hàng dệt may của Việt Nam
Ngành dệt may là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong nhiều năm qua, đóng vai trò quan trong trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong cạnh tranh quốc tế, đây cũng là ngành mà Việt Nam có thế mạnh bởi nước ta là một trong số 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng dêt may lớn nhất thế giới.
Ngành dệt may Việt Nam có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu. Tiềm năng này trước hết là do nguồn lao động lớn, đặc biệt là nhờ cấu trúc dân số trẻ, nên chi phí cho lao động không tăng nhanh như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may. Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định, với tiềm năng tăng trưởng cao, nên có sức hấp dẫn với nhà đầu tư và bạn hàng nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang tham gia ngày một sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với việc cải thiện hình ảnh của Việt Nam, quá trình này còn giúp gia tăng tiếp cận thị trường cho hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, trên thị trường dệt may xuất khẩu hiện nay, Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần sự tham gia trong các lĩnh vực xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp để tập trung nguồn lực sản xuất vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, do đó phần nào giảm bớt tính khốc liệt của cạnh tranh trên thị trường dệt may xuất khẩu mà Việt Nam hiện đang là một chủ thể tích cực. Theo dự báo của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, ngành dệt may đang nhận được đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn. Do đó có thể kỳ vọng là sang năm 2010, dệt may có thể đạt được mức tăng trưởng của những năm trước khủng hoảng.
Mặc dù vậy, hàng dệt may cạnh tranh trên thị trường nội địa sau WTO sẽ rất khốc liệt. Bởi có khả năng các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ nhập hàng từ Trung Quốc, các nước trong ASEAN, Đài Loan về phân phối tại Việt Nam. Trước khi
gia nhập WTO, mức thuế nhập khẩu hàng may mặc là 40-50% nhưng sau WTO mức thuế này là 5-15%. Việc nhập khẩu về rất thuận lợi và gây sức ép lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Một trong những khó khăn của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may là khâu phân phối hiện nay còn lạc hậu với 70% dưới hình thức phân phối truyền thống nhỏ lẻ, các cửa hàng hiện đại chỉ khoảng 30%. Trong khi ở các nước phát triển thì tỉ lệ này ngược lại. Với việc Việt Nam vào WTO, các công ty bán lẻ nước ngoài sẽ vào nước ta, tỉ lệ hiện nay sẽ đảo ngược và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó khăn cạnh tranh về phân phối. Vì vậy, càng khẳng định hơn sự cần thiết của đầu tư nước ngoài trong việc huy động vốn nhằm xây dựng và phát triển hệ thống các doanh nghiệp dệt may có chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài với chất lượng tốt và số lượng lớn.