Khái quát về ngành dệt mayViệt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thúc đẩy XK hàng dệt may Việt nam (Trang 35 - 41)

Dệt may được coi là một trong những ngành trọng điểm của nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang được xem là ngành sản xuất mũi nhọn và có tiềm lực phát triển khá mạnh với những lợi thế riêng biệt như vốn đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, thu hút nhiều lao động và có nhiều điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Trong nhiều năm qua, ngành dệt may đã có những bước tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đất nước. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam không ngừng được gia tăng trong vài năm gần đây.

Từ năm 2000 đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, thu hút hơn 2 triệu lao động, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nếu năm 2001, Việt Nam chưa có tên trong danh sách 25 nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu vào thị trường Mỹ, thì đến năm 2002, sau khi quy chế quan hệ bình thường Việt - Mỹ được thông qua, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 20 và giành vị trí thứ 5 vào năm 2003 khi đạt kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ 3,6 tỉ USD. Con số này năm 2004 là 4,3 tỉ USD.

Năm 2006, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: phát triển thị trường nội địa tăng trưởng 15%, doanh số bán lẻ 2,05 tỉ USD; xuất khẩu 5,92 tỉ USD (tăng 24% so với năm 2005); giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may tăng trưởng 16%.

Từ khi trở thành thành viên chính thức của WTO, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội tốt để phát triển. Các doanh nghiệp dệt may có thể xuất khẩu theo khả năng mà không lo về hạn ngạch tại bất kỳ thị trường nào. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện thâm nhập mạnh hơn vào thị trường nước ngoài, tăng thêm kim ngạch xuất khẩu. Năm 2007, hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã đứng vị trí thứ 3 - chỉ sau Trung Quốc và Mexico và tính đến cuối năm, ngành

dệt may Việt Nam có khoảng 2.500 doanh nghiệp với trên 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2004 và được xếp thứ 9 trong các nước xuất khẩu ngành hàng may mặc trên thế giới.

Hình 2.2: Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (tỉ USD) giai đoạn 1998 – 2009

Nguồn: http://www.vietnamtextile.org

Trong chín tháng đầu năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, toàn ngành đã phấn đấu vượt mức 6,8 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2007. Cũng trong năm này, đã có 315 doanh nghiệp tham gia cuộc bình chọn doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may, trong đó có 67 doanh nghiệp với quy mô doanh số bình quân 431 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu bình quân 29,3 triệu USD, lợi nhuận bình quân 17,9 tỉ đồng/ doanh nghiệp.

Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta đạt khoảng 9,2 tỉ USD và dự kiến năm 2010 là từ 10 đến 12 tỉ USD, năm 2015 là 18 tỉ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội thu hút dòng đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào ngành dệt may. Nhờ đó, ngành dệt may có điều kiện phát triển nguồn nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp, hoá chất thuốc nhuộm,… để nâng cao tỉ lệ nội địa hoá (theo kế hoạch sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2010). Việt Nam còn có cơ hội thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực hạ tầng như đường xá, giao thông, hạ tầng viễn thông, ngân hàng… tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế cũng như ngành dệt may phát triển hơn nữa. Nhờ có dòng đầu tư nước ngoài mà nguồn nhân lực cũng sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp dệt may có điều kiện tiếp cận và đào tạo mạnh hơn lực lượng chuyên gia về công nghệ, thị trường, tài chính từ nước ngoài.

Tuy nhiên, trước những thuận lợi lớn khi là thành viên WTO thì ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Trong đó, quan trọng nhất là hàng rào bảo hộ hàng sản xuất trong nước đã giảm đến mức tối đa theo cam kết WTO. Từ 11/1/2007, thuế nhập khẩu hàng may mặc giảm từ 50% xuống còn 20%, vải từ 40% xuống còn 12%. Vì vậy, các nhà sản xuất dệt may Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt khi các sản phẩm từ nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam, nhất là các nước cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,…

Hiện nay Việt Nam có trên 600 nhà máy dệt và kéo sợi, giải quyết việc làm cho khoảng 250.000 lao động. Tuy sản lượng dệt sản xuất hàng năm tăng trên 10% nhưng quy mô còn nhỏ bé, thiết bị và công nghệ khâu kéo sợi và dệt vải lạc hậu, không cung cấp được vải cho khâu may xuất khẩu. Những năm qua, tuy đã nhập bổ sung, thay thế 1.500 máy dệt không thoi hiện đại để nâng cấp mặt hàng dệt trên tổng số máy hiện có là 10.500 máy, thì cũng chỉ đáp ứng khoảng 15% công suất dệt.

Bảng 2.1: Năng lực sản xuất ngành dệt may Việt Nam 2009

Tiêu chuẩn Số lượng

Phân theo vốn sở hữu

Nhà nước 0,5%

Cổ phần, Trách nhiệm hữu hạn vốn Nhà nước>50% 1% Cổ phần, Trách nhiệm hữu hạn vốn Nhà nước<50%, Tư nhân 76%

FDI 18,5%

Hợp tác xã 4%

Phân theo vùng lãnh thổ

Đồng bằng sông Hồng 27%

Trung du và miền núi phía Bắc 3% Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 7%

Tây Nguyên 1%

Đông Nam Bộ 58%

Đồng bằng sông Cửu Long 4%

Phân theo nhóm sản phẩm

Dệt & May 30%

May 68%

Kéo sợi 2%

Nguồn: http://www.vietnamtextile.org

Mặt khác, trình độ công nghệ ngành may mặc Việt Nam hiện nay còn thấp, máy móc, thiết bị phần lớn là cũ kĩ, lạc hậu và có xuất xứ từ nhiều nước. Ngành may tuy liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị và dây chuyền đồng bộ chuyên sản xuất một mặt hàng như dây chuyền may sơ mi, may quần âu, quần Jean, complet, hệ thống giặt là... nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao. Xuất khẩu hàng dệt may tuy đạt kim ngạch cao, nhưng chủ yếu làm gia công, ngành dệt vẫn nhập khẩu nhiều và nguyên liệu cho sản xuất của ngành dệt hầu như hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài...

Như vậy, vấn đề thu hút vốn FDI vào ngành dệt may phải đặt ra yêu cầu kết hợp đầu tư xây dựng mới, đồng thời chú ý phát triển các hình thức liên doanh, liên kết nhằm hiện đại hóa, đồng bộ hóa thiết bị hiện có.

Về nội tại, những điểm yếu cần phải sớm khắc phục đó là ngành công nghiệp dệt và phụ trợ của Việt Nam còn rất hạn chế, dẫn đến 80% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài đã làm cho giá trị gia tăng trong ngành dệt may không cao. Trong lĩnh vực may xuất khẩu, phần lớn vẫn theo phương thức gia công, thiết kế mẫu mốt chưa phát triển... hiệu quả sản xuất thấp. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng huy động vốn đầu tư thấp, hạn chế khả năng đổi mới công nghệ, trang thiết bị... năng lực quảng cáo tiếp thị hạn chế nên phần lớn các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu.

Các sản phẩm dệt may xuất khẩu của nước ta hầu hết phải sử dụng nhãn mác nước ngoài, một số mặt hàng vẫn phụ thuộc vào các nhà đặt hàng trung gian, chưa thể tiếp cận và bán hàng trực tiếp, đặc biệt là với thị trường EU. Theo số liệu thống kê thì khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU được thực hiện qua các khâu trung gian như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc...

Mặt khác, trong các mặt hàng may mặc xuất khẩu vào EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung vào các mặt hàng dễ làm như áo jacket, sơ mi... còn các mặt hàng có giá trị, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn như bộ complet hay các loại áo sơ mi cao cấp thì ít doanh nghiệp có thể sản xuất được. Do đó, trên thực tế, nhiều mặt hàng có cơ hội phát triển tại nước ngoài nhưng lại chưa có doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu công nhân, chiều hướng phức tạp trong mối quan hệ lao động tiền lương, cũng như những ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư xuất phát từ các cuộc đình công tự phát tại các thành phố và khu công nghiệp tập trung... đang là một trong những yếu kém cần sớm được khắc phục để đưa ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đạt mục tiêu

kim ngạch xuất khẩu 10 - 12 tỉ USD, sử dụng 2,5 triệu lao động trong năm 2010 và tăng tốc cao hơn vào những năm tiếp theo.

2.1.3 Sự cần thiết phải tăng cường nguồn vốn FDI vào thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam

Một phần của tài liệu Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thúc đẩy XK hàng dệt may Việt nam (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w