Những tồn tại trong thu hút FDI vào thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt mayViệt Nam

Một phần của tài liệu Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thúc đẩy XK hàng dệt may Việt nam (Trang 69 - 74)

Nam

Tuy đạt được những kết quả quan trọng và có nhiều ưu điểm cả về kinh tế, xã hội nhưng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào thúc đẩy xuất khẩu dệt may tại Việt Nam còn những mặt hạn chế như sau:

Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập

Luật pháp liên quan đến đầu tư nước ngoài đang trong quá trình hoàn thiện còn nhiều chồng chéo mâu thuẫn. Tình trạng các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn nhiều vấn đề chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các văn bản pháp quy. Một số chính sách chưa được xác định rõ nên chưa thể chế hóa hoặc đã có chính sách làm cơ sở nhưng văn bản pháp quy ban hành chậm.

Pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, nghiêm trọng hơn là việc thi hành pháp luật chính sách nhiều khi không nghiêm túc, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các nhà đầu tư trong quá trình phát triển các dự án, thực hiện kế hoạch kinh doanh, thương mại và một loạt các vấn đề khác liên quan đến quản lý và sử dụng lao động.

Mặt khác, tuy đã có định hướng cơ bản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt, may, nguyên phụ liệu, đối tác đầu tư, nhưng trên thực tế chưa làm rõ chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch ngành một cách toàn diện. Trong khi đó một số ngành có liên quan như giáo dục, dạy nghề chưa có quy hoạch gây khó khăn cho việc xác định chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Môi trường đầu tư của chúng ta còn nhiều hạn chế mặc dù khung khổ pháp luật, chính sách của Việt Nam đã được cải thiện nhiều nhưng còn thiếu ổn định và thực hiện chưa tốt, do vậy chưa hoàn toàn thuận lợi, hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư còn rườm rà, chưa linh hoạt… Đây là những cản trở lớn ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI của nước ta.

Thiếu nguồn nguyên liệu

Một trong những khó khăn của ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam là sự hạn chế nguyên liệu trong nước và hạn chế công nghiệp hỗ trợ. Nhà đầu tư buộc phải nhập khẩu nguyên liệu và các thiết bị phục vụ cho ngành dệt may từ nước ngoài. Không chỉ phải nhập vải sợi, mà các doanh nghiệp may Việt Nam còn phải nhập từ nước ngoài hầu hết các phụ liệu khác. Việc mua nguyên phụ liệu nhập ngoại khiến cho các doanh nghiệp dệt may sản xuất hàng xuất khẩu bị động, làm chậm thời gian giao hàng, hoặc hàng không đồng bộ hay không đảm bảo về quy cách phẩm chất. Điều này khiến cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở nên dè chừng khi muốn đầu tư vào ngành sản xuất sản phẩm may mặc tại Việt Nam.

Chất lượng lao động thấp

Hiện nay, đa phần công nhân sản xuất trong ngành dệt may Việt Nam mới chỉ học hết phổ thông, chỉ một số ít đã qua lớp đào tạo nghề tại các trường dạy nghề trong khi số đông được “học cấp tốc” ngay tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, điều đó gây ra chất lượng lao động không đồng đều nhau, dẫn đến năng suất làm việc không cao. Mặt khác, phần lớn người lao động xuất thân từ nông thôn nên tiếp thu chậm, không có tác phong làm việc công nghiệp, vẫn còn bỡ ngỡ trước những loại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại.

Tranh chấp lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chưa được giải quyết kịp thời

Không chỉ trong lĩnh vực dệt may, các tranh chấp lao động là khó tránh, đặc biệt trong những thời điểm doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động, hoặc khi doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh. Nhìn chung người chủ thường trả công cho người lao động thấp hơn so với mức họ đáng được hưởng, không thỏa đáng với nhu cầu của người lao động. Điều đó dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, dẫn đến tình trạng đình công bãi công làm thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiện tại ở Việt Nam, lượng lao động dịch chuyển tại các doanh nghiệp dệt may rất lớn. Nếu doanh nghiệp có 5.000 - 6.000 công nhân thì hàng năm trung bình khoảng 1.000 - 2.000 công nhân thường xuyên ra, vào. Lý do chính khiến lao động phải dịch chuyển là do thu nhập thấp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn có mức lương trung bình khoảng 2,3 - 2,7 triệu đồng/người/tháng. Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lương thường dưới 1 triệu đồng/tháng. Để giữ lao động, các doanh nghiệp này có tăng thêm khoảng trên dưới 10% lương cho người lao động, nhưng biện pháp này không có tác động lớn để giữ chân người lao động.

