Tài năng và sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của tác giả

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 28 - 30)

Tư duy sáng tạo chính là việc tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo và để tăng khả năng tư duy của một cá nhân. Đó là sự cân bằng, hòa hợp giữa thực tế và lý tưởng. Trong sáng tạo nghệ thuật, đổi mới tư duy văn học là lẽ tất yếu của chủ thể sáng tạo, góp một phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm.

Trước hoàn cảnh lịch sử xã hội mới, đời sống bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, rối ren, thơ ca lúc này lại ưa lối công thức, giả tạo, sáo mòn. Thực tế ấy đã khiến giới văn nghệ sĩ nói chung và giới thi ca nói riêng buộc phải dấn thân vào cuộc đời, sáng tạo những vần thơ giàu ý nghĩa, dần khẳng định tài năng nghệ sĩ của chính mình. Các thế hệ nhà thơ đương đại rất tích cực tham gia vào đổi mới tư duy sáng tạo. Điều này bắt nguồn từ sự đổi mới

quan niệm về thực tại, cách thức chiếm lĩnh thực tại và cách thức biểu hiện quan niệm ấy. Tư duy sáng tạo đã thể hiện cách nhà thơ tái tạo, sáng tạo lại thế giới trong thi phẩm bằng cảm quan cá nhân, một thế giới mang tính quan niệm, một thế giới của tưởng tượng nhưng không xa rời những vấn đề của đời sống con người, những hoài niệm về quá khứ, dự cảm về tương lai. Qua con mắt của các tác giả đương đại, cuộc sống đã được nhìn nhận bằng con mắt hoàn toàn khác, có đủ mọi chiều hướng đa hình đa tuyến. Thực tế cuộc sống không cho phép nhà thơ tô vẽ, bóp méo sự thật mà phải nhìn bằng một cái nhìn trung thực, khách quan. Nhà thơ cần phải trung thực với chính bản thân mình và với thơ. Nhờ đó, qua từng trang thơ ta thấy hiện lên một đời sống sinh động như nó vốn ở ngoài đời.

Sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của tác giả còn thể hiện ở những phản tư, phản tỉnh, những chủ đề, đề tài, cảm hứng mới. Hiện thực lúc này như là cách hiểu về thế giới mà nhà thơ sinh tồn, thụ hưởng, kiến tạo, … được mở rộng với sự trỗi dậy của những vùng tối vô thức, tiềm thức, những khoảng trống tâm linh.

Trong quan niệm về bản chất của thơ cũng có nhiều thay đổi quan trọng. Nếu như thơ xưa thường đề cao chức năng xã hội của thơ, nội dung thơ thường bị đóng lại trong một khuôn khổ chật hẹp về niêm, luật, vần, đối đã được định sẵn; thơ cách mạng mang sứ mệnh là “người thư ký trung thành của thời đại”, thơ để tuyên truyền cách mạng, “thơ là tiếng nói của tình đồng chí, đồng ý, đồng tình” (Tố Hữu) thì thơ sau 1975, tư duy sáng tạo thơ đã thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh chức năng xã hội, chức năng thẩm mỹ của thơ ca, các nhà thơ còn quan tâm đến những vấn đề thi pháp thơ như: hình thức thể hiện, hình ảnh, bút pháp tạo hình ngôn từ và cách tổ chức hình tượng thơ…Vì vậy, thơ ca đương đại xuất hiện nhiều gương mặt có thể nghiệm độc đáo, nhiều sự

phá cách mới lạ như: Trần Dần, Dương Tường, Lê Đạt, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh,...

Nguyễn Bình Phương được đánh giá là một gương mặt cách tân tiêu biểu và có nhiều thay đổi mang tính “độc sáng” về tư duy sáng tạo. Những sáng tác của Nguyễn Bình Phương đã từng bước thoát khỏi tư duy văn học của thời kỳ tiền đổi mới, kiến tạo những cấu trúc nghệ thuật mới. Sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của Nguyễn Bình Phương đã giúp độc giả nhìn ra, phát hiện ra một sự thật toàn nguyên, sự thật như nó đang diễn ra và vây bọc lấy thế giới con người.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 28 - 30)