Dệt may được coi là một trong những ngành trọng điểm của nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với những lợi thế riêng biệt như vốn đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, thu hút nhiều lao động và có nhiều điều kiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau, ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang được xem là ngành sản xuất mũi nhọn và có tiềm lực phát triển khá mạnh.
Ngành dệt may nước ta tuy liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị và dây chuyền đồng bộ chuyên sản xuất một mặt hàng như dây chuyền may sơ mi, may quần âu, quần Jean, complet, hệ thống giặt là... nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao. Mặt khác, xuất khẩu hàng dệt may tuy đạt kim ngạch cao, nhưng chủ yếu làm gia công, ngành dệt vẫn nhập khẩu nhiều và nguyên liệu cho sản xuất của ngành dệt hầu như hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài... Trước tình hình trên, một trong những biện pháp tối ưu giúp tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may chính là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm sản xuất sản phẩm với chất lượng cao, kĩ thuật tiên tiến, giá thành phải chăng nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về mẫu mã thời trang và số lượng sản phẩm. Vì thế, hiện nay, chính phủ cũng như hiệp hội dệt may, tập đoàn dệt may và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tích cực hoạch định ra những chính sách, biện pháp, phương hướng, kế hoạch nhằm xúc tiến việc thu hút FDI vào thúc đẩy xuất khẩu ngành kinh tế quan trọng này.
Chính sách về luật pháp
- Tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu; sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp dệt may nước ngoài có được giấy phép đầu tư nhanh chóng và ổn định quá trình sản xuất tại Việt Nam, từ đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
- Ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào phát triển như công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, dệt nhuộm… nhằm thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài vào các lĩnh vực đầy tiềm năng này, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguyên vật liệu ngày càng lớn của các doanh nghiệp dệt may, hạn chế tối đa chi phí phải nhập khẩu từ nước ngoài.
- Tiếp tục phát huy chính sách miễn thuế xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp đối với các doanh nghiệp FDI nói chung và FDI dệt may nói riêng.
- Tiếp tục khuyến khích mức thuế ưu đãi xuất khẩu đối với các doanh nghiệp có vốn FDI có khả năng xuất khẩu trên 80% sản phẩm và đang được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu nhập khẩu trong 5 năm, hoặc doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó có tỷ lệ xuất khẩu trên 80%...
Chính sách về quy hoạch
- Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển ngành dệt may, quy hoạch các giải pháp xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu, quy hoạch địa bàn thu hút đầu tư, quy hoạch hình thức đầu tư, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu; đồng thời đưa ra các giải pháp, phương hướng đi kèm nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại mẫu mã nhằm đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
- Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả.
- Quán triệt và thực hiện thống nhất các quy định của Luật Đầu tư trong công tác quy hoạch, đảm bảo việc xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh song vẫn đạt hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may. - Rà soát điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời đối với các quy hoạch đã lạc
hậu; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch đã được duyệt.
- Tiến hành tổng rà soát, điểu chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường (xử lý chất thải rắn, nước thải...); hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt, trước hết là tuyến Bắc- Nam, hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, đường sắt nối các cụm cảng biển lớn với hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may nói chung và có vốn FDI nói riêng trong việc sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
- Mở rộng hình thức cho thuê cảng biển, mở rộng đối tượng cho phép đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt dịch vụ hậu cần (logistic) để tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam; kêu gọi vốn đầu tư các cảng lớn của các khu vực kinh tế như hệ thống cảng Hiệp Phước - Thị Vải, Lạch Huyện...
- Mở thêm tuyến đường bay quốc tế cũng như tăng tần suất các chuyến bay nội địa nhằm góp phần tạo thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư.
- Đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong ngành dệt may lên 40% vào năm 2015. Theo đó, ngoài việc nâng cấp đầu tư hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có lên ngang tầm khu vực và thế giới, sẽ phát triển thêm các trường đào tạo nghề và trung tâm đào tạo từ các nguồn vốn khác nhau. Đồng thời, xây dựng và cải tiến các lớp đào tạo vừa học vừa làm cho công nhân dệt, may ngay tại doanh nghiệp hoặc cạnh doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian đào tạo song công nhân vẫn có được kiến thức chuyên môn vững vàng và làm quen được với các thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại.
- Thực hiện các giải pháp nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động vào thực tế cuộc sống để ngăn ngừa tình trạng đình công bất hợp pháp, lành mạnh hóa quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động, từ đó giúp các doanh nghiệp dệt may ổn định sản xuất kinh doanh.
Chính sách về quản lý nhà nước
- Phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong việc cấp phép và quản lý các dự án dệt may có vốn đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu của các dự án đó.
- Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực thực thi và hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài của các cơ quan chức năng để từ đó đưa ra được các biện pháp xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may một cách hợp lý, góp phần đẩy mạnh năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Tiến hành tổng kết, đánh giá việc phân cấp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may thời gian qua, phát hiện những bất cập, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, rút kinh nghiệm cho các dự án đầu tư trong tương lai.
Chính sách về xúc tiến đầu tư
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư vào ngành dệt may đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản,...; chú trọng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn.
- Hoàn thành việc xây dựng thông tin chi tiết về dự án dệt may đối với danh mục đầu tư quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010 để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư; xây dựng danh mục gọi vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo.
- Tổ chức khảo sát, nghiên cứu và xây dựng mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư ở Trung ương và địa phương; triển khai nhanh việc thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm; xây dựng văn bản pháp quy về công tác xúc tiến đầu tư nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất trong công tác quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.