VI. Cấu trúc của luận văn
Quá trình dạy học theo PP giao tiếp Các
1.2.2. Những khái niệm công cụ có liên quan
Để mở rộng kiến thức ngữ pháp, có khả năng lí giải những trường hợp mà kiến thức trình bày trong SGK mâu thuẫn với thực tiễn giao tiếp của HS, GV cần trang bị thêm cho mình những hiểu biết nhất định về một số khái niệm ngữ pháp sau đây.
Ba bình diện của câu (Vận dụng để dạy bài Nghĩa của câu)
Vận dụng quan điểm của ngữ pháp chức năng vào nghiên cứu câu trong tiếng Việt, câu được hiểu như sau:
Câu là một đơn vị cấu trúc (một tổ chức hình thức) độc lập bao gồm các yếu tố là các ngữ đoạn (từ, tổ hợp từ) và mối quan hệ giữa các yếu tố quy định chức năng cho từng yếu tố. Đây là bình diện cú pháp (còn gọi là bình diện kết học) của câu.
Tổ chức hình thức của câu biểu đạt một nhận định của tư duy (tức là biểu đạt một tư tưởng tương đối trọn vẹn về ý nghĩa: một mệnh đề) nên có chức năng truyền đi một thông báo. Nội dung của mệnh đề là thực tại được phản ánh vào câu, chính là ý nghĩa của câu (còn gọi là bình diện nghĩa học).
Câu được hình thành thông qua người nói tức là thông qua sự nhận thức của chủ thể nói năng đối với hiện thực. Vì thế câu, ngoài việc biểu hiện ý nghĩa khách quan của thực tại còn biểu hiện ý nghĩa sắc thái mang tính chủ quan của người nói trong việc nhận thức, đánh giá thực tại và trong cách tổ chức phát
ngôn tạo thông báo nhằm mục đích giao tiếp nhất định. Đó là ý nghĩa tình thái của câu thuộc bình diện ngữ dụng (còn gọi là dụng học).
Cơ cấu tổ chức hình thức của câu đồng thời biểu đạt cả ý nghĩa miêu tả (ngữ nghĩa) lẫn ý nghĩa tình thái của câu.
Trọng âm (Vận dụng để dạy bài Nghĩa của câu)
Trọng âm là hiện tượng nhấn mạnh vào một âm tiết nào đó trong ngữ lưu. Trong tiếng Việt, sự nhấn mạnh đó được thể hiện bằng cách tăng độ mạnh phát âm và tăng độ dài phát âm.
Nghĩa tình thái của câu cũng có thể được thể hiện qua trọng âm của câu. Mỗi câu nói đều mang một hay nhiều trọng âm, mỗi trọng âm đánh dấu một ngữ đoạn (trọng âm của câu) và đánh dấu từ nào đó quan trọng về mặt logic hay thông tin (trọng âm logic).
Lý thuyết hội thoại (Vận dụng để dạy bài Ngữ cảnh)
Hội thoại là hình thức giao tiếp thường xuyên, căn bản, phổ biến của ngôn ngữ và cũng là hình thức cơ sở của mọi hoạt động ngôn ngữ khác. Các hình thức hành chức khác của ngôn ngữ đều được giải thích dựa vào hình thức hoạt động căn bản này.
Hội thoại cũng có cấu trúc, tôn ti tương tự như một đơn vị cú pháp. Các đơn vị của cấu trúc hội thoại là: cuộc thoại, đoạn thoại, cặp thoại, tham thoại, hành động ngôn ngữ.
Trong đó, cuộc thoại, đoạn thoại và cặp thoại là ba đơn vị lưỡng thoại (do hai thoại nhân tạo nên qua hoạt động trao đáp). Tham thoại (bước thoại) và hành động ngôn ngữ là đơn vị đơn thoại (do một thoại nhân tạo ra)
Cuộc thoại là đơn vị lớn nhất bao trùm, tính từ khi các thoại nhân gặp nhau, khởi đầu nói cho đến lúc chấm dứt.
Đoạn thoại là một đoạn của cuộc thoại do một hoặc một số cặp thoại liên kết với nhau về đề tài và về đích có tính hoàn chỉnh bộ phận để có thể cùng các đoạn thoại khác làm cho cuộc thoại thành công (đạt được đích). Cũng có thể nói một đoạn thoại là một lập luận bộ phận (có kết luận tường minh hoặc hàm ẩn) góp phần vào lập luận chung của cuộc thoại.
Cặp thoại là đơn vị lưỡng thoại nhỏ nhất tạo nên đoạn thoại và qua đoạn thoại mà góp phần tổ chức nên cuộc thoại.
Tham thoại là phần đóng góp của một thoại nhân vào một cặp thoại. Tham thoại do hành động ở lời tạo nên. Về tổ chức nội tại, tham thoại do một hoặc một số hành vi ngôn ngữ tạo nên. Một tham thoại có một hành vi chủ hướng (hành động quyết định đích của tham thoại, cùng với hành động chủ hướng của tham thoại kia trong cặp thoại lập thành một cặp kế cận) và có thể có hành vi phụ thuộc (làm rõ lý do hoặc bổ sung nghĩa cho hành động chủ hướng). Hành động chủ hướng của một tham thoại hoặc đòi hỏi hành động chủ hướng của tham thoại kia trong cặp thoại hồi đáp hoặc hồi đáp cho hành động chủ hướng của tham thoại ấy.
Không nên đồng nhất lượt lời và tham thoại. Lượt lời không phải là đơn vị hội thoại. Một lượt lời có thể bằng hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ hơn một tham thoại.
Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (Vận dụng để dạy bài Ngữ cảnh, Nghĩa của câu)
Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ (dạng nói hoặc dạng
viết) nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động,…
Mỗi hoạt động giao tiếp gồm hai quá trình: tạo lập văn bản (do người nói, người viết thực hiện) và lĩnh hội văn bản (do người nghe, người đọc thực hiện). Hai quá trình này diễn ra trong quan hệ tương tác.
Trong hoạt động giao tiếp có sự chi phối của các nhân tố: nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, phương tiện và cách thức giao tiếp.
Để thực hiện tốt phương pháp dạy học Tiếng Việt theo định hướng giao tiếp, cần phải gắn các nội dung dạy học với các nhân tố giao tiếp. Đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất giúp HS nắm được các quy tắc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp để có thể giao tiếp hiệu quả.
Trên đây là một số khái niệm công cụ cần thiết có thể hỗ trợ cho việc soạn giảng các bài ngữ pháp trong chương trình THPT cũng như cho quá trình nghiên cứu đề tài.