Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay ở Việt Nam 1 Khái niệm doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề phát huy vai trò của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay doc (Trang 46 - 49)

2.1.1. Khái niệm doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Theo Đại từ điển tiếng Việt, doanh nghiệp được xác định là “Tổ chức hoạt động

kinh doanh của những chủ sở hữu có tư cách pháp nhân nhằm mục đích kiếm lời ở một hoặc nhiều ngành”. Dưới góc độ kinh tế, doanh nghiệp được xác định là một tổ chức kinh tế, được thành lập để thực hiện các hoạt động kinh doanh, thực hiện các chức năng sản xuất, mua bán hàng hoá hoặc làm dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu con người và xã hội, và thông qua hoạt động hữu ích đó mà kiếm lời. Dựa trên các quy định của Nhà nước như Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật hợp tác xã, các nhà kinh tế định nghĩa về doanh nghiệp:

“Doanh nghiệp là một đơn vị kinh tế do nhà nước hoặc các đoàn thể hoặc tư nhân đầu tư vốn nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động công ích góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước”.

Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Như vậy, doanh nghiệp được xác định là một đơn vị kinh tế, tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và có mục đích hoạt động rõ ràng. Khi thực hiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể nữa, mà doanh nghiệp được khuyến khích phát triển ở tất cả các thành phần kinh tế. Sự khác nhau của các doanh nghiệp hiện nay chính là ở hình thức sở hữu của doanh nghiệp, và độ lớn của vốn đầu tư. Có nhiều loại hình doanh nghiệp. Tuỳ theo đặc điểm về hình thức sở hữu, về tổ chức sản xuất, về quy mô, về lĩnh vực sản xuất, người ta có thể phân ra nhiều loại hình doanh nghiệp. Trong các loại hình doanh nghiệp

đó có DNNQD. Từ năm 1989, kinh tế ngoài quốc doanh ở nước ta đã được chính thức thừa nhận và nhanh chóng trở thành một bộ phận trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần hiện nay. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là khu vực kinh tế tương đối phong phú bao hàm các loại hình sau: (Công ty liên doanh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, xí nghiệp, nghiệp đoàn).

Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn Điều lệ của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần

Theo Luật doanh nghiệp năm 1999, công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó các thành viên cùng góp vốn, cùng chia nhau lợi nhuận, cùng chịu lỗ tương ứng với phần góp vốn vào công ty.

Công ty hợp danh.

Theo Luật doanh nghiệp năm 1999 Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp gồm hai hoặc nhiều thành viên tham gia với các hình thức khác nhau. Công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là đơn vị kinh doanh có mức vốn không thấp hơn vốn pháp định, do một cá nhân làm chủ tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Cá nhân kinh doanh

Cá nhân kinh doanh (còn gọi là Hộ kinh doanh) do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của mình, là chủ thể trong mọi hoạt động kinh doanh (theo Nghị định 66/HĐBT ngày 02/3/1992).

Cá nhân kinh doanh phải có nghĩa vụ phải xin phép kinh doanh và khai báo đúng sự thật theo quy định của pháp luật; kinh doanh theo đúng nội dung giấy phép; niêm yết bản chính giấy phép kinh doanh tại nơi kinh doanh; không được cho thuê, cho mượn, mua bán, tự sửa chữa giấy phép kinh doanh.

Hợp tác xã

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật, để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật (Luật Hợp tác xã năm 2003).

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đơn vị sản xuất, kinh doanh do nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với bên Việt Nam thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (1996).

Căn cứ vào các hình thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm các loại sau:

Doanh nghiệp liên doanh

Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, hoặc do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.

Khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất

Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập.

Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ về doanh nghiệp chế xuất.

Khu công nghiệp và doanh nghiệp khu công nghiệp

Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất và dịch vụ sản xuất công nghiệp do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập.

Doanh nghiệp khu công nghiệp là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong

khu công nghiệp.

Tóm lại thời gian vừa qua, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã tạo ra nhiều chỗ làm việc, góp phần làm giảm sức ép về việc làm trong xã hội, giảm thất nghiệp. Một số lượng không nhỏ doanh nghiệp tăng thêm vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút thêm nhiều lao động mới vào làm việc. Số việc làm mới nhờ tác động trực tiếp của Luật doanh nghiệp đã giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động.

Những điều tra trong thời gian gần đây đã cho thấy chính những thành công bước đầu nhưng đáng kể của sự đổi mới đất nước đã tạo ra thế hệ người lao động mới góp phần không nhỏ vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với sự biến đổi nhanh của hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội đã ảnh hưởng lớn đến lối sống của người lao động nói chung. Đặc biệt là ảnh hưởng tới nhóm công nhân lao động trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề phát huy vai trò của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay doc (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)