Những thuận lợi và khó khăn của việc dạy học ngữ pháp theo chương trình mớ

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm tích hợp và tích cực trong việc dạy ngữ pháp ở trường trung học phổ thông (Trang 68 - 71)

VI. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Những thuận lợi và khó khăn của việc dạy học ngữ pháp theo chương trình mớ

c) Kĩ năng dạy kết hợp chính khoá và ngoại khoá

2.1.2.Những thuận lợi và khó khăn của việc dạy học ngữ pháp theo chương trình mớ

chương trình mới

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát việc dạy và học ngữ pháp ở trường phổ thông hiện nay bằng các phiếu tham khảo ý kiến của 50 GV và hơn 400 HS THPT . Kết quả của việc khảo sát được trình bày trong các bảng biểu ở phần phụ lục. Dựa trên kết quả ấy, chúng tôi có một vài nhận xét về những thuận lợi và khó khăn của GV khi dạy học ngữ pháp theo chương trình mới như sau.

2.1.2.1. Thuận lợi

Khi dạy các bài ngữ pháp trong sách Ngữ văn ở THPT, GV nhận thấy có nhiều thuận lợi cả về chương trình, thời gian, kết cấu mỗi bài học…

Trước hết là sự thuận lợi về mặt thời gian. Quy định về thời gian cho mỗi bài học không quá khắt khe. Ví dụ, trong một tuần, chương trình Ngữ văn 11 nâng cao có 4 tiết với số bài nhất định, GV có thể sắp xếp linh hoạt về thời gian cho từng bài học trong tổng số tiết có thể, không nhất thiết phải là bài này bắt buộc dạy trong 2 tiết, bài kia dạy trong 1 tiết…

Hơn nữa, nhìn vào các bài học ngữ pháp trong SGK Ngữ văn 11 chúng ta thấy thời lượng dành cho các giờ thực hành tăng, có những bài chỉ dành riêng cho thực hành như Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu, Thực hành về sử dụng các kiểu câu trong văn bản. Ngay cả những bài học có tính lí thuyết như Ngữ cảnh, Nghĩa của câu thì phần lí thuyết đều được trình bày gọn, phần luyện tập được chú trọng..

Tính kế thừa, liên tục về kiến thức của các bài học cũng là một thuận lợi cho GV. Bài trước cần thiết cho bài sau và bài sau là sự củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức từ bài trước. Ví dụ, bài Ngữ cảnh được sắp xếp trước các bài Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu và bài Thực hành về sử dụng một

số kiểu câu trong văn bản bởi vì muốn lựa chọn cách sắp xếp các bộ phận trong câu hay lựa chọn kiểu câu để diễn đạt được mục đích giao tiếp đều phải dựa vào ngữ cảnh của câu nói. Cách sắp xếp các bài học và lựa chọn các kiến thức, kĩ năng về ngữ pháp để rèn luyện cho HS ở THPT đã thể hiện được tinh thần tích hợp của chương trình Ngữ văn.

Một thuận lợi khác giúp GV thực hiện việc dạy học theo hướng tích cực là cách dẫn dắt trong các bài học. Tất cả các bài lí thuyết đều được trình bày theo hướng quy nạp, dùng ngữ liệu và hệ thống câu hỏi để giúp HS tự tìm hiểu kiến thức mới. Bên cạnh đó, việc chọn ngữ liệu và khai thác ngữ liệu trong SGK chỉ là gợi ý, vẫn còn nhiều “đất trống” để GV tự do và sáng tạo, sao cho phù hợp với đối tượng giảng dạy.

Với những thuận lợi trên, khi dạy ngữ pháp, GV hoàn toàn chủ động trong việc sắp xếp thời gian, lựa chọn ngữ liệu, lựa chọn PP và hình thức tổ chức dạy học cũng như hình thức kiểm tra đánh giá nhằm giúp HS nắm kiến thức một cách chủ động và cảm thấy hứng thú với bài học.

2.1.2.2. Khó khăn

Dù có nhiều thuận lợi như trên nhưng GV vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện việc dạy học ngữ pháp theo hướng tích hợp và tích cực.

Về mặt ngữ liệu, việc SGK lựa chọn nhiều ngữ liệu từ các tác phẩm văn học tuy thể hiện được tính tích hợp kiến thức nhưng lại khá nhàm chán, nhiều khi xa lạ với HS.

Ví dụ: Các bài tập trong bài Nghĩa của câu khai thác các tác phẩm văn học trung đại như bài Tự tình (Hồ Xuân Hương), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Thương vợ (Trần Tế Xương) đã học ở học kì I làm cho HS cảm thấy lúng túng và rất khó khăn trong việc trình bày bài giải.

Hay như ngữ liệu để hướng dẫn HS tìm hiểu khái niệm “ngữ cảnh” là một câu nói của chị Tí trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”: “Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ!”. Đây là một ngữ liệu hợp lí, thể hiện được khá đầy đủ các đặc trưng của “ngữ cảnh”, và có thể giúp HS thấy được mối quan hệ giữa kiến thức tiếng Việt với tác phẩm văn học vừa học. Tuy nhiên, trong quá trình dạy bài “Ngữ cảnh”, chúng tôi nhận thấy HS không hứng thú với ngữ liệu này, có thể vì các câu hỏi đều đã được gợi ý trả lời ngay bên dưới, nhưng thực tế phần lớn HS đều cho rằng nó không gần gũi với giao tiếp hàng ngày của các em.

Trong chương trình có nhiều bài thực hành ngữ pháp, phần lớn là thực hành các kiến thức và kĩ năng đã học ở THCS. Tuy nhiên, nhiều kiến thức HS đã quên, GV thường phải mất nhiều thời gian để ôn tập lại cho HS trước khi hướng dẫn các em thực hành. Điều này làm cho GV thường cảm thấy không đủ thời gian cho giờ thực hành.

Một khó khăn khác mang tính chuyên môn là GV chưa được tập huấn kĩ về các PP giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực của HS và thể hiện sự tích hợp kiến thức trong bài dạy. Những chỉ dẫn về PP trong sách giáo viên vẫn chưa cụ thể. Cho nên, hầu hết GV vẫn giảng dạy theo cách bám sát SGK, thực hiện lần lượt các nội dung được trình bày trong sách, sử dụng những câu hỏi có sẵn để hướng dẫn HS học bài.

Về PP kiểm tra, đánh giá, phần lớn các GV được tham khảo ý kiến đều đồng ý cần có ít nhất một bài kiểm tra Tiếng Việt (hệ số 2) trong một học kì, các kĩ năng sử dụng tiếng Việt cần được kiểm tra nhiều hơn trong các bài thi học kì, tăng cường những hoạt động ngoại khoá tiếng Việt,… Điều này sẽ giúp HS ý thức hơn về việc rèn luyện tiếng Việt trong quá trình nói, viết. Việc kiểm tra, đánh giá phân môn Tiếng Việt nói chung và ngữ pháp nói riêng như hiện nay

vẫn mang tính chất đại khái, thông qua bài tập làm văn. Thông thường, các lỗi của HS ít khi được chỉ rõ, HS cũng không được yêu cầu bắt buộc phải sửa lại những lỗi ấy, việc rèn luyện không theo một quá trình cho nên sau khi hoàn tất chương trình, có nhiều HS nhận thấy cách diễn đạt của mình không có tiến bộ, việc sử dụng tiếng Việt vẫn chỉ theo thói quen.

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm tích hợp và tích cực trong việc dạy ngữ pháp ở trường trung học phổ thông (Trang 68 - 71)