MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC TẠO HÀM NGÔN
3.1.1 Thuật ngữ hàm ngôn, khái niệm và phân loạ
Về thuật ngữ hàm ngôn, có tác giả gọi là hàm ngôn, đối lập với hiển ngôn như Hoàng Tuệ
[91-927], Nguyễn Đức Dân [10-192], Hoàng Phê [69 -178], Đỗ Hữu Châu [7- 365], Đỗ Thị Kim Liên [48-60]; có tác giả gọi là hàm ý [29-469], [Trần Thị Tố Ninh 64-113]. Bên cạnh đó, tác giả
Cao Xuân Hạo còn có sự phân biệt hàm ý (nghĩa hàm ẩn mà người nghe suy ra từ phát ngôn) và hàm ngôn (nghĩa hàm ẩn mà người nói muốn chuyển đến người nghe).
Hàm ngôn là một trong những vấn đề mà ngữ dụng học quan tâm nghiên cứu. Nó được đề
cập trong hầu hết các công trình nghiên cứu về ngữ dụng học. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất: hàm ngôn là nghĩa không hiện ngay trên bề mặt phát ngôn, đối lập với nghĩa hiển ngôn, là nghĩa hiện rõ trên bề mặt phát ngôn. Như vậy, muốn hiểu nghĩa hàm ngôn thì phải đặt nó trong mối quan hệ với nghĩa hiển ngôn (tường minh). O.Ducrot, một nhà ngôn ngữ học hiện đại có nhiều công trình liên quan đến vấn đề hàm ngôn, đưa ra định nghĩa được nhiều người chấp nhận đó là: hiển ngôn là “cái người ta nói ra” và hàm ngôn là “cái người ta muốn nói mà không nói ra”. Và ông còn đưa ra mô hình lưỡng phân hiển ngôn – hàm ngôn như sau:
Nghĩa phát ngôn
(Dẫn theo 91 - 931)
Dựa vào định nghĩa của Ducrot và Kerbrat Orecchioni, Hoàng Tuệ phát biểu:
Tiền giả định (TGĐ) bao gồm những thông tin tuy không được nói ra, nhưng một cách tự động, được ghi vào phát ngôn và từ phát ngôn được suy ra.
Hiển ngôn (Explicite) Hàm ngôn (Implicite) Tiền giảđịnh (Présupposés) Ẩn ý (Sous – entendus)
Nghĩa ẩn ý là những thông tin được chuyển đến bằng một phát ngôn, nhưng sự hiện thực hoá chúng vẫn phải phụ thuộc vào những điều kiện của tình huống cụ thể.
Nghĩa ẩn ý và tiền giảđịnh đều là hàm ngôn, đều “không nói ra”, nhưng giữa hai nghĩa này vẫn có sự khác nhau cơ bản. Nghĩa ẩn ý đòi hỏi một sự giải mã đặc biệt. Ngoài mã ngôn ngữ còn phải có mã tâm lí, xã hội …
Như vậy, Hoàng Tuệ cũng xem hàm ngôn bao gồm cả tiền giảđịnh và nghĩa ẩn ý.
Nguyễn Đức Dân [10-192] cũng cho rằng: câu ngoài hiển ngôn nó còn chứa đựng một thông tin không hiển hiện khác mà chúng ta sẽ gọi là nghĩa hàm ngôn. Hàm ngôn là TGĐ + hàm ý. về
TGĐ, ông nói: khi A có một TGĐ B thì TGĐ ngữ nghĩa là dù A có giá trị đúng hay sai thì TGĐ B của nó vẫn luôn luôn đúng, còn TGĐ ngữ dụng là khi phát ngôn A thì người nói đã giảđịnh rằng B và tin rằng người nghe cũng nghĩ là B và B được chấp nhận. Nói tóm lại, TGĐ của một câu được coi là những điều kiện dùng chuẩn xác của câu đó. Hàm ý được hình thành từ ngôn ngữđộc lập với ngữ cảnh là hàm ý ngôn ngữ. Hàm ý hình thành trong những tình huống giao tiếp cụ thể là hàm ý hội thoại.
Theo Hoàng Phê: [69-178] “Cái kì diệu của ngôn ngữ là cho phép có thể nói ít mà làm cho người nghe lại có thể hiểu nhiều. Bên cạnh, hay nói đúng hơn là bên trong những điều nói trực tiếp, thường có thể còn có những điều nói gián tiếp, gợi ý cho người nghe tự mình suy nghĩ mà hiểu lấy.
