Quan niệm nghệ thuật của tác giả

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 30 - 34)

Trong sáng tạo nghệ thuật, thông qua những đứa con tinh thần, mỗi tác giả tự hình thành cho riêng mình một hướng đi đúng đắn, một thế giới nghệ thuật mang tính quan niệm của chính mình. “Quan niệm nghệ thuật là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó có khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó” [14; 273]. Quan niệm nghệ thuật giống như một ngọn đuốc đi đầu, dẫn đường cho sác tác nghệ thuật của các tác giả đi đúng quỹ đạo.

Nguyễn Bình Phương là một nhà văn, nhà thơ có trách nhiệm cao trong nghề nghiệp của mình. Giống như những nhà văn, nhà thơ khác, ông cũng xây dựng cho mình một quan niệm nghệ thuật riêng, độc đáo.

Trong quan niệm về bản năng và ý thức người cầm bút, Nguyễn Bình Phương quan niệm: “Nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người”. Người cầm bút phải là kẻ sống gần gũi với mọi người, sống bình thường nhưng những trang văn, trang thơ của họ phải tạo nên được nét khác biệt, phải có “tạng” riêng. Ông đòi hỏi cao tính sáng tạo của người nghệ sĩ:

“Không có sự sáng tạo, nhà văn sẽ tự tiêu diệt mình”. Trò chuyện với phóng viên báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ bộc bạch:“Tôi sợ bị bó buộc trong một khung cố định nào đó. Văn chương bản thân nó là chân trời tự do, thì ta cứ nương theo thế, đừng bó buộc nó” và “Tôi chỉ có một quan niệm bảo thủ là cố gắng viết gần sát với quan niệm của mình về văn chương vậy thôi” [60]. Trong quan niệm sáng tác, Nguyễn Bình Phương cũng thành thật: “không thích sự giả dối, lên gân, nhưng cái đa dạng trong văn chương là cần thiết” [61].

Trên chặng đường kiếm tìm thơ ca của mình, Nguyễn Bình Phương luôn tự ý thức mình về sứ mệnh của nghiệp bút mực, luôn luôn có những trăn trở và tự vấn về nghề:

Đứng dậy, sũng ướt, đi rồi tự hỏi Viết là tìm thấy hay đánh mất?

(Chân dung khi trống trải)

Với Nguyễn Bình Phương, mọi nhà thơ đều đơn độc trên chính con thuyền thi ca của mình. Sự kiếm tìm nguồn sống trong thơ ông giống như phải vượt qua một con thác lớn, phải vật lộn, nhọc nhằn và trải qua đủ mọi cảm giác trống trải, cô đơn nhất, đôi khi tưởng chừng như “đuối sức”. Nhưng thi hứng ấy lại trào lên như những con sóng mạnh mẽ, không thể khuất phục. Ở Nguyễn Bình Phương, viết phải chăng là mất đi, một trò chơi của ngôn ngữ được giăng ra để “câu” sự suy tưởng của chúng ta?

Quan niệm về mối quan hệ giữa sống và viết của Nguyễn Bình Phương không tách rời. Ông quan niệm nhà văn phải lăn xả vào cuộc đời, phải “làm người” trước khi cầm bút. Với tư cách một nhà thơ cũng vậy. Ông cũng có quan niệm mang đậm cá tính riêng:

Sống là viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn

Có ai đó đã nói rằng: viết là sự phản ứng của một kiểu người (nhà văn, nhà thơ) chống lại sự dụ dỗ, sự giăng bẫy hay tha hóa của cuộc đời. Và

Nguyễn Bình Phương đã “phản ứng” và chống lại sự “giăng bẫy” của cuộc đời bằng chính sự sáng tạo.

Trong quan niệm về hiện thực, nhà thơ “từ chối một hiện thực “tả thực”, một hiện thực chụp ảnh để đến với những chân trời mới, một hiện thực của tâm linh, của trí nhớ và trí tưởng tượng đầy sáng tạo và bất ngờ” [15]. Ông hướng ngòi bút của mình vào những mảnh vỡ hiện thực. Đó là một hiện thực bị lắp ghép, phân mảnh, chắp nối với những sự kiện chồng lấp, khó lý giải. Nếu như nhà thơ Mai Văn Phấn cố công sắp xếp lại hiện thực với một thế giới viên mãn, thuần khiết, tương giao, hài hòa thì Nguyễn Bình Phương lại không có ý sắp xếp và hàn gắn lại thế giới đó bởi ông cho sự tồn tại của chúng là tất yếu. Hiện thực trong thơ của Nguyễn Bình Phương là hiện thực đa chiều, hư ảo. Các yếu tố ma quái, kỳ lạ chảy tràn trên từng trang thơ của ông, ảo và thực hòa quyện với nhau trong một thực thể thống nhất.

Bằng những quan niệm nghệ thuật rất riêng, Nguyễn Bình Phương đã mạnh dạn chấp nhận đi con đường sáng tạo đầy chông gai, thử thách. Nhà thơ đã tự khẳng định mình bằng những thành công nghệ thuật đáng trân trọng.

Tiểu kết chương 1

Nguyễn Bình Phương là một nhà thơ đầy tài năng và trách nhiệm cao trong công việc.Với tư duy nghệ thuật nhạy bén cùng sự sáng tạo dồi dào, ông đã làm nên một cuộc cách tân thơ ca mạnh mẽ, bắt đầu là những đổi mới về thi pháp thơ. Sự đổi mới này có nguồn gốc sâu xa từ sự thay đổi về bối cảnh lịch sử xã hội thời hậu chiến và đổi mới với rất nhiều xô bồ, rối ren, bất trắc. Theo đó, trong thơ ca Việt Nam đã có những bước chuyển mình đầy kinh ngạc. Qua các chặng đường thơ của Nguyễn Bình Phương, chúng ta dễ dàng nhận ra quan niệm nghệ thuật của tác giả về cuộc đời, về con người, về sống và viết, về bản năng và ý thức người cầm bút (hay trách nhiệm, lương tâm người cầm bút). Hơn hết, đằng sau những vần thơ đầy ám ảnh, day dứt về

cuộc đời, về thế giới tâm linh vô thức bên kia ấy là một hình dung đầy cần mẫn, trầm tư, một trái tim tha thiết xoay tròn với từng con chữ.

Chương 2

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w