KẾT LUẬN CHUNG

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt (Trang 97 - 99)

Tìm hiểu ca dao đối đáp giao duyên từ góc độ dụng học: đặt lời ca dao trong mối quan hệ

với ngữ cảnh, với người sử dụng, với mục đích giao tiếp, luận văn đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm cấu trúc hội thoại và ngữ cảnh, các hành động tại lời và nghĩa hàm ngôn của lời ca dao. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, về mặt ngữ dụng, ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt có một số đặc

điểm đáng chú ý sau:

1. Ca dao đối đáp giao duyên là những lời thơ dân gian được hình thành và sử dụng trong các cuộc hát giao duyên như hát ví, hát ghẹo, hát quan họ… Lời thơđó có chức năng thực hiện một hành động giao tiếp nào đó trong cuộc đối đáp như hỏi, bày tỏ, cầu khiến, thề hẹn, từ chối, trách cứ… Lời ca dao có cấu trúc là một cuộc hội thoại với lượt trao lời và lượt đáp lời. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà bộ phận đơn vị ca dao có đầy đủ hai lượt lời trở lên rất ít, đa số chỉ có những

đơn vị ca dao một lượt lời (trao hoặc đáp). Đối tượng tham gia giao tiếp là những chàng trai, cô gái có cùng lứa tuổi, địa vị. Họ đã có mối quan hệ bạn bè, người yêu hoặc chỉ là hai người xa lạ. Mối quan hệ này được biểu hiện qua cách xưng gọi cụ thể hay phiếm chỉ. Bối cảnh giao tiếp gắn liền với sinh hoạt hàng ngày, thường mang tính biểu trưng.

2. Căn cứ vào hiệu lực tại lời của lời ca dao đối đáp giao duyên, luận văn đi sâu vào phân loại và miêu tả các HĐTL thường gặp. Xuất hiện với tần số khá cao là các hành động hỏi, bày tỏ, cầu khiến, trần thuật. Với hành động hỏi, cách hỏi trực tiếp được dùng nhiều trong trường hợp mở đầu cuộc giao duyên, khi người nói muốn biết về thông tin cá nhân như tên họ, quê quán, đã có người yêu hoặc vợ, chồng… Còn với mục đích thăm dò tình cảm đối phương hay từ chối, trách cứ

về mặt tình cảm thì sử dụng cách hỏi gián tiếp như là một chiến lược nhằm giảm đe dọa thể

diện.Trong nhóm hành động bày tỏ, loại hành động biểu cảm với các trạng thái cảm xúc là thương, nhớ, mong muốn, sợ chiếm số lượng lớn và thường được biểu hiện trực tiếp. Điều này nói lên tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc, bất chấp mọi gian khổ của người bình dân. Nhưng, hành động trách cứ thì chủ yếu được thực hiện gián tiếp qua hành động hỏi và trần thuật, góp phần nói lên sự tế nhị, lịch thiệp của người lao động. Ở nhóm hành động cầu khiến, tuy hành động này tiềm ẩn sựđe dọa thể

diện cao nhưng lại xuất hiện nhiều trong cuộc đối đáp giao duyên với hình thức cầu khiến trực tiếp. Hiệu lực cầu khiến chủ yếu là thỉnh cầu và khuyên bảo. Chủ thể cầu khiến chủ yếu là vai giao tiếp nữ. Đặc điềm này phần nào phản ánh thái độ chủ động bày tỏ tình cảm, tinh thần phản kháng của người phụ nữ. Với những phát ngôn có hiệu lực tại lời từ chối thì phần lớn là từ chối gián tiếp, không dứt khoát nhằm tránh sự hụt hẫng và giữ thể diện cho người đối thoại.v.v.. Điều đáng chú ý, một đơn vị lời ca dao có thể được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau và nó có thể chia tách cũng như lắp ghép, vì vậy nó có thể thực hiện nhiều hành động ngôn từ khác nhau phù hợp với mục

đích giao tiếp của con người trong ngữ cảnh nào đó. Tuy nhiên, việc miêu tả HĐTL này chỉ là giai

đoạn mới bước đầu tìm hiểu nên chưa có những nhận xét đánh giá thỏa đáng.

3. Nghiên cứu ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên, thiết nghĩ không thể không tìm hiểu hàm ngôn vì hiểu nghĩa hàm ngôn là nhận thức được nội dung đích thực mà người nói hướng đến người nghe, chủđịnh đích thực của người phát ngôn cho dù họ có phủ nhận trách nhiệm của mình về nội dung đó. Đa số nghĩa của lời ca dao đối đáp giao duyên, mà người nói muốn người nghe nhận thức là nghĩa hàm ngôn. Sử dụng cách nói hàm ngôn, vì vấn đề trao gửi duyên tình là vấn đề

tế nhị, thầm kín, dễ làm tổn hại thể diện nên khó có thể diễn đạt một cách tường minh. Hơn nữa, trong giao duyên cần phải nói thế nào cho hay và tránh phải nói những điều thô tục. Phương thức tạo hàm ngôn trong ca dao đối đáp giao duyên rất phong phú, đa dạng. Nhưng, có thể nói phương thức ưa dùng nhất là phương thức so sánh, tức là tạo nghĩa hàm ngôn từ các biểu tượng – những hình ảnh trong thế giới khách quan, trong tâm linh của người Việt. Những hình ảnh này cho ta hình dung được bức tranh toàn cảnh về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Sự biểu trưng hóa các sự vật, hiện tượng đã góp phần tạo nên tính nghệ thuật của ngôn ngữ ca dao. Nghĩa hàm ngôn là kết quả của sự suy ý từ nghĩa câu chữ và phụ thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh. Tuy nhiên, đặc trưng của ca dao đối đáp giao duyên là được truyền từ đời này sang đời khác, mất đi dấu ấn tác giả, ngữ

cảnh nên thường có nội dung hàm ngôn phong phú vì nó gắn với ngữ cảnh của người sử dụng nó. Những người thuộc thời đại khác nhau, vị trí xã hội khác nhau, hoàn cảnh khác nhau có thể cảm thụ

nội dung hàm ngôn khác nhau, do đó có thể có rất nhiều nghĩa hàm ngôn trong một lời ca dao. Có thể nói yếu, tố ngữ cảnh quan trọng để nhận diện, lí giải nghĩa lời ca dao đó chính là các lẽ thường, những lẽ thường phản ánh bản sắc riêng trong tư duy người Việt.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt (Trang 97 - 99)