- Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi/ Đêm ấy đám người điên / Khơi lên ngọn lửa
6 Những bài thơ khác
3.3.5. Coi trọng mục đích gợi cảm, gợi nghĩ hơn tả thực
Trong bút pháp tạo hình, Nguyễn Bình Phương luôn coi trọng mục đích gợi cảm, gợi nghĩ hơn tả thực. Đó là lý do ông sử dụng rất nhiều các thao tác kỹ thuật như: tô đậm vẻ lạ lùng, siêu thực của sự vật, hiện tượng; nhấn mạnh sự tương giao, chuyển đổi cảm giác, hình khối, đường nét…giữa các sự vật hiện tượng; đặt chúng trong những liên tưởng bất ngờ, trái chiều… Để tăng sức gợi của thế giới
hình tượng, ông không ngần ngại làm nhòe mờ những đường nét cụ thể, xác thực của chúng, đặt chúng trong những chiều không gian khác nhau: rộng – hẹp, sáng - tối, xa – gần, …
Chính điều này khiến nhiều bài thơ của ông hiện lên như những “câu đố” đầy bí ẩn, kích thích ham muốn khám phá, lý giải của độc giả. Chẳng hạn trong bài thơ Nhẹ: Chết làm ngôi sao đen/ Nằm trên giường bình nhiên bí ẩn/ Chết không thở cùng hoa/ Thở cùng người đàn bà xa lạ/ Ở trong khu rừng ma/ Có một con hươu ma/ Chết nở một nụ cười sáng nhẹ/ Chẳng vĩnh biệt em chẳng tiễn biệt ai/ Từ tốn mơ màng/ Bông cải cúc ra đi (Nhẹ). Trong thơ Nguyễn Bình Phương, có những cái chết hiện lên rõ nét, gây ám ảnh nặng nề cho độc giả, lại có những cái chết không rõ hình hài, chỉ là một chút khơi gợi, nhẹ tênh. Với Nhẹ, “chết” được nhắc lại ba lần, không ồn ào, không náo động. Người đọc không cảm thấy cái chết hiện lên trong từng câu chữ mà chỉ là sự “hóa hình” thành những “ngôi sao đen”, là “không thở cùng hoa” và “thở cùng người đàn bà xa lạ”. “Chết” không mang theo chiếc áo choàng đen tối, cầm những lưỡi liềm hình răng cưa sắc nhọn mà hiền lành “nở một nụ cười sáng nhẹ”. Cái tài của Nguyễn Bình Phương ở đây là ông miêu tả về cái chết, nhưng không gợi cho người đọc cảm giác sợ hãi, bi thương. Đó là ấn tượng về một cái chết nhẹ, thanh sạch – cái chết “từ tốn mơ màng” của một bông cải cúc. Chỉ với những đường nét ám gợi, nhòe mờ, xa lạ nhưng tác giả đã vẽ nên hình hài một cái chết. Nhẹ là một sự liên tưởng độc đáo của Nguyễn Bình Phương.
Ở Ban mai cũng vậy, mọi đường nét miêu tả cụ thể bị xóa sạch, nhà thơ dành cho người đọc một câu đố ám gợi thông qua nhan đề có tính ẩn dụ sâu sắc:
Trong thời khắc cuối cùng của mùa đông Anh giã từ chính mình thật khẽ khàng Và anh là núi đồi mơ màng
(Ban mai)
Bài thơ cho ta cảm nhận về trạng thái buông tách, chuyển hóa của phần thể xác và tâm hồn con người nhập thể với thiên nhiên. Đó là trạng thái chuyển thân đầy mơ màng, hư ảo, không xác thực, nằm ở khoảng giữa thời khắc đầu tiên của một ngày mới và khoảnh khắc “chưa lìa xa bóng tối”. Bằng sự nhạy bén nghệ thuật cùng những nét vẽ ám gợi, Nguyễn Bình Phương đã nhanh chóng ghi lại được thời khắc chuyển mình khẽ khàng, mơ màng của thiên nhiên. Những đường di chuyển của mây, sao đã bị làm nhòe đi, đọng lại chỉ là những nét u hoài, mộng mị của núi đồi trong thời khắc chuyển mình thiêng liêng ấy.
