Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam doc (Trang 29 - 30)

Là một loại tài sản, quyền SHCN được xác lập dựa trên những căn cứ cụ thể theo quy định của pháp luật. Thông lệ quốc tế và pháp luật của các quốc gia nhìn chung đều có sự thống nhất trong việc xác định căn cứ xác lập quyền SHCN, đó là quyết định cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng SHCN phải đăng ký và hành vi sử dụng, bảo vệ đối tượng trên thực tế đối với các đối tượng SHCN được tự động bảo hộ.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về căn cứ xác lập quyền như sau:

- Quyền SHCN đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, KDCN, nhãn hiệu hàng hóa, TGXX phát sinh trên cơ sở Văn bằng bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền cấp theo thủ tục quy định; quyền SHCN đối với nhãn hiệu được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid phát sinh trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng phát sinh trên cơ sở quyết định công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 8, Nghị định 63/CP).

- Quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại được tự động xác lập khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (Điều 5 Nghị định 54/2000/NĐ-CP); Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập và bảo hộ khi có xuất hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định của Luật SHTT, căn cứ xác lập quyền SHCN đối với các đối tượng phải đăng ký có sự thay đổi so với Nghị định 63/CP nêu trên, theo đó, quyền SHCN được xác lập trên cơ sở Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 6). Cách xác định theo Luật SHTT là hợp lý và chính xác hơn vì: về

bản chất, Văn bằng bảo hộ chỉ là chứng chỉ xác nhận quyền SHCN. Chủ sở hữu quyền có thể được cấp bản gốc, bản sao, phó bản văn bằng bảo hộ. Việc ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ mới là hành vi pháp lý làm phát sinh quyền SHCN đối với đối tượng.

Luật SHTT cũng đưa ra quy định cụ thể về căn cứ xác lập quyền đối với các đối tượng được tự động bảo hộ (Điều 6), theo đó:

- Quyền SHCN đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

- Quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp thông tin tạo thành bí mật kinh doanh và có sự bảo mật thông tin đó.

- Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam doc (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)