Điều nói trực tiếp, chúng tôi gọi là hiển ngôn, điều nói gián tiếp gọi là hàm ngôn.”. Khi một lời có hàm ngôn, thì ý hàm ngôn thường là quan trọng, thậm chí có khi hiển ngôn chỉ dùng để nói hàm ngôn, ý hàm ngôn mới là chính. Và theo ông, TGĐ là “những điều mà coi như người nghe đã biết rồi, điều được giả định là đúng [69-7-38], những điều phải đúng như vậy thì câu hoặc lời mới thật sự có ý nghĩa”. Giữa hàm ngôn và TGĐ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau “Người nghe phải dựa vào hiển ngôn và TGĐ, coi như là những tiền đề, từđó suy ra hàm ngôn”.
Nếu O.Ducrot, Hoàng Tuệ coi TGĐ là một hình thức của hàm ngôn (cùng với ẩn ý), là cái hàm ngôn nằm trực tiếp trong bản thân nghĩa từ ngữ của lời thì các nhà Việt ngữ học như Hoàng Phê, Đỗ Hữu Châu, Cao Xuân Hạo đều có chung quan niệm coi TGĐ là một loại nghĩa hàm ẩn nhưng là nghĩa hàm ẩn không có giá trị thông báo và là điều kiện tiên quyết để nghĩa hiển ngôn của câu có thểđúng hay sai. TGĐđược phân biệt với các loại ý nghĩa hàm ẩn khác như hàm ngôn, hàm ý, ẩn ý. Có nghĩa là, một phát ngôn ngoài nghĩa tường minh còn có nghĩa hàm ẩn. Trong nghĩa hàm
ẩn, ngoài TGĐ còn có một nghĩa hàm ẩn nữa, đó là hàm ngôn. Quan niệm về TGĐ và hàm ngôn hay hàm ý của các tác giả này, chúng tôi đã trình bày ở chương 1 của luận văn. Theo những quan niệm trên, hàm ngôn được hiểu:
1) Là phần nghĩa hàm ẩn có giá trị thông tin, đối lập với tiền giả định là phần nghĩa hàm ẩn không có giá trị thông tin.
2) Là ý nghĩa hàm ẩn được suy ra từ nghĩa tường minh và TGĐ. Ví dụ: (1)
Khi xưa chín hẹn thì nên Bây giờ chín hẹn, em quên cả muời.
Ta có TGĐ: Hai người đã có cuộc hẹn hò. Người con gái quên lời hẹn.
TGĐ này được các nhân vật giao tiếp mặc nhiên thừa nhận nên nó không có giá trị thông tin. Dựa vào đó, người con trai tạo nên phát ngôn của mình. Nếu TGĐ đúng thì hiển nghĩa của câu Bây giờ em quên hết lời hẹn là đúng. Từ TGĐ và nghĩa hiển ngôn, có thể suy ra hàm ngôn của câu chính là: người con trai trách móc người con gái đã sai hẹn. Đây mới chính là phần nghĩa có giá trị thông tin của câu, là ý nghĩa mà người nói muốn người nghe hiểu.
Tuy có sự thống nhất tương đối cao trong quan niệm về hàm ngôn, nhưng thực tế lại tồn tại nhiều điều chưa thống nhất giữa các nhà ngôn ngữ học về tên gọi và sự phân loại hàm ngôn.
Về phân loại hàm ngôn, các nhà nghiên đều thống nhất là trong sựđối lập với cái được nói ra hiển ngôn thì hàm ngôn là thông tin hàm ẩn đằng sau câu chữ. Tuy nhiên, có sự khác nhau về nội hàm của hàm ngôn. Chẳng hạn, Hoàng Phê cho rằng hàm ngôn có hai lớp nghĩa khác nhau về mức
độ phụ thuộc hoàn cảnh và độ tin cậy của sự suy ý là hàm ý và ngụ ý. Ông viết: “Chúng tôi gọi là
hàm ý phần nội dung hàm ngôn có thể suy ý trực tiếp và không khó khăn, vì không hoặc ít phụ
thuộc vào ngôn cảnh, độ tin cậy của suy ý vì thế tương đối cao; còn ngụ ý là phần nội dung hàm ngôn phụ thuộc nhiều vào ngôn cảnh và phải suy ý gián tiếp, độ tin cậy của suy ý thường không cao.” [ 69-51] Hồ Lê phân biệt hai lớp nghĩa của hàm ngôn là hàm nghĩa và hàm ý nhưng hai lớp nghĩa này phân biệt với nhau ở quan hệ nội dung đối với hiển ngôn: hàm ý là ý nghĩa hàm ẩn có nội dung khác với hiển ngôn bao gồm: ngụ ý, ẩn ý, dụng ý; còn hàm nghĩa là ý nghĩa hàm ẩn bổ sung một phương diện nào đó cho hiển ngôn. [47-341] Theo các tác giảĐỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Văn Hiệp thì hàm ngôn 1) có thể suy ý từ những phương tiện ngôn ngữ nhất định, 2) có thể
hình thành trên cơ sở các nguyên tắc hội thoại. Ở loại 1), Nguyễn Đức Dân gọi là hàm ý ngôn ngữ,
Đỗ Hữu Châu gọi là hàm ngôn ngữ nghĩa, Nguyễn Văn Hiệp gọi là hàm ngôn quy ước. Tương tựở
loại 2), được gọi là hàm ý hội thoại, hàm ngôn ngữ dụng và hàm ngôn hội thoại.
