các doanh nghiệp ngoài quốc doanh
Chúng ta biết rằng trong quá trình lao động sản xuất, công tác, cho dù khi lao động thủ công còn phổ biến, con người đóng vai trò lao động trực tiếp tại chỗ làm việc, hay khi sản xuất đã phát triển đến trình độ cao, cơ khí hoá, tự động hoá là phổ biến, con người chỉ làm nhiệm vụ điều khiển và kiểm tra quá trình sản xuất, thì con người vẫn phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh tại chỗ làm việc, có thể gây nên tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Để bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng cho người lao động, vấn đề tất yếu và cấp bách đặt ra là phải áp dụng một cách đồng bộ các giải pháp, từ việc xây dựng phổ biến quán triệt và thực hiện các văn bản pháp luật, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, quy định về bảo hộ lao động, tuyên truyền huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động những hiểu biết về bảo hộ lao động để họ nắm vững và tự giác thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho đồng nghiệp để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Rõ ràng ở đâu có lao động sản xuất, công tác, có con người làm việc thì ở đó phải tiến hành công tác BHLĐ. Bởi vậy BHLĐ trước hết là phạm trù sản xuất nhằm bảo vệ yếu tố năng động nhất của lực lượng sản xuất là người lao động. Chính vì thế BHLĐ trực tiếp phục vụ và đẩy mạnh sản xuất phát triển và mang ý nghĩa kinh tế to lớn. Mặt khác, nhằm chăm lo bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho người lao động, bảo đảm cho họ có việc làm và được làm việc trong điều kiện an toàn, có thu nhập, mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ mà công tác BHLĐ có một hệ quả xã hội và nhân đạo sâu sắc. Vì vậy,
trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu rõ: “phải chăm lo cải thiện điều kiện
làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống tệ nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động”.
Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của chính sách bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường công đoàn cùng với Nhà nước tham gia đẩy mạnh công tác BHLĐ trong các DNNQD.
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, Công đoàn có trách nhiệm: “tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về BHLĐ, an toàn, vệ sinh lao động” [4, Điều 20].
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước cùng cấp tham gia giám sát việc quản lý nhà nước, việc thi hành các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động”, “Công đoàn cơ sở có trách nhiệm giáo dục người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động, xây dựng phong trào bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, đơn vị, xây dựng và duy trì hoạt
động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên [4, Điều 21].
“Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHLĐ và yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu thấy cần thiết. Công đoàn cơ sở cử đại diện tham gia điều tra tai nạn lao động, có thẩm quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án xử lý người có trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động” [12, Điều 4].
+ Nội dung hoạt động của công đoàn đối với công tác BHLĐ được thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, công đoàn tham gia với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và người sử dụng lao động xây dựng các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động, chế độ chính sách BHLĐ, kế hoạch BHLĐ, các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Hai là, công đoàn tham gia với các cơ quan nhà nước xây dựng chương trình BHLĐ quốc gia, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật BHLĐ. Tổng Liên đoàn quản lý và chỉ đạo Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật BHLĐ, tiến hành các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật BHLĐ. Cử
đại diện tham gia vào các đoàn điều tra tai nạn lao động; phối hợp theo dõi tình hình tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp.
Ba là, tham gia khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt đồng thời xử lý các hành vi vi phạm về BHLĐ. Thay mặt người lao động ký thoả ước với người sử dụng lao động trong đó có các nội dung BHLĐ. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc thi hành luật, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, quy định về BHLĐ, các điều khoản về BHLĐ trong thoả ước lao động tập thể.
Bốn là, tham gia tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn, vệ sinh lao động; chế độ, chính sách BHLĐ, quyền và nghĩa vụ BHLĐ; vận động người lao động và người sử dụng lao động thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ về BHLĐ. Tham gia huấn luyện BHLĐ cho người lao động.
Năm là, tổ chức phong trào quần chúng về BHLĐ, phát huy sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên và những đoàn viên hoạt động tích cực về BHLĐ.