Với Hỏi, Nguyễn Bình Phương lại khắc họa sự vật chỉ qua một dấu chấm là “những ô vuông nho nhỏ ảo huyền” tạc trên nền hư ảo: Những ô vuông nho nhỏ ảo huyền/ Số phận mi nằm ở đó/ Đen thì đen chờn vờn/ Đỏ thì mong manh đỏ/ Vàng pha lam một cái bóng rùng rình/…Lừng lững đến/ Và trắng/
Lạnh/ Và im/…Hun hút hành lang hẹp…(Hỏi). Nhà thơ không miêu tả trần trụi, rõ nét về bệnh viện. Nhưng thông qua hành động “hỏi” với một “cô em dáng hiền hiền xinh xinh” nào đó, tác giả đã khắc họa những đường nét mờ ảo, lầm lì, ghê rợn của nơi này. Đó là một không gian yên ắng, chết chóc với những ô vuông nhỏ chỉ le lói chút ánh sáng ảo huyền. Càng đi sâu vào không gian đó, con người càng cảm thấy xúc giác tê liệt, cái lạnh tê tái, bủa vây một cách ghê rợn. Sự xuất hiện của “một cái bóng rùng rình” nơi “hun hút hành lang hẹp” đầy ám ảnh, dụ hoặc thực đã xóa tan mọi đường nét ảo mờ của ngoại giới.
Có khi, chỉ với những chi tiết gợi nhiều hơn tả, ảo nhiều hơn mộng, Nguyễn Bình Phương đã tạc thành một khuôn mặt ưu tư, chất chứa nhiều sầu muộn, khó hiểu: Kìa nước mắt đứng khoanh tay ủ rũ/ Mang vị mặn khó hiểu/
Ai sẽ là người giữ tiếng khóc của em?/ Trống trải/ Chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm/ Là anh đấy (Nói với em từ trống trải). Câu thơ mang những
đường nét ám gợi, không khắc tạc rõ hình hài của sự vật. Người ta chỉ có thể nhìn thấy những lát cắt rời rạc của thân thể gầy gò, nước mắt đứng khoanh tay ủ rũ, chiếc áo sơ mi ẩn hiện trong bài thơ. Mọi đường nét đều bị xóa nhòa. Thực ra, bài thơ đã vẽ lên hình ảnh một con người với trái tim cô đơn, trống trải. Bóng đêm như tồn tại trong một cơ thể sống, lặng lẽ, trầm uẩn, mang tâm hồn trống trải, ưu tư. Hình ảnh “chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm” gợi lên một dự cảm cô đơn, trống trải, buồn bã.
Sử dụng bút pháp tạo hình bằng cách tô đậm, nhấn mạnh hay làm nhòe mờ một vài đặc điểm, đường nét hay hình ảnh của sự vật, hiện tượng, Nguyễn Bình Phương đã góp phần làm tăng tính biểu cảm, tượng trưng, ám thị cho câu thơ, khơi gợi ở người đọc một chiều liên tưởng rộng lớn, đa dạng. Hơn hết, ông muốn đưa tới độc giả một quan niệm mới về thế giới qua cái nhìn từ “những ô cửa sổ nghiêng”. Đó là một thế giới sống xanh xao, mơ hồ, bất định với những ảo ảnh, ảo giác, những điều dị thường, ma mị. Đó là thế giới nằm giữa ranh giới của hư - ảo, thực tại – mộng mị, sự sống – cái chết, hạnh phúc – khổ đau… Là thế giới tâm linh, vô thức, tiềm thức trào ra từ những “bóng hình ứ đọng” của đời sống thực với nhiều lo toan, mệt mỏi.
Với những đường nét mơ hồ, ám gợi, những ám thị trong xây dựng hình ảnh, Nguyễn Bình Phương đã đem đến cho người đọc một thông điệp về thế giới: cuộc sống không phải màu hồng bình yên như cái bề ngoài vốn đẹp đẽ của nó. Cuộc sống là một chuỗi dài những chán chường, mệt mỏi, những dự cảm bất an, nghi hoặc. Vì thế, ta thường thấy cái tôi trữ tình trong thơ ông hiện lên trong một không gian tù túng, bế tắc, khao khát muốn vượt thoát khỏi thế giới này trong một trạng thái chuyển hóa “mơ màng” của cơ thể, tâm hồn muốn tách khỏi thể xác để bay vào một miền tâm linh, vô thức bên kia.
Ở phương diện tổ chức văn bản, thơ Nguyễn Bình Phương đã xây dựng thành công những đặc điểm thi pháp nổi bật như: ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, biểu tượng và bút pháp tạo hình.
