TRUYỆN NGẮN LÝ LAN: NHỮNG ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT
3.3 Dấu vết tự truyện
Đọc truyện ngắn của các nhà văn nữ, người đọc dễ dàng nhận thấy bóng dáng cuộc đời và tâm hồn của họ. Nếu văn xuôi Dạ Ngân đậm đà bóng hình tác giả, truyện ngắn Nguyễn Thị Minh Ngọc chân thật những chi tiết về cuộc đời riêng của nhà văn ngoài đời thì truyện ngắn Lý Lan, trong một số trường hợp chỉ mang dấu
vết tự truyện. Nhà văn sử dụng một số chi tiết có trong cuộc sống mình để đưa vào tác phẩm. Tuy nhiên, dấu vết tự truyện được đưa vào truyện ngắn Lý Lan ở mức độ đậm nhạt khác nhau.
Làng quê Nam Bộ và những năm tháng tuổi trẻ đã ảnh hưởng đến tâm hồn nhà văn sâu sắc. Độc giả dễ dàng nhận thấy điều này trong những truyện ngắn như
Cho đến sang năm, Đất khách, Chuyện kinh dị, Chàng nghệ sỹ, Thời gian không mất đi, Nguyệt quý, Vườn cổ tích, Suối Sim, Bông vạn thọ, Công tử vườn…
Nguyệt quý là dòng hồi tưởng về người thầy giáo làng ở quê mẹ Lái Thiêu, người đã ảnh hưởng đến tâm hồn nhà văn. Cần Giuộc là nơi Lý Lan trở thành cô giáo và dạy học hơn mười năm. Vườn cổ tích, Bông vạn thọ, Ngựa ô, Cho đến sang năm là những câu chuyện đậm đặc hoài niệm của nhà văn về quê mẹ, về người mẹ mất sớm của nhà văn Lý Lan…
Do hoàn cảnh riêng của một người mang “thân phận kép”, sinh sống hơn tám năm đầu đời ở quê mẹ Lái Thiêu và trưởng thành ở Chợ Lớn trong một khu phố lao
động nghèo, Lý Lan thường chọn kể về những cảnh, những người thân thuộc. Phần lớn truyện ngắn Lý Lan lấy bối cảnh vùng đồng bằng Nam Bộ và đô thị Sài Gòn làm bối cảnh cho câu chuyện. Nhà văn thường tập trung miêu tả những con người thị dân bình thường, âm thầm sống trong sự thay đổi của đời sống xã hội từ
sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay. Đó còn là những địa danh miền Nam nơi nhà văn đã từng sinh sống, lao động và gắn bó quen thuộc như Cần Giuộc, Lộc Ninh, Tây Ninh, hoặc những con đường thân quen như La Cai, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, Ngã Bảy… hay những di tích chùa Ông, chùa Bà… Đó là những câu chuyện về sựđổi thay của quá trình đô thị hóa nông thôn đang từng ngày
ảnh hưởng đến đời sống và con người trong Đất khách, Công tử vườn, Mùa lá chín…“Mấy năm gần đây quê tôi phát triển nghề gốm. Quanh vùng, lò chén lò lu mọc lên lô nhô. Đất bị đào lấy nguyên liệu, để lại từng hố từng hố to nhỏ đủ hình dạng. Đường đi lên gò mả thành ra nhiêu khê, vòng vèo men các miệng hố, lách theo mấy rặng tre cù. Làng quê vốn thân quen nay cũng hơi lạ mắt” (Ngựa ô).
Trong truyện ngắn, Lý Lan thường chọn cách kể từ ngôi thứ nhất. Nhân vật nữ xưng tôi kể chuyện mình, chuyện người, thường là những lát cắt từ chính cuộc đời tác giả. Truyện Đường dài hạnh phúc được viết để chúc mừng bạn, một nhà văn nữ sắp chuẩn bị lên xe hoa. Truyện ngắn này là lời tự sự của tôi, một nhà văn lấy chồng người nước ngoài, mang dáng dấp của cuộc sống Lý Lan ngoài đời:
“Từ lúc mẹ tôi mất cho đến khi tôi lập gia đình là khoảng thời gian 37 năm tôi sống tự do phóng khoáng, muốn gì làm nấy, suy nghĩ độc lập, trong nhà chuyện cơm nước áo quần có em gái lo, ra đường chỗ nào vui, bạn bè rủ, thì tới. Chơi chán thì
đi. Bây giờ thỉnh thoảng nửa đêm trở mình, đụng phải thân thể một người đàn ông, giật mình thức giấc, định thần mới nhớ ra đó là chồng mình!”. Yếu tố tự truyện này giúp gia tăng thêm tính chân thật cho tính cách và tình cảm của nhân vật: “Mình ngồi lại một mình tủi thân gì đâu. Rồi tự hỏi, con người mình đó ư? Sao có thể
mừng vui đó rồi khổ sở đó chỉ vì một người đàn ông? Đâu rồi cái con người nghệ
sĩ ngang tàng, ai khen ai chê cũng nghe qua rồi bỏ, cứ kiểu mình thích mình làm. Mắc gì mình cặm cụi cả ngày làm mứt? Mình sinh ra để làm thơ, thì tại sao mình không làm thơ mà làm mứt?”. Điểm khác biệt là truyện ngắn Lý Lan không tái hiện lại rõ ràng những chi tiết cuộc đời mình thành các chi tiết để xây dựng truyện ngắn như Lý Văn Sâm từng kể trong truyện ngắn Vợ tôi – người dân tộc thiểu số, hoặc Nguyễn Thị Minh Ngọc trong Cạn duyên. Lý Lan chỉ thoáng nói qua, nhắc đến những chi tiết có liên quan đến cuộc đời mình để nói chuyện khác. Chẳng qua trong lúc viết truyện, nhà văn đưa các yếu tố này vào không phải để giải bày mà để làm rõ thêm bối cảnh cho câu chuyện nếu thấy cần thiết, góp phần dựng nên những không gian cuộc sống chân thật.
