MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC TẠO HÀM NGÔN
3.1.3 Các cơ sở tạo lập và lí giải hàm ngôn
Theo Đỗ Hữu Châu: [7-393]
Hàm ngôn ngữ nghĩa được suy ra từ nội dung ngữ nghĩa tường minh của phát ngôn hay nói cách khác, là các luận cứ hoặc kết luận không được nói ra một cách tường minh, mà để cho người nghe dựa trên cơ sở các quan hệ logic, các lẽ thường (topos) mà rút ra.
Hàm ngôn ngữ dụng là các hàm ngôn do vi phạm các quy tắc ngữ dụng và quy tắc cộng tác hội thoại mà có.
Theo Nguyễn Văn Hiệp: [30-261]
Hàm ngôn quy ước được nảy sinh do việc sử dụng những biểu thức nào đó trong phát ngôn chứ không phải nảy sinh từ ngữ cảnh. Những cách sử dụng từ ngữ có thể tạo hàm ngôn là dùng liên từ, quán ngữ tình thái, các phó từ chỉ thời, thể…
Hàm ngôn hội thoại nảy sinh trên cơ sở người nói cố tình vi phạm các phương châm hội thoại và ngữ cảnh.
Hồ Lê [ 47– 347] chia phương thức hàm ngôn thành:
Hàm ngôn sử dụng những quan hệ ngữ nghĩa bất bình thường trong phát ngôn. Hàm ngôn sử dụng các kiểu quan hệ phi cấu trúc câu.
Hàm ngôn sử dụng những quan hệ giữa phát ngôn và ngữ huống. Từ những cách phân loại trên, chúng tôi nhận thấy:
Điều kiện để xét một phát ngôn có nghĩa hàm ngôn là chúng ta cần phải xem xét hàm ngôn trong mối quan hệ với nghĩa hiển ngôn, TGĐ và ngữ cảnh giao tiếp. Có nghĩa là, phải dựa vào mối quan hệ giữa các từ ngữ, các thành tố cú pháp trong phát ngôn mà bản thân chúng đã chứa sẵn TGĐ
và mối quan hệ giữa người nói, người nghe trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Để tạo hàm ngôn, có thể có các phương thức như: hình thành các lập luận dựa trên các lẽ
thường, các tiền đề logic; vi phạm các nguyên tắc ngữ dụng; sử dụng một số phương tiện ngôn ngữ
mang tính đặc thù như hư từ, tình thái từ…; sử dụng những kết hợp bất thường về nghĩa, những cấu trúc câu chuyên biệt… Với các quy tắc ngữ dụng, quy tắc hội thoại, nếu ta áp dụng một cách chuẩn mực thì chỉ tạo ra nghĩa tường minh, còn nếu cố tình vi phạm thì sẽ tạo ra hàm ngôn.
Để lí giải hàm ngôn, thứ nhất người nghe cần phải dựa vào năng lực ngôn ngữ của bản thân, tức là khả năng của con người về vận dụng ngôn ngữ. Tùy từng hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao
tiếp, trạng thái tâm lí, địa vị xã hội, trí tuệ…mà con người vận dụng các cơ chế ngôn ngữ tạo ra những phát ngôn khác nhau. Ngược lại, từ các biểu thức ngôn ngữ, con người cũng có thể đặt cái
được biểu đạt vào cái biểu đạt. Điều này cũng dẫn đến, sự khác biệt hay tương đồng về năng lực ngôn ngữ giữa người nói và người nghe sẽ dẫn tới sự thống nhất hay bất đồng về hàm ngôn giữa người nói và người nghe. Thứ hai, người nghe cần phải dựa vào lẽ thường (topos). Đây là những chân lí thông thường có tính chất kinh nghiệm, bị chi phối bởi nền văn hóa cộng đồng. Thứ ba, người nghe cần phải dựa vào các quy tắc diễn ngôn, còn gọi là quy tắc ngữ dụng. Bất cứ người nào tham gia giao tiếp, muốn tiến hành một cuộc hội thoại chân thành cũng phải tôn trọng các quy tắc này. Thứ tư, người nghe cần phải dựa vào các kiểu quan hệ logic như quan hệ nhân quả, phép tam
đoạn luận…Theo logic, việc thay đổi trật tự các tác tử, kết tử sẽ làm thay đổi hiệu lực của phát ngôn.
Cần lưu ý, hàm ngôn được người nghe suy ý từ hiển ngôn và TGĐ. Do đó, về phía người nói,
để tạo câu nói có hàm ngôn và không muốn người nghe hiểu sai điều mình muốn nói, người nói phải đặt mình vào cương vị của người nghe, dự kiến những suy ý có thể xảy ra, thiết lập hiển ngôn không chứa những suy ý không đúng điều mình muốn nói.
Ví dụ: (6) Hoa không phải là cô gái đẹp.
Có thể người nghe hiểu “Hoa là cô gái xấu”. Nhưng nếu người nói không có hàm ý như vậy thì phải nói “Hoa không phải là cô gái đẹp nhưng cũng không phải là cô gái xấu.”
Hàm ngôn là kết quả của sự suy ý. Do đó, cùng một lời nhưng tùy thuộc vào người phát ngôn, hoàn cảnh phát ngôn, có thể hiểu ít nhiều khác nhau về cái ý muốn nói. Đối với ca dao, do
đây là loại hình văn học dân gian được truyền từđời này sang đời khác, mất đi dấu ấn tác giả, ngữ
cảnh nên thường có nội dung hàm ngôn phong phú. Những người thuộc thời đại khác nhau, vị trí xã hội khác nhau, hoàn cảnh khác nhau có thể cảm thụ nội dung hàm ngôn khác nhau. Ứng với từng lớp người, từng ngữ cảnh mà người ta có thể gắn nội dung cho câu ca dao:
(7) Ngọc lành còn đợi giá cao, Kim vàng cũng đợi lụa đào mới may.
Nội dung ngầm ẩn có thể là lời bày tỏ tình cảm, lời từ chối, cung cấp thông tin về bản thân “chưa có chồng/vợ”, đang tìm kiếm người có đức tính tốt hay chỉ ý muốn kết duyên với người giàu có…