thể, trong đó
phải xác định rõ đối tượng
và phạm vi bảo hộ như: khu vực địa lý, những người có quyền sử dụng hợp pháp, đặc tính của sản phẩm... phù hợp với nội dung đơn đăng ký quốc tế;
hai là: phải được đăng ký tại Văn phòng quốc tế WIPO theo trình tự, thủ tục quy định.
Việc xin đăng ký quốc tế TGXX phải do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ yêu cầu và phải được nộp cho Văn phòng quốc tế WIPO. Tuy nhiên, người đứng tên trong
đơn không phải là cơ quan yêu cầu mà phải là "một cá nhân, pháp nhân hay chính phủ có
quyền sử dụng tên gọi xuất xứ tùy theo quy định của pháp luật quốc gia".
Văn phòng quốc tế WIPO sẽ xét nghiệm hình thức đơn và thông báo với cơ quan SHTT của các nước thành viên, đồng thời tiến hành thủ tục công bố Đơn. Trong thời hạn một năm kể từ khi nhận được thông báo, Cơ quan SHTT của các nước thành viên phải có ý kiến về việc chấp nhận bảo hộ hay không đối với TGXX yêu cầu. Nếu không có tuyên bố từ chối, TGXX đương nhiên được bảo hộ. Sau khi được đăng ký, TGXX được bảo hộ vô thời hạn và chỉ mất hiệu lực trong hai trường hợp: TGXX đó trở thành tên gọi chung (common name) tại nước xuất xứ hoặc Văn phòng quốc tế hủy bỏ đăng ký quốc tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ.
c) Hiệp ước Luật Nhãn hiệu hàng hóa (TLT)
Hiệp ước Luật Nhãn hiệu hàng hóa được thông qua ngày 27/10/1994 tại Hội nghị Ngoại giao tại Geneva và có hiệu lực từ ngày 1/8/1996 với mục tiêu đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hành chính đối với các đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia.
Hiệp ước Luật Nhãn hiệu hàng hóa áp dụng cho các nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ. Tất cả các quốc gia gia nhập Hiệp ước buộc phải chấp nhận đăng ký nhãn hiệu dịch vụ và phải áp dụng các quy định của Công ước Paris liên quan đến nhãn hiệu (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, và nhãn hiệu bảo đảm không được quy định trong hiệp ước, vì việc đăng ký các nhãn hiệu này đòi hỏi phải thỏa mãn các điều kiện tùy thuộc vào tình hình của các quốc gia khác nhau). Hiệp ước đưa ra danh mục các thông tin mà cơ quan nhãn hiệu hàng hóa có thể yêu cầu đối với đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Các quốc gia thành viên không được yêu cầu thêm thông tin ngoài những thông tin đã được đề cập trong hiệp ước. Hiệp ước cũng quy định về thông tin tối đa mà cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có thể yêu cầu đối với việc công nhận ngày nộp đơn. Hiệp ước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn trong trường hợp việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bị từ chối đối với một số hàng hóa/dịch vụ nhất định, theo đó, người nộp đơn có thể tách đơn nhằm đảm bảo thời hạn bảo hộ nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ không bị từ chối, đồng thời tiến hành khiếu nại liên quan đến hàng hóa,
dịch vụ bị từ chối.
Một ưu điểm quan trọng trong hiệp ước là việc loại bỏ các yêu cầu về chứng thực, chứng nhận, hợp pháp hóa hoặc các hình thức xác nhận chữ ký, trừ trường hợp chữ ký liên quan đến việc từ bỏ quyền SHCN của chính mình. Hiệp ước cũng đưa ra các yêu cầu tối đa mà cơ quan nhãn hiệu hàng hóa có thể đòi hỏi trong quá trình sửa chữa, bổ sung thông tin liên quan đến đơn yêu cầu xác lập quyền hoặc văn bằng bảo hộ. Ngoài các yêu cầu đó, cơ quan nhãn hiệu hàng hóa quốc gia không được yêu cầu thêm trừ khi có lý do xác đáng nghi ngờ về tính chính xác của thông tin nhận được.