Trên phương diện ngôn ngữ, thơ Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng một hệ thống ngôn ngữ sáng tạo với các lớp từ chỉ màu sắc, cảm giác, sự vật hiện tượng. Sự kết hợp các từ ngữ theo hướng “lạ hóa”, “nghịch dị” gợi lên nhiều cảm giác mới mẻ, mang lại cho thơ ông một sắc màu hoàn toàn khác biệt, làm điểm nhấn cho thơ. Cùng với cách vận dụng linh hoạt, tận dụng ưu thế của các thủ pháp nghệ thuật: điệp, ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, phóng đại, ...thơ Nguyễn Bình Phương đã thực sự chinh phục được độc giả.
Trên phương diện kết cấu, các bài thơ của Nguyễn Bình Phương được ông kết cấu theo 3 cách: mờ hóa cái tôi trên bề mặt văn bản, từ đó tiết chế tối đa tính chất trữ tình; Đẩy biểu tượng lên bình diện thứ nhất của kết cấu văn bản nhằm tô đậm tiếng nói tự thân của biểu tượng; Thường xuyên tạo nên sự đứt mạch, trong liên tưởng, diễn đạt. Đây là những dạng kết cấu văn bản thơ rất độc đáo theo hướng mở của thơ đương đại. Với cách tạo hình này, cái tôi trữ tình bị mờ đi, vai trò của biểu tượng, liên tưởng trở nên rõ nét, các bài thơ trở nên khó hiểu nhưng lại gợi nhiều ám ảnh, mở rộng chiều liên tưởng của độc giả.
Cách sử dụng hình ảnh, biểu tượng và bút pháp tạo hình trong thơ Nguyễn Bình Phương đã thể hiện sắc nét quan niệm thẩm mỹ độc đáo của ông về thế giới. Đó là một thế giới ẩn tàng sau bề mặt thực tại với vẻ kỳ dị, lạ lùng, siêu thực. Trong thế giới đó, sự vật, hiện tượng thường được xây dựng bằng những đường nét nhòe mờ, ám gợi; được đặt trong những liên tưởng bất ngờ, trái chiều và giữa chúng có sự tương giao, chuyển đổi cảm giác, màu sắc, hình khối, đường nét, …rất rõ ràng. Điều này đã tạo nên nét hấp dẫn trong thơ ông.
KẾT LUẬN
1. Nguyễn Bình Phương là một trong những gương mặt thi ca tiêu biểu của thế hệ nhà thơ Đổi mới thơ sau 1975. Thơ ông là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, bền bỉ với những tìm tòi, cách tân thi pháp mới mẻ. Bằng lối viết mang đậm dấu ấn cá nhân, ông đã chứng tỏ đầy đủ phong cách cá nhân riêng biệt, không trộn lẫn của mình. Trong thơ, Nguyễn Bình Phương đã kiến tạo nên một thế giới nghệ thuật hết sức độc đáo, nổi bật.
2. Nghiên cứu thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương, chúng tôi nhận thấy ông đã xây dựng được một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, có cấu trúc nội tại và quy luật vận động riêng với ba yếu tố cơ bản: Cái tôi trữ tình, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuậtvà hình tượng con người.
Cái tôi trữ tình là hình tượng trung tâm trong thế giới nghệ thuật thơ, chi phối sâu sắc đến mạch cảm xúc của toàn bộ văn bản và mang dấu ấn cá nhân của Nguyễn Bình Phương. Đó là một cái tôi mang những mỹ cảm khác thường, độc đáo, cái tôi ấy cảm nhận thế giới qua con mắt “độc sáng”, tìm thấy ở sự vật, hiện tượng những vẻ đẹp lạ lùng, nhìn ngắm thế giới bằng con mắt khám phá đầy hứng thú của người nghệ sĩ yêu cái đẹp. Đó còn là một cái tôi ưa hướng nội, suy tư, chiêm nghiệm về bản thể và cuộc đời. Cái tôi trữ tình hiện lên giống như một người khách lạ cô đơn, lạc loài, lang thang giữa thế giới này. Đó là một cái tôi luôn chiêm nghiệm về quá khứ, trăn trở về nghiệp cầm bút, khát khao sáng tạo và kiếm tìm cái mới. Máu, sự sống - cái chết, những dự cảm bất an trong cuộc sống luôn là nỗi ám ảnh day dứt, triền miên trong con người thơ Nguyễn Bình Phương. Ở đây, ta còn bắt gặp cái tôi trữ tình luôn chìm đắm trong thế giới của trực giác, tiềm thức, tâm linh. Trong thế giới ấy, cái tôi luôn chìm sâu vào thế giới siêu nghiệm, cái tôi vùi mình
trong bóng đêm để tìm kiếm bản thể, để tự đối thoại với chính mình trong những “âm động” tự nhiên nhất.
Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bình Phương là không gian gắn với những địa danh có thực của vùng núi Thái Nguyên – quê hương tác giả. Tuy nhiên, không gian này đã được nhà thơ hóa phép thành một không gian mơ, mộng với những ảo giác, ảo ảnh và không gian của những sự vật kỳ dị, khác thường. Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bình Phương là thời gian tuần hoàn của tự nhiên, cùng với nó là thời gian quy ước, thời gian ám gợi, liên tưởng, thời gian của thân phận con người – “khách của trần gian”. Sự xóa mờ những mốc thời gian cụ thể, xác thực trong thời gian nghệ thuật càng làm tăng thêm tính chất kỳ ảo, mơ hồ trong không gian thơ.
Hình tượng con người trong thơ Nguyễn Bình Phương là con người “xa thân” với các biến thể của nó như: con người ngủ, mơ; con người say; con người điên cũng được khắc họa với nhiều đường nét ám gợi, mơ hồ. Đây chính là trạng thái tinh thần “thống ngự” trong thơ Nguyễn Bình Phương.
3. Trên phương diện tổ chức văn bản, thơ Nguyễn Bình Phương đã có sự thể nghiệm thành công trên các mặt ngôn ngữ, kết cấu và bút pháp tạo hình. Về mặt ngôn ngữ, thơ ông dày đặc các từ láy, là các lớp từ chỉ màu sắc, trạng thái, cảm giác, tính chất và đặc điểm sự vật. Ông vận dụng kho từ láy phong phú của mình đồng thời sáng tạo ra nhiều từ láy độc đáo, kết hợp chúng theo hướng “lạ hóa”, “nghịch dị” nhằm tạo nên những sắc thái thẩm mĩ rất riêng. Ở kết cấu văn bản thơ, Nguyễn Bình Phương vận dụng linh hoạt các thao tác: làm “mờ hóa” cái tôi, đẩy biểu tượng lên bình diện thứ nhất của văn bản, thường xuyên tạo nên sự “đứt mạch” trong liên tưởng, diễn đạt đã làm cho văn bản thơ trở nên mơ hồ, ám gợi, khơi mở những liên tưởng đa chiều của độc giả. Trong những thể nghiệm về bút pháp tạo hình, Nguyễn Bình Phương đã vận dụng tối đa các biện pháp: tô đậm tính chất kỳ dị, lạ lùng của
sự vật; cách chuyển ý nhanh, đột ngột dẫn tới những liên tưởng bất ngờ, trái chiều; nhấn mạnh sự tương giao, chuyển đổi cảm giác, hình khối, đường nét, … giữa các sự vật, hiện tượng; làm nhòe mờ đường nét của sự vật, các thủ pháp cắt dán cùng các kỹ xảo mới lạ đã tạo nên một sắc thái riêng cho thơ ông, khó hòa lẫn với những nhà thơ khác.
4. Thơ Nguyễn Bình Phương đã có những tìm tòi, cách tân hết sức đáng chú ý trên phương diện thi pháp. Tuy nhiên, thơ ông cũng không tránh khỏi những hạn chế. Theo chúng tôi là những vấn đề sau: Thơ Nguyễn Bình Phương đôi khi mơ hồ, rối rắm, khó lý giải và cắt nghĩa theo lối thông thường. Hình tượng cái tôi trữ tình hiện lên trong thơ mang màu sắc bi quan, luôn luôn cô đơn và bị ám ảnh bởi những điềm xấu, đôi khi đem lại một ấn tượng hơi nặng nề. Kết cấu văn bản thơ chưa thực sự chặt chẽ, thiếu liền mạch, đôi khi rườm và rối, gây khó hiểu cho tiếp nhận. Một số hình ảnh, biểu tượng trong thơ ông còn trùng lặp, cách dùng từ ngữ nhiều khi cũng chưa thật tinh lọc.
5. Tuy nhiên, vượt lên những hạn chế đó, Nguyễn Bình Phương vẫn là một trong những gương mặt nổi trội của thế hệ nhà thơ sau 1975. Những tìm tòi thi pháp của ông cần được ghi nhận như một sự đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới thi ca Việt Nam đương đại và cũng phần nào nói lên hướng cách tân thơ độc đáo mang “thương hiệu” Nguyễn Bình Phương, điều không phải người cầm bút nào cũng có thể làm được.