Mặt khác, trong những thời điểm nhu cầu mua sắm lên cao, như dịp lễ, tết… thì việc tranh chấp lao động lại trở nên gay gắt hơn khi doanh nghiệp nào cũng muốn tăng cường sản xuất. Cuối năm 2009, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

rất vất vả trong việc tuyển dụng lao động. Tại các tỉnh, thành phố phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… nguồn cung lao động ngành này ngày càng căng thẳng khi lượng lao động di cư từ phía Bắc và miền Trung vào những khu vực ngày càng thờ ơ với dệt may.

Cơ sở hạ tầng yếu kém

Cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển mạnh là một trong những nhân tố quan trọng làm quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta nói chung và vào ngành dệt may nói riêng gặp nhiều trở ngại. Hầu như chỉ ở các thành phố lớn, đất chật người đông mới được chính phủ chú ý xây dựng các công trình công cộng nhằm giải tỏa ách tắc giao thông, còn ở các tỉnh, địa phương, những nơi có thể xây dựng những khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, có khả năng giải quyết nhiều việc làm cho lao động phổ thông lại chưa được đầu tư thỏa đáng. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc đi lại, giám sát, kiểm tra cũng như vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.

Mặt khác, chi phí cho điện, nước, công nghệ truyền thông thông tin ở nước ta vẫn còn khá cao khiến cho chi phí đầu vào sản xuất cũng như giao dịch của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực.

Sự yếu kém trong chuyển giao công nghệ

Nhìn chung công nghệ được sử dụng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường cao hơn mặt bằng công nghệ cùng ngành và cùng loại sản phẩm tại nước ta.

Tuy vậy, một số trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam, cũng như sự yếu kém trong kiểm tra giám sát tại các cửa khẩu nên đã nhập vào Việt Nam một số máy móc thiết bị có công nghệ lạc hậu thậm chí là những phế thải của các nước khác. Tính phổ biến của việc nhập máy móc thiết bị là giá cả đươc ghi trong hóa đơn thường cao hơn giá trung bình của

thị trường thế giới. Nhờ vậy một số nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng để khai tăng tỉ lệ góp vốn trong các liên doanh với Việt Nam.

Việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện thông qua các hợp đồng và được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ chuẩn y. Tuy vậy, đây là một hoạt đông cực kỳ khó khăn đối với các nước tiếp nhận đầu tư nói chung, kể cả Việt Nam, bởi khó có thể đánh giá chính xác giá trị thực của từng loại công nghệ trong những ngành khác nhau. Do vậy, thường phải thông qua thương lượng theo hình thức mặc cả đến khi hai bên có thể chấp nhận được, thì ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Sự mất cân đối giữa ngành dệt, may, sản xuất nguyên phụ liệu và giữa các vùng, lãnh thổ

Mục đích cao nhất của các nhà đầu tư là lợi nhuận. Do đó những dự án sản xuất hàng may mặc cần vốn ít mà tỉ suất lợi nhuận cao thường được các nhà đầu tư quan tâm, còn những dự án về ngành dệt, nhuộm, tơ, sợi, sản xuất nguyên phụ liệu mặc dù rất cần thiết và liên quan trực tiếp đến sản xuất hàng may mặc nhưng không đưa lại lợi nhuận cao thì ít thu hút được đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài trong khi lựa chọn địa điểm để triển khai dự án đầu tư thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi, do đó các thành phố lớn, những địa phương có cảng biển, cảng hàng không, các tỉnh đồng bằng là nơi tập trung nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhất. Trong khi đó, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, những địa phương cần được đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mặc dù chính phủ và chính quyền địa phương có những ưu đãi cao hơn nhưng ít được các nhà đầu tư quan tâm.

Một phần của tài liệu Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thúc đẩy XK hàng dệt may Việt nam (Trang 69 - 74)