+ Thực trạng hoạt động công đoàn trong công tác BHLĐ:
Với chức năng bảo vệ lợi ích của người lao động, những năm qua Công đoàn đã tích cực tham gia thực hiện công tác BHLĐ. Trong 10 năm (1994 - 2004), Tổng Liên đoàn đã tham gia với Nhà nước xây dựng và ban hành 42 văn bản luật và dưới luật về BHLĐ như: Đã tham gia với Nhà nước một số chương, điều về BHLĐ trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy;
Nghị định 06/CP ngày 20/1/1995 của Chính phủ quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Nghị định113/CP ngày 16/4/2004 quy định xử phạt hành chính và hành vi vi phạm Luật lao động.
Nghị định 46/CP ngày 06/8/1996 quy định xử phạt hành chính trong quản lý nhà nước về y tế.
Thông tư 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác BHLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thông tư liên tịch số 03/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 26/3/1998 , hướng dẫn khai báo về điều tra tai nạn lao động.
Thông tư 11/2001/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2001 hướng dẫn thực hiện quyết định số 37/2001/Q Đ-TTg ngày 02/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia BHXH.
Để đẩy mạnh công tác BHLĐ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có Nghị quyết số 01/TL Đ ngày 21/4/1995 về cải tiến nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn trong công tác BHLĐ; Chỉ thị số 20/CT ngày 20/11/1991 và Thông tri số 07/TTr ngày 06/2/1995 hướng dẫn triển khai các hoạt động về BHLĐ trong các cấp Công đoàn; Chỉ thị số 01/CT-TL Đ ngày 16/1/1997 về việc tăng cường hoạt động của các cấp công đoàn trong công tác BHLĐ. Gần đây, ngày 08/7/2005 Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 5 (khoá IX) đã ra Nghị quyết số 5b/NQ-BCH về việc đẩy mạnh công tác BHLĐ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật BHLĐ thực hiện các đề tài khoa học - công nghệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ đến các cơ sở nhằm góp phần cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chỉ đạo Trường Đại học Công đoàn đào tạo đội ngũ kỹ sư BHLĐ, bồi dưỡng kiến thức về BHLĐ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.
Dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, các cấp Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền luật pháp về BHLĐ cho người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách, chế độ BHLĐ đối với người sử dụng lao động. Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn về nội dung, phương pháp tham gia công tác BHLĐ; duy trì tổ chức phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ hàng năm ở cơ sở, trọng tâm là tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên, tổ chức phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp”; tham gia Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
Kịp thời báo cáo tai nạn lao động với Công đoàn cấp trên và kịp thời cử người tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động của cấp trên. Cung cấp cho đoàn điều tra những chứng cứ có liên quan đến tai nạn; động viên những người được chứng kiến tai nạn lao động
phản ánh trung thực diễn biến tai nạn để giúp đoàn điều tra xác định đúng nguyên nhân tai nạn và trách nhiệm của những người có liên quan, không để xảy ra tình trạng đổ hết trách nhiệm cho người lao động.
Hàng năm tham gia với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch BHLĐ, kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động trên cơ sở tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động tham gia vào nội quy, quy chế quản lý an toàn lao động, vệ sinh lao động. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách Nhà nước về BHLĐ trong công nhân, lao động, làm cho mọi người thấy được ý nghĩa và tác dụng của việc kiểm tra, nhất là hoạt động tự kiểm tra lẫn nhau việc thực hiện BHLĐ, hình thành chế độ tự kiểm tra trong doanh nghiệp.
Tổ chức mạng lưới an toàn, vệ sinh viên của tổ công đoàn. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên là lực lượng quan trọng bảo đảm công tác BHLĐ của Công đoàn được tiến hành thường xuyên liên tục và có hiệu quả, nên cần tổ chức bồi dưỡng cho những an toàn viên, vệ sinh viên những vấn đề về an toàn lao động, vệ sinh lao động; chế độ, chính sách, pháp luật BHLĐ; tổ chức kiểm tra sát hạch, cấp phù hiệu, băng đeo tay để đề cao trách nhiệm và tăng hiệu quả công tác của an toàn viên, vệ sinh viên.
Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội thi “An toàn, vệ sinh viên giỏi” hàng năm. Tập hợp những đoàn viên giỏi chuyên môn và tay nghề giúp Ban Chấp hành công đoàn cơ sở áp dụng các sáng kiến BHLĐ; thu thập ý kiến tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, đề ra những biện pháp thích hợp chỉ đạo mạng lưới an toàn - vệ sinh viên hoạt động tốt, kết hợp động viên vật chất và tinh thần, như có chế độ và mức thù lao hàng tháng khích lệ họ hoạt động có hiệu quả, phát huy tác dụng trong công tác BHLĐ.
Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động những điều khoản đảm bảo điều kiện lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Vận động người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ về BHLĐ như đã thoả thuận trong TƯLĐTT. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động cụ thể hoá những điều khoản trong thoả ước thành những thoả thuận trong hợp đồng lao động.
Tuy vậy, công tác BHLĐ trong các DNNQD hiện nay còn rất nhiều hạn chế, nên tình trạng tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường diễn ra khá nghiêm trọng.
Thực tế qua 285 mẫu điều tra tại 23 DNNQD với các tiêu chí đưa ra về điều kiện vệ sinh lao động và an toàn lao động, các trang thiết bị BHLĐ đã thu được kết quả như sau:
Bảng 2.3: Điều kiện vệ sinh lao động và an toàn lao động Chỉ tiêu vệ sinh, an toàn lao động Công ty TNHH Công ty cổ phần Hợp tác xã Tổng 1
Người % Người % Người % Người %
1. Rất tốt 2 1,73 4 3,28 0 0 6 2,11 2. Tốt 13 11,31 15 12,29 9 18,75 37 12,98 3. Bình thường 48 41,74 78 63,93 17 35,42 143 50,17 4. Chưa tốt 37 32,17 114 11,48 22 45,83 3 25,61 5. Kém 15 13,04 11 9,02 0 0 26 9,13
Nguồn: Xử lý số liệu điều tra.
Nhìn vào bảng số liệu trên cho ta thấy rằng số đông người lao động cho rằng điều kiện vệ sinh lao động, an toàn lao động nơi họ làm việc là bình thường với 50,17% tổng số công nhân lao động được điều tra, 25,61 % người cho rằng là chưa tốt, 9,13% công nhân lao động cho rằng điều kiện môi trường lao động nơi họ làm việc là kém. Trong khi đó chỉ có 2,11% công nhân lao động cho rằng là rất tốt và 12,98% công nhân lao động cho rằng là tốt. Công tác khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động, huấn luyện BHLĐ thực hiện rất tuỳ tiện và kém hiệu quả.
- Nguyên nhân của tình trạng trên là do:
Thứ nhất, người sử dụng lao động thiếu hiểu biết về pháp luật và khoa học kỹ thuật BHLĐ, vì mục đích lợi nhuận nên họ chưa đầu tư hoặc đầu tư ở mức tối thiểu về BHLĐ.
Thứ hai, phần lớn các DNNQD có công nghệ sản xuất còn thô sơ, lạc hậu do sự hạn chế về vốn đầu tư nên ít thiết bị hiện đại, công nghệ không đồng bộ, tình trạng công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Số doanh nghiệp thuộc nhóm công nghệ cao chỉ chiếm 20,6%, nhóm công nghệ trung bình chiếm 20,7%, nhóm công nghệ lạc hậu chiếm 58,7%, tỷ lệ cơ khí hoá, tự động hoá dưới 10% [25, tr.18].
Thứ ba, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất còn nhiều hạn chế, mặt bằng sản xuất thường chật hẹp, chắp vá, phân tán, khu sản xuất và khu gia đình đan xen nhau, kết cấu nhà xưởng chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động; do đó điều kiện lao động không bảo đảm, mức độ an toàn của thiết bị còn thấp, việc kiểm tra, giám sát bị buông lỏng, nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn cao.
Thứ tư, người lao động chủ yếu là làm thuê chịu nhiều sức ép về tâm lý, nhất là tâm lý sợ mất việc làm hoặc không được ký hợp đồng lao động nên họ phải cam chịu làm việc trong những điều kiện không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, đa số không được đào tạo chính quy, hiểu biết về BHLĐ còn ít, có nhiều người chưa có ý thức chấp hành quy trình an toàn lao động.
Thứ năm, sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm đảm bảo thực hiện pháp luật về BHLĐ còn nhiều hạn chế, thiếu chế tài cần thiết để ràng buộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật lao động và chế độ, chính sách về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Có nơi công tác quản lý nhà nước về BHLĐ còn bị buông lỏng. Các văn bản pháp lý về BHLĐ chưa được phổ biến rộng rãi, quán triệt và triển khai đầy đủ với sự kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan quản lý nhà nước về BHLĐ.
2.2.3. Vấn đề phát huy vai trò Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích