Những năm gần đây do môi trường luật pháp và môi trường kinh tế Việt Nam có sự thay đổi theo hướng tích cực và thông thoáng hơn, điển hình là sự thành công trong việc ban hành và đưa vào thực hiện luật đầu tư trên cơ sở thống nhất giữa luật đầu tư nước ngoài và luật khuyến khích đầu tư năm 2005 nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài nên đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, các yếu tố về điều kiện cơ sở hạ tầng thường gây cản trở tới hoạt động đầu tư nước ngoài như: hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển; sự ổn định về cung cấp năng lượng, công tác giải phóng mặt bằng,... đã và đang được chính quyền các địa phương tiếp nhận đầu tư tập trung giải quyết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% trong năm 2010. Theo đó, ngoài việc nâng cấp đầu tư hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có lên ngang tầm khu vực và thế giới, thì Việt Nam sẽ phát triển thêm các trường đào tạo nghề và trung tâm đào tạo từ các nguồn vốn khác nhau.
Thực hiện các giải pháp nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động vào thực tế cuộc sống để ngăn ngừa tình trạng đình công bất hợp pháp, lành mạnh hóa quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động.
Nhờ đó, Việt Nam đã thu hút được khá lớn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dưới mọi hình thức vào ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là hình thức đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài và liên doanh với nước ngoài ngày càng phát triển.
Theo con số thống kê của Vinatex, đến tháng 8 năm 2007, ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2000 doanh nghiệp trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 75,8%, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 24,2% (xem bảng 2.3).
Bảng 2.3: Loại hình doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Loại hình doanh nghiệp Số lượng Tỉ trọng
Trong nước 1516 75,8
FDI 484 24,2
Tổng 2000 100%
Đầu tư hoặc kinh doanh với các hình thức liên doanh, bao thầu xưởng, mua cổ phần, đầu tư 100% vốn là những thế mạnh của của các nước trong khu vực ASEAN. Vì vậy, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp dệt may ASEAN, đặc biệt là Singapore và Malaysia đầu tư vào ngành dệt Việt Nam, tập trung trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu (xơ, sợi cao cấp), in nhuộm và hoàn tất vải cung cấp cho may xuất khẩu, tham gia hợp tác cung ứng vải cho các công ty may mặc để sản xuất hàng xuất khẩu; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho dệt may...
Năm 2008, Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Nam và Tập đoàn Teachang (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất vải Denim với tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD; trong đó Tập đoàn Teachang góp 60% vốn đầu tư. Ngoài ra, Công ty cổ phần Yên Mỹ cũng đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Teachang với mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng. Hiện nay, Công ty cổ phần Yên Mỹ là một trong những doanh nghiệp nhuộm hoàn tất có thiết bị đồng bộ, hiện đại hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam với năng lực sản xuất khoảng 24 triệu mét/năm. Vinatex khẳng định, các dự án trên đều nằm trong diện ưu tiên đầu tư nhằm tập trung cho phát triển chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu trong năm 2010.
Đầu năm 2009, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, với mục đích tăng cường quan hệ giữa giới doanh nghiệp hai nước, Chính phủ Đan Mạch thông qua Chương trình kết nối doanh nghiệp thành lập liên doanh sản xuất quần áo nam may sẵn, phục vụ nhu cầu của các khách hàng đơn lẻ với Công ty cổ phần Phong cách Anh (Anh’s Style JSC), Việt Nam. Công ty Enel Aps phía Đan Mạch sẽ chịu trách nhiệm cung cấp công nghệ mới cũng như công tác tiếp thị và quản lý chung toàn bộ liên doanh. Các sản phẩm của liên doanh sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Đan Mạch và các thị trường châu Âu.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây, đầu tư theo hình thức nào, liên doanh hay 100% vốn nước ngoài, thì có lợi cho Việt Nam? Câu trả lời là đối với nước ta, cả hai hình thức này đều có lợi, đều tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế với chất lượng và mẫu mã tốt hơn, có khả năng đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng thế giới. Nhưng xét về lâu dài thì hình thức liên doanh sẽ có lợi hơn. Vì nếu đầu tư theo hình thức liên doanh sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm về quản lý, về công nghệ, về tác phong làm việc công nghiệp và cách thức kinh doanh với nước ngoài. Mặt khác, khi hết thời hạn liên doanh thì Việt Nam có thể tự mình đứng ra tổ chức các hoạt động kinh doanh mà không bị phụ thuộc vào phía nước ngoài. Còn nếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, tuy về trước mắt sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, giải quyết nhiều công ăn việc làm nhưng về lâu dài khi các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam sẽ gây ra những cú sốc về việc làm. Ngoài ra, nếu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức 100% vốn nước ngoài quá nhiều sẽ làm cho Việt Nam mất đi tính tự chủ và luôn chịu ảnh hưởng nhiều từ phía nước ngoài. Đối với một quốc gia, việc tự chủ về kinh tế có vai trò rất quan trọng để tạo nên vị thế và hình ảnh trên trường quốc tế.
Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất sản xuất hàng dệt may xuất khẩu cũng ngày càng gia tăng.
Năm 2006, nắm bắt một trong những vấn đề cần giải quyết của ngành dệt may Việt Nam là thiếu nguyên phụ liệu đặc biệt là những nguyên phụ liệu ngành sản xuất cung ứng trong nước gần như chưa có nên Tổng Công ty Phong Phú Việt Nam đã ký hợp đồng liên doanh với tập đoàn ITG (Mỹ) xây dựng Cụm công nghiệp Burlington - Phongphu Solutions Supply Chain City có tổng mức đầu tư 80 triệu USD (ITG góp vốn 60%) tại Khu công nghiệp Hoà Khánh, Đà Nẵng nhằm sản xuất cung ứng từ nguyên liệu vải đến các sản phẩm may hoàn chỉnh, công suất 60 triệu mét vải/năm. Sản phẩm chủ yếu tập trung vào các mặt hàng chất liệu cotton cao cấp, với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về dệt, nhuộm, xử lý hoàn tất, may mặc và xử lý ướt trên sản phẩm may mặc.
Năm 2007, Tập đoàn Pamatex Berhad (Malaysia) đã quyết định đầu tư hơn 100 triệu USD vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Công ty Daewon (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng một nhà máy may xuất khẩu trị giá 8 triệu USD tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), những sản phẩm may mặc sản xuất từ những khu công nghiệp này đã đóng góp một phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.
Cũng trong năm 2007, tập đoàn dệt may Hoa Kỳ HBI chuyên sản xuất các loại đồ lót nam, nữ, dụng cụ, trang phục thể thao… đã tiến hành khảo sát thực tế và thống nhất vị trí xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Phong Điền, nằm tại huyện Phong Điền, cực bắc của Thừa Thiên Huế với quy mô đầu tư khoảng 20 triệu USD, thu hút khoảng từ 2.000 đến 4.000 lao động trong vùng.
Tháng 5-2008, đoàn doanh nghiệp gồm 45 doanh nhân chuyên ngành may mặc, da giày Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã có cuộc xúc tiến, tìm cơ hội hợp tác với các khu chế xuất – khu công nghiệp và doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam nước ta. Vì mặt bằng giá cả tại Thái Lan, Malaysia cao hơn Việt Nam, nên việc các nhà đầu tư Hong Kong lựa chọn Việt Nam làm điểm đến là điều tất yếu.
Trong đó, công ty Cổ Phần Việt Tiến Đông Á đã khởi công xây dựng cụm nhà máy, xí nghiệp sản xuất lắp ráp thiết bị, linh kiện may công nghiệp, với vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD trong khu công nghiệp Vinatex - Tân Tạo tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, liên kết với Tập đoàn Tung Shing (Hong Kong, Trung Quốc).