Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam doc (Trang 54 - 56)

Khái niệm "bí mật kinh doanh" còn có thể được đề cập đến dưới nhiều thuật ngữ khác như "bí mật thương mại - trade secret", "thông tin bí mật - secret information" hay "thông tin không thể tiết lộ - undisclosed information". Việc bảo hộ bí mật kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiệp định TRIPS (Điều 39), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Điều 9 Chương II), Hiệp định Việt Nam - Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 3.1). Hiệp định TRIPS và BTA không đưa ra những nguyên tắc xác lập quyền SHCN và cơ chế bảo hộ đối với bí mật kinh doanh một cách bắt buộc mà trao quyền cho các quốc gia tự do lựa chọn tùy theo điều kiện thực tế của mình.

ở hầu hết các quốc gia, quyền đối với bí mật kinh doanh được xác lập một cách tự động mà không cần phải trải qua các thủ tục đăng ký nếu nó đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng nguyên tắc tự động xác lập quyền đối với bí mật kinh doanh xuất phát từ những đặc tính đặc thù của đối tượng này. Do những thuộc tính bí mật của thông tin, tính đa dạng về tiêu chuẩn, điều kiện và đối tượng bảo hộ (chẳng hạn như: bí quyết kỹ thuật, kết quả thử nghiệm, thông tin thương mại, danh sách khách hàng, chiến lược quảng cáo…) nên việc thẩm định, đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ để cấp văn bằng đối với bí mật kinh doanh là điều khó thể thực hiện được trên thực tế. Mặt khác, việc ghi nhận nội dung một bí mật kinh doanh tại một cơ quan có thẩm quyền và xác định chủ sở hữu đối với bí mật kinh doanh đó cũng là vấn đề không khả thi do các

thông tin liên quan đến kinh doanh, các biện pháp bảo mật, người có nghĩa vụ bảo mật… không thể là những cái bất biến mà nó thường xuyên được thay đổi do đòi hỏi của thực tế.

Do vậy, có thể nói, việc bảo hộ bí mật kinh doanh dưới hình thức đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền là không khả thi và trên thực tế hầu như không có quốc gia nào theo đuổi cơ chế bảo hộ này. Hơn nữa, trên thực tế, vấn đề xác định và ghi nhận chủ sở hữu bí mật kinh doanh cũng không được đặt ra trừ khi phát sinh tranh chấp liên quan đến bí mật kinh doanh đó. Khi xảy ra tranh chấp hoặc xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh, chủ sở hữu không những phải chứng minh bí mật kinh doanh của mình đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện bảo hộ và mình là chủ sở hữu thực sự mà còn phải chứng minh quyền lợi của mình đang bị xâm hại hoặc ảnh hưởng.

ở Việt Nam, khái niệm bí mật kinh doanh vẫn còn là một khái niệm mới. Thực tiễn áp dụng các quy định liên quan đến bí mật kinh doanh còn quá ít ỏi nếu như không muốn

nói là chưa tồn tại trên thực tế [1, tr. 76]. Theo Nghị định 54/2000/NĐ-CP, quyền SHCN

đối với bí mật kinh doanh được tự động xác lập và bảo hộ nếu đó là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin, không phải là hiểu biết thông thường; có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó và được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được (Điều 5 và Điều 6.1).

Xuất phát từ những đặc trưng riêng có của bí mật kinh doanh (mang tính tổng hợp cao, không bị hạn chế về thời hạn bảo hộ và cơ sở của việc bảo hộ là sự độc quyền trên thực tế của một chủ thể đối với một tập hợp kiến thức nhất định), việc xác định và đưa ra các tiêu chí bảo hộ chặt chẽ để một thông tin có thể được bảo hộ với tư cách là bí mật kinh doanh là rất cần thiết. Điều 84 Luật SHTT quy định cụ thể về các điều kiện để bí mật kinh doanh được bảo hộ, theo đó, bí mật kinh doanh phải không là những hiểu biết thông thường và dễ dàng có được; khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó và được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị

bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Việc bảo mật có thể được thực hiện bằng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức hay pháp lý…nhưng phải thể hiện thông qua ý chí chủ quan của chủ sở hữu trong việc giữ gìn bí mật đối với thông tin mà mình nắm giữ. Đây được coi là tiêu chí quan trọng nhất để xác định tiêu chuẩn bảo hộ đối với một bí mật kinh doanh.

Luật SHTT cũng quy định rõ: Quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó (Điều 6.2,c).

So với TRIPS, Luật SHTT quy định cụ thể hơn về điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh đó là "không phải là hiểu biết thông thường và dễ dàng có được". Đây là yêu cầu cần thiết trên thực tế nhằm đảm bảo ý nghĩa của việc bảo hộ đối với đối tượng này.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam doc (Trang 54 - 56)