Chúng tôi tán thành quan điểm của Đỗ Hữu Châu về hàm ngôn và phân loại hàm ngôn: hàm ngôn thuộc phạm trù lớn hơn là phạm trù nghĩa hàm ẩn; hàm ngôn được phân thành hai loại là hàm ngôn ngữ nghĩa và hàm ngôn ngữ dụng. Bởi lẽ, nếu coi toàn bộ thông tin “không nói ra” mà có thể
suy ra từ phát ngôn đều thuộc hàm ngôn như Hoàng Tuệ thì phạm vi nghiên cứu vềđối tượng sẽ vô cùng lớn vì bất cứ phát ngôn nào cũng có hàm ngôn. Nếu như theo Cao Xuân Hạo coi nội dung suy ý của người nghe đối lập với điều người nói muốn chuyển đến thì cuộc thoại có hàm ngôn sẽ rơi vào
tính trạng nói một đằng hiểu một nẻo. Cách phân loại của Hoàng Phê không thuyết phục vì chủ yếu dựa trên cơ sở cảm tính về ngữ cảnh và độ tin cậy.
Về tiêu chí phân loại giữa TGĐ, hàm ngôn ngữ nghĩa và hàm ngôn ngữ dụng, hiện nay các nhà ngữ nghĩa học và ngữ dụng học đã xác lập tiêu chí phân biệt chúng với nhau.
- Tiêu chí về tính có thể khử bỏ
Theo Nguyễn Văn Hiệp, thông tin ngầm ẩn mang tính có thể khử bỏ là loại thông tin mà người nói/ viết có thể khử bỏ, tức là khiến nó bị vô hiệu, bằng cách nói/viết thêm một vài điều gì
đấy.[30-262]
TGĐ không thể khử bỏ còn hàm ngôn ngữ nghĩa và hàm ngôn ngữ dụng có thể khử bỏ.
Đỗ Hữu Châu cho rằng: TGĐ là điều được xem là bất tất phải bàn cãi nên nó không thể khử
bỏ ngay trong cùng một phát ngôn. Việc khử TGĐ bằng kết tố lập luận nghịch hướng sẽ dẫn tới sự
vô nghĩa hoặc mâu thuẫn. Ở ví dụ (1), chúng ta không thể nói: Khi xưa chín hẹn thì nên/Bây giờ
chín hẹn, em quên cả muời. Nhưng em chưa bao giờ hẹn với anh.
Hàm ngôn ngữ nghĩa và hàm ngôn ngữ dụng có thể khử bỏ vì chúng là thông tin thông báo không được nói ra, cho nên người nói có thể chối bỏ là họ không thông báo những ý nghĩa như vậy. Lấy lại ví dụ trên, chúng ta có thể khử bỏ hàm ngôn trên như sau: Khi xưa chín hẹn thì nên/Bây giờ
chín hẹn, em quên cả muời. Nhưng em quên lời hẹn vì từ ngày ba má em bệnh, em mãi chăm lo cho sức khỏe của ba má, do đó anh thông cảm với em và không có ý trách em.
- Tiêu chí về mức độ phụ thuộc vào ngữ cảnh
Sự phụ thuộc vào ngữ cảnh được hiểu như là thay đổi nội dung thông tin theo ngữ cảnh. Ngữ
cảnh thay đổi thì thông tin hàm ẩn thay đổi.
Tiêu chí này giúp ta phân biệt hàm ngôn ngữ dụng với hàm ngôn ngữ nghĩa và TGĐ. Vì hàm ngôn ngữ nghĩa và TGĐ được suy ra từ câu chữ của phát ngôn, bằng một số từ ngữ chuyên dụng nên không hoặc ít phụ thuộc vào ngữ cảnh, còn hàm ngôn ngữ dụng thì ngược lại, phụ thuộc hoàn toàn vào ngữ cảnh. Trở lại ví dụ (1) ta thấy, dù đặt trong hoàn cảnh nào thì việc “hai người đã có cuộc hẹn hò; người con gái quên lời hẹn” là không thay đổi còn hàm nghĩa trách móc hay than thở
thì tùy thuộc vào nguyên nhân sai hẹn và mối quan hệ liên nhân giữa hai người.
Grice nói rằng “hàm ngôn mang tính có thể khử bỏ tức nói rằng giá trị của chúng là phụ
thuộc vào ngữ cảnh và rằng trong những ngữ cảnh cụ thể, chúng có thể bị khử bỏ mà không gây mâu thuẫn hoặc bất kì kiểu bất thường nào khác.” [38 -296]