Lý Lan cũng đưa nhiều chi tiết tiết cuộc đời thực của mình vào tác phẩm như: mẹ mất sớm, cha là một người Hoa di dân, bản thân tác giả từng là một cô giáo
đi dạy học ở tỉnh, từng trải những ngày cực nhọc dạy thêm ngoại ngữ để mưu sinh, lận đận duyên phận mãi hơn bốn mươi tuổi mới lập gia đình và hiện nay sinh sống ở
cả hai quê hương… Trong truyện ngắn Đất khách, Lý Lan có sự gặp gỡ với nhà văn tiền chiến Hồ Dzếnh trong tập truyện Chân trời cũ. Cùng là người Việt gốc
Hoa, có cha là một khách trú và mẹ là một thiếu nữ Việt, cùng cầm bút viết văn khi trong lòng mang nặng tâm tình hai quê hương xứ sở, hai cây bút này kẻ trước người sau có sự gặp gỡ ở chỗ họđều viết về quê mẹ và hoài nhớđến nền văn hóa quê cha bằng những trang văn xuôi giản dị, mượt mà. Vì quê mẹ gắn với họ bằng tình yêu thương sâu nặng, vì đây là mảnh đất họ sinh trưởng, còn nỗi nhớ quê cha được họ bày tỏ bằng cách ghi lại dấu ấn sự gặp gỡ nên duyên nên phận của các đấng sinh thành. Hồ Dzếnh viết bằng những kỉ niệm cụ thể do cha mình kể lại về cuộc tình của hai cụ trên bến Phà Ghép trong Ngày gặp gỡ, Lý Lan khai thác những thông tin do người cha cung cấp để dựng lên hình ảnh những người Triều Châu đến Sài Gòn lục tỉnh lập nghiệp buổi ban đầu. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Có thể dự đoán ở cả hai nhà văn, cái cảm giác về “một thân phận kép” đã trở thành ám ảnh, và sở dĩ họp cầm bút viết văn một phần vì luôn luôn họ phải nghĩ về trường hợp của bản thân cũng những tình cảm sâu nặng trong lòng, như xưa nay, cách tốt nhất để hiểu những điều không thể cắt nghĩa nổi là giãi bày chúng lên mặt giấy”.
[89, tr.15].
“Ở thế kỉ XX, nhiều nhà văn thuật lại cuộc đời của chính mình để qua đó phản ánh số phận của dân tộc, cộng đồng và thời đại” [29,tr.389]. Trong tác phẩm truyện ngắn Lý Lan, tự truyện có ý nghĩa và giá trị riêng. Nhà văn đưa vào truyện ngắn của mình các yếu tố tự truyện để thể hiện những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm của bản thân về nguồn gốc và văn hóa của mình. Đất khách là một tác phẩm thể nghiệm về đề tài người Hoa mà nhà văn đã ấp ủ từ lâu. Lý Lan xây dựng lại hình ảnh người cha và đám người Triều Châu đến Sài Gòn lập nghiệp buổi đầu chính là muốn thể hiện lại cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn đầu tiên đã đến đây như
thế nào, đã hội nhập với cuộc sống ra sao và vì đâu mà họ phân loại thành những người Hoa khác nhau như người Hoa tư sản, người Hoa cách mạng, người Hoa lao
động phổ thông.
Về phía người đọc, khi tiếp nhận truyện ngắn Lý Lan ít nhiều mang dấu vết tự truyện, họ cảm thấy thú vị vì đang gặp gỡ một tâm hồn phụ nữ bình dị, tự tin và không kém phần sâu sắc. Còn với Lý Lan thì từ lúc vào đời và cho đến hôm nay
như nhà văn đã nói “Tôi luôn phải cố gắng để vượt qua sự kỳ thị”, và viết văn với niềm mong mỏi “mở một cánh cửa” lòng với mọi người.