Theo quy định của hiệp ước, cơ quan nhãn hiệu hàng hóa quốc gia có nghĩa vụ sửa chữa đương nhiên và miễn phí các sai sót do mình gây ra. Trong trường hợp dự định từ chối một yêu cầu nào đó liên quan đến đơn, cơ quan nhãn hiệu hàng hóa quốc gia phải dành một khoảng thời gian hợp lý để bên yêu cầu có cơ hội đưa ra ý kiến về dự định từ chối đó.
Các yêu cầu của Hiệp ước Luật Nhãn hiệu đòi hỏi Việt Nam và các nước thành viên khác phải bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật quốc gia rườm rà, phức tạp nhằm đơn giản hóa đến mức có thể các yêu cầu liên quan đến trình tự, thủ tục xác lập quyền SHCN. Do đó, việc gia nhập TLT là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống xác lập quyền SHCN, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn.
Hiện Việt Nam đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể gia nhập hiệp ước này trong thời gian sớm nhất.
d) Hiệp ước Luật Sáng chế (PLT)
Hiệp ước Luật Sáng chế (PLT) được thông qua ngày 1.6.2000 tại Hội nghị Ngoại giao Geneva với mục đích làm hài hòa và sắp xếp hợp lý các thủ tục liên quan tới việc đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế ở khu vực và quốc gia. Mọi quốc gia thành viên Công ước Paris hoặc thành viên WIPO có thể trở thành thành viên của PLT. Các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng có thể trở thành thành viên Hiệp ước nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, trong đó có một điều kiện quan trọng là tổ chức phải được quyền cấp bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực tại các quốc gia thành viên hoặc có sự ràng
buộc pháp lý đối với tất cả các quốc gia thành viên về những vấn đề mà hiệp ước điều chỉnh và được chỉ định một cơ quan khu vực cho mục đích cấp bằng độc quyền sáng chế. PLT được áp dụng với các đơn khu vực và đơn quốc gia xin cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc các đơn quốc tế theo PCT khi đơn đã bước vào "giai đoạn quốc gia".
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp đơn, Hiệp ước đưa ra một danh mục tiêu chuẩn các yêu cầu về hình thức đối với đơn khu vực và quốc gia, đồng thời xây dựng mẫu đơn quốc tế và yêu cầu các nước thành viên chấp nhận. Với mẫu đơn quốc tế này, người nộp đơn chỉ cần nộp một đơn duy nhất cho bất cứ cơ quan SHCN nào của nước thành viên. Để giảm việc cung cấp bằng chứng không cần thiết cho người nộp đơn, PLT quy định rằng các bằng chứng hỗ trợ đơn, các tuyên bố về quyền ưu tiên hoặc chứng nhận bản dịch chỉ có thể được yêu cầu khi cơ quan đăng ký có lý do nghi ngờ về tính xác thực của chúng. Hiệp ước cũng đưa ra các yêu cầu về xác định ngày nộp đơn và các thủ tục nhằm tránh mất ngày nộp đơn do không tuân thủ các yêu cầu về hình thức.
Có thể nhận thấy, với Hiệp ước PLT, việc tiêu chuẩn hóa và đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền đối với sáng chế có tác dụng giảm rủi ro và sai sót về thủ tục, tiết kiệm chi phí cho người nộp đơn và quan trọng hơn là ít bị mất quyền. Người nộp đơn có thể tiến hành một thủ tục tương tự tại tất cả các nước là thành viên của PLT. Hơn nữa, PLT đưa ra nhiều cơ hội cho người nộp đơn để sửa chữa các lỗi liên quan đến thủ tục trước cơ quan đăng ký nhằm giảm rủi ro mất quyền vì không tuân thủ thủ tục. Chính việc loại trừ các quy định phức tạp, không cần thiết về thủ tục và hợp lý hóa toàn bộ quá trình xem xét đơn là điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động cho các Cơ quan đăng ký quốc gia.