Cái tôi có mỹ cảm khác thường

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 34 - 40)

Thơ truyền thống là mảnh đất của những vẻ đẹp thanh cao, diễm lệ - những vẻ đẹp của tự nhiên, của tạo vật mà ta có thể hình dung trong một thực thể sống động, dễ nắm bắt, dễ hình dung. Thơ thời chiến khai thác tối đa vẻ đẹp “toàn bích”, anh dũng của con người được ẩn tàng trong bom đạn chiến tranh. Vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước trong thơ, nếu có, chỉ là những lát cắt thuần thục, nhất quán, dễ hiểu, bị đóng khung trong những liên tưởng khô cứng. Cùng với hơi hướng của thơ cách tân, sự thay đổi trong tư duy sáng tạo nghệ thuật cũng làm biến màu những mỹ cảm xưa cũ

trở nên giàu ý nghĩa, tăng sự phiêu lưu của trí tưởng tượng, cái đẹp mang mỹ cảm mới mẻ, độc đáo.

Ta hãy xem mùa thu hiện diện qua con mắt Nguyễn Bình Phương trong bộ “xống áo” mỹ cảm mới:

Mang xống áo mùa thu Làm mùa thu

Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa Nhớ giấc ngủ mềm mại như bóng râm Chảy vào căn nhà đổ…

(Bài mùa thu đầu tiên)

Ở đây, thi nhân “cảm” mùa thu bằng xúc giác tinh nhẹ, một cảm giác da thịt nhẹ nhàng, mơn trớn. Chiếc áo mùa thu khoác lơi lả, gợi cảm giác bồng bềnh, thanh nhẹ như đang chìm đắm trong những mê man bất tận của giấc ngủ ngàn thu. Đó còn là một mùa thu được cảm nhận bằng dư vị mềm mại, nữ tính. Mùa thu đẹp, thuần khiết như một chất lỏng trong suốt chảy tràn vào từng ngóc ngách của cảnh vật “chảy vào căn nhà đổ”. Bài thơ này dường như không phải để đọc, nó để tan vào trong tâm hồn, sống dậy như những lời rủ rê tình tứ:

Mùa thu len lén ra khỏi cây

Đi nào, đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm. (Bài thơ mùa thu đầu tiên)

Du hành vào vũ trụ thơ của Nguyễn Bình Phương, chúng ta sẽ bắt gặp những hình ảnh, sự vật lạ lùng, đầy mê dụ. Nó khiến ta cứ mải miết mà chìm sâu trong đó khó thể dứt ra được. Với cách lý giải khác về hiện thực cùng nhãn quan kiến tạo độc đáo, nhà thơ đã nhìn thi giới bằng một mỹ cảm mới lạ, đầy mị hoặc: Qua con mắt khép hờ/ Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ/ Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc/…Người đeo kính hết mọi nhớ mong/

Những quên lãng lại hồi về trí nhớ/ Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ/

Trong giấc ngủ đầy mộng mị/ Trăng không thể bay ra…(Mắt)

“Con mắt khép hờ” giống như một cánh cửa thần kỳ ẩn chứa bao điều bí mật, nó thu hút ngoại giới chìm sâu, mê man trong đó. Cuộc du ngoạn này đã đánh thức giấc ngủ tiềm tàng của ký ức, sống dậy nó trong một “ban mai bàng bạc”“Con mắt khép hờ” (hay “con mắt khép nửa vời”) đã trở thành một công cụ thẩm mĩ đặc biệt, một thứ cầu nối để mở ra một thế giới khác, ở đấy, “mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ” và cũng ở đấy, “trong giấc ngủ đầy mộng mị/ Trăng không thể bay ra”… Trong khoảnh khắc, cái nhìn ấy đã làm lộ diện một thế giới khác, ẩn tàng sau bề mặt của thực tại” [44]. Thế giới ẩn tàng đó không có gì rõ ràng, tất cả chỉ là một bức màn hư ảo:

Trong ký ức không phải dòng sông không phải bình minh Không phải chú cá

Vàng

Như hoa mướp

Trong ký ức chỉ một vệt trườn

Giữa không trung đuôi dài uốn lượn. (Linh miêu)

Sự xuất hiện hình ảnh của những chú mèo trong thơ Nguyễn Bình Phương không đẹp theo dáng vẻ đơn thuần của màu và độ mềm mại của lông, màu mắt. Mèo – xuất hiện trong vai trò người xứ giả của bóng tối, cùng với ánh trăng, chúng hòa lẫn vào bóng đêm tràn trề bản năng hoang dã. Ẩn mình kín đáo trong một góc khuất của vô thức, Nguyễn Bình Phương lặng lẽ quan sát từng động thái của loài linh miêu, cảm nhận được cái nhẹ tênh không chút va động của chúng giữa không trung. “Nhà thơ, kẻ thăm dò ẩn mặt, kẻ phát hiện ra không có dấu vết của chú cá, dòng sông hay bình minh trong kí ức con mèo, mà chỉ có cái gì đang trơn trượt, một vệt trườn giữa không trung, giữa

hư không, dấu vết hữu hình trong cái vô hình, cái dấu vết không thể còn dấu vết” [59].

Ở một không gian thơ khác, người yêu, con mèo, ánh trăng giống như ba người bạn tâm giao nhưng lại không có bất kì mối liên tưởng nào. Người yêu, con mèo và ánh trăng mở lời trò chuyện, tương giao bằng cách “ho húng hắng”. Chỉ người trong cuộc mới hiểu được những tín hiệu thông tin đặc biệt ấy. Đó là “một cuộc trò chuyện thi vị giữa các sinh thể sống (con người, loài vật) và tạo vật thiên nhiên (ánh trăng) bằng ngôn ngữ riêng, thứ ngôn ngữ nằm giữa tiếng người và những âm động tự nhiên” [59]:

Người yêu tôi nằm cạnh một con mèo Cạnh một ánh trăng

Cả ba ho húng hắng.

(Mở lời)

Cái đẹp, đôi khi khó hình dung chuẩn xác trong chiều liên tưởng thông thường. Nó hiện diện trong một trạng thái ở giữa ranh giới thực và ảo, rõ nét và huyễn hoặc:

Nó đang ở cuối đường

Thân thể gầy còm vì chay tịnh

Mỏng, nhàn nhạt, sạch bong như chú mèo trung tính Trộn lẫn vào những muộn phiền luyến ái của ta.

(Khoảng giữa)

Ta tạm gán cho “nó” cái tên gọi – sinh thể. Nhưng là một sinh thể còn chưa chuyển hóa hết vào hư không mà “thân thể gầy còm vì chay tịnh”. Đến trạng thái “nó” đã buông sạch sẽ những dấu vết của đời thực thì nay “nó” đã mang một hình hài mới “Mỏng, nhàn nhạt, sạch bong như chú mèo trung tính”

Bên cạnh những câu thơ viết về vùng đất Linh Sơn hoang vu, hư ảo với đầy rẫy những điều kỳ dị, ta cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vùng đất cố đô trong mắt người con của núi rừng Thái Nguyên: Mở mắt/ Đã Tịnh Tâm/ Mưa gọi những đường cong hiển lộ/ Vậy là Huế đã làm anh ngờ ngợ/ …Trăm năm Huế ngực vần tròn và trắng/ Lụa còn bay cuồn cuộn như rồng… (Chớp mắt Huế).

Huế cổ kính, diễm lệ đã được thi sĩ cảm nhận bằng cái nhắm mắt “tịnh tâm”, buông lơi những cảm xúc hỗn độn, bon chen của cuộc sống và trở lại trong Huế những vẻ đẹp độc và lạ lẫm. Huế khơi mở đôi mắt tâm hồn nhà thơ, khiến ông “ngờ ngợ” Huế giống như một cô gái dịu dàng với những đường cong mê hồn - những đường cong mềm mại của cơ thể được mưa tạo hình đầy duyên dáng và e ấp. Câu thơ “Trăm năm Huế ngực vẫn tròn và trắng” đẹp cả về hình thể và ngôn ngữ, câu thơ có đường nét, hình dáng, màu sắc.

Sự sống luôn đẹp, tất nhiên, ai cũng không thể phủ nhận. Nhưng với Nguyễn Bình Phương, cái chết mới thực sự mang lại những trang thơ đẹp, đẹp trong nỗi ám ảnh triền miên day dứt: Chết làm ngôi sao đen/ Chết trên giường bình nhiên bí ẩn/ Chết không thở cùng hoa/ Thở cùng người đàn bà xa lạ…/ Ở trong khu rừng ma/Có những con hươu ma/ Chết nở một nụ cười sáng nhẹ/ Chẳng vĩnh biệt em chẳng tiễn biệt ai/ Từ tốn mơ màng/ Bông cải cúc ra đi (Nhẹ).

Trạng thái chết trong thơ Nguyễn Bình Phương được diễn tả bằng những ngôn từ đẹp, thanh, nhẹ và bí ẩn hay nói cách khác, “chết” đã được pha lọc qua con mắt của nhà thơ, nhìn trong một mĩ cảm hoàn toàn mới. Đây hẳn không phải là một trạng thái đông cứng, càng không phải là một trạng thái xa rời thực tại hiện tồn. Nó là một quá trình chuyển giao đầy mộng mị, hư ảo từ một thế giới thực tại sang thế giới siêu thực tại, từ hiện tại đến tương lai. Trạng thái chết không mang dư cảm nặng nề mà nhẹ, bí ẩn và hấp dẫn như

“thở cùng người đàn bà xa lạ”. Cái tôi ( hay cái chết – sinh thể có hồn) chìm sâu bên dưới bề mặt câu chữ “từ tốn mơ màng” trong “một nụ cười sáng nhẹ” muốn rũ bỏ khỏi mộng mị của những “con hươu ma”, “khu rừng ma”

để tan vào ngoại giới. Hình ảnh “bông cải cúc ra đi” gợi cảm giác nhẹ nhàng, dứt khoát.

Có khi, mĩ cảm khác lạ ấy dừng lại bởi một “cái rùng mình”:

Đồi

Cái rùng mình trên làn da thanh vắng Một điều bí ẩn hơn người…

(Những trận chiến cài hoa)

Ngay cả những âm thanh tưởng chừng như vô nghĩa (Tiếng lạ, tiếng rền) lại hiện lên sống động như tồn tại trong đó một thế giới trên từng trang thơ của Nguyễn Bình Phương:

- Thiếu phụ quay đi xanh mơ màng Bỏ lại hồ xanh thẳm

Tiếng xanh

Giữa vòm cây mận trắng Cơn sốt dậy sắc hồng run rẩy.

(Tiếng lạ) - Ông thầy lang áo vá

Đến thăm người bệnh ngắt hoa Giấc mơ còn có cuống

Những chiếc cuống run run Buồn heo may trúc lạ

Buồn vết chém hoang vu Chết trong nòng súng cỏ Những tiếng rền xa xa.

Trong Phía khác của mặt trăng, Nhã Thuyên nhận định: “Thế giới thơ của Nguyễn Bình Phương không phải là một hư cấu, nó là một hiện thực khác. Nó có hệ sinh vật riêng, vừa trùng khít với không gian sống của con người, vừa trở nên khác biệt” [59]. Thực chất, thế giới nghệ thuật này được gợi mở, khai sinh, kiến tạo từ một con mắt mỹ cảm độc đáo, khác lạ của cái tôi Nguyễn Bình Phương. Một cái tôi mang một quan niệm và cách nhìn khác lạ về hiện thực, đầy nhạy cảm, tinh tế, luôn bị ám ảnh bởi cái đẹp của những điều bí ẩn, lạ lùng, hư ảo, thậm chí kỳ dị trong cõi mơ hồ, bất định của trực giác, vô thức, tâm linh.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w