"Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp" (Điều 784 BLDS 1995).
Về tiêu chuẩn bảo hộ, KDCN được công nhận là có tính mới nếu khác biệt cơ bản với các KDCN nêu trong đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ KDCN đã được nộp trước hoặc đã được công bố trong các nguồn thông tin liên quan và chưa bị bộc lộ công khai trong và ngoài nước trước ngày ưu tiên của đơn tới mức căn cứ vào đó, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được KDCN đó; KDCN được dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt các sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp nếu có thể chế tạo hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Về đối tượng loại trừ không được bảo hộ với danh nghĩa là KDCN, hai trường hợp bị loại trừ theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm: "Hình dáng bên ngoài của sản phẩm được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình thuộc lĩnh
vực tương ứng" và "kiểu dáng các sản phẩm chỉ có giá trị thẩm mỹ" đã bị loại bỏ trong Luật SHTT. Đây là sự sửa đổi hợp lý nhằm đảm bảo phạm vi bảo hộ của đối tượng này.
c) Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
Pháp luật hiện hành sử dụng thuật ngữ "nhãn hiệu hàng hóa" để chỉ tất cả các loại nhãn hiệu: nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể…Điều này là một bất cập và đã được khắc phục trong Luật SHTT.
Về tiêu chuẩn bảo hộ đối với nhãn hiệu, các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam có một số bất cập sau:
- Về các dấu hiệu loại trừ, việc coi các hình hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái không phát âm được như một từ ngữ là dấu hiệu không có khả năng phân biệt là không hợp lý vì theo thông lệ quốc tế cũng như trên thực tế, các dấu hiệu, hình vẽ, chữ số, chữ cái nếu đáp ứng được chức năng của một nhãn hiệu, tức là đảm bảo "nhiệm vụ" chỉ dẫn đặc trưng, đảm bảo tính phân biệt của hàng hóa, dịch vụ, của cơ sở sản xuất, kinh doanh thì hoàn toàn có quyền được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu. Việc các chữ có thể phát âm được thành một từ ngữ hay không, hình vẽ có đơn giản hay không không quyết định tính phân biệt của dấu hiệu đó. Không ít nhãn hiệu chỉ bao gồm tập hợp các chữ cái đơn thuần không có khả năng phát âm như một từ ngữ hoặc nhãn hiệu chỉ là một hình học đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được chức năng của nhãn hiệu hàng hóa, được người tiêu dùng thừa nhận và hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về tính phân biệt của một nhãn hiệu (ví dụ như: P/S, TNT, LG, JVC, phần hình của nhãn hiệu NIKE….)
- Pháp luật hiện hành mới chỉ ghi nhận bảo hộ các nhãn hiệu chữ và các dấu hiệu hình họa mà chưa đặt ra việc bảo hộ các loại nhãn hiệu mới như: nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi…;
- Chưa có quy định về cơ chế và tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu tập thể…
Một số bất cập nêu trên đã được bổ sung, khắc phục trong Luật SHTT, theo đó, nội hàm khái niệm được mở rộng hơn, bao gồm: những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng
hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Tiêu chuẩn bảo hộ cũng được quy định
một cách linh hoạt hơn: quy định về dấu hiệu loại trừ là các hình và hình hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, các chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ; chữ nước
ngoài thuộc các ngôn ngữ không thông dụng đã được loại bỏ. Đây là một sự sửa đổi cần
thiết và phù hợp với thực tế. Ngoài ra, định nghĩa, các tiêu chuẩn bảo hộ và tiêu chí đánh giá đối với các loại nhãn hiệu mà trước đó chưa được ghi nhận bảo hộ chính thức, bao gồm: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng cũng đã được ghi nhận và quy định một cách khá cụ thể, rõ ràng.