Dùng mơ mộng, tưởng tượng như một biện pháp tạo hình

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 119 - 121)

- Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi/ Đêm ấy đám người điên / Khơi lên ngọn lửa

6 Những bài thơ khác

3.3.3. Dùng mơ mộng, tưởng tượng như một biện pháp tạo hình

Thơ Nguyễn Bình Phương là một thế giới ngập tràn những mơ mộng, những ảo giác, tưởng tượng. Ở đó, thi giới luôn luôn hiện lên trước mắt người đọc với gam màu “mai mái một làn sương” và tràn đầy hư ảo. Mơ mộng và tưởng tượng có vai trò như một “đường dẫn” trong sáng tác của ông. Điểm nhấn trong thơ Nguyễn Bình Phương chính là sử dụng mơ, mộng như một biện pháp tạo hình đặc sắc.

Lạc trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương, độc giả như bị thôi miên bởi không khí ngập tràn những hư ảo, một thế giới được vẽ nên bởi lát cắt ảo huyền của giấc mơ: Tít phía chiều/ Chú bé gạt khói đến thăm tôi/ Chú vận chiếc áo mỏng/ Hơn cả làn nước trong/ Bàn chân cựa quậy đôi giày cỏ(Không tên).

Trong thế giới ấy, ông tưởng tượng ra chuyến viếng thăm của những linh hồn trẻ thơ. Chúng gặp gỡ, trò chuyện với nhau về những điều rất ngây ngô, hồn nhiên: Chúng mình cầm sen quất mông nhau/ Chạy xa những tiếng gọi/ Chúng mình ghét dép/ Ghét áo quần sạch sẽ (Khách). Thế giới lạ lẫm trong mắt chúng đều gợi lên trí tò mò: Tại sao có đêm/ Để phải ngủ?. Trong miền phiêu du của trí tưởng tượng, linh hồn những đứa trẻ hiện về trong những hình ảnh đầy ám gợi, day dứt. Chúng tụ lại bên nhau, về hát những khúc hoan ca – “Bài ca không của ai không của thế giới này”, hát cho chính sự cô đơn, bất hạnh của những đứa trẻ trên cõi trần ai nhọc nhằn: Chú bé bẻ cành làm ngựa/ Dưới tán lá cháy dở những đứa trẻ tụ nhau về hoan ca, /Bài ca không của ai không của thế giới này, /Những đứa trẻ hoan ca cho từng đứa (Khách).

Bút pháp của Nguyễn Bình Phương luôn men theo dòng chảy của những giấc mơ, những tưởng tượng không rõ ràng trong thơ ông thường bao trùm bởi màn sương mờ ảo. Ông ghi lại những phút trở về của con người từ thế giới bên kia

qua một giấc mơ với niềm hoài niệm xót xa, nuối tiếc: Giọt trăng nằm ngơ ngác hốc cây/ Se se gió thốc lòng đất ẩm/ Em ngậm cỏ chìm trong mơ thẳm/ Gặp chị về/ Cổ trắng mắt nâu(Ngóng chị).

Không chỉ tưởng tượng, mơ mộng đến sự trở về của những linh hồn thuộc thế giới bên kia, Nguyễn Bình Phương còn tưởng tượng ra một thế giới hiện tồn chỉ bằng những nét chạm khắc. Qua con mắt sáng tạo của người nghệ sĩ, Nguyễn Bình Phương đã làm sống dậy một thế giới sự vật, hiện tượng đầy sống động, ngập tràn cảm giác, nằm ngay trên mặt trống đồng. Thế giới ấy, những sự vật, hiện tượng, con người như mải miết chạy đua với nhau trong từng câu thơ: Trong gỉ sét họ vẫn mải giao hoan/ Âm thanh còn lẩn quất quanh đây/ Tráng sĩ cuống cuồng vung giáo/ Mùa xoay một vòng tròn hư ảo/ Đàn chim nối đuôi nhau… Ngoài kia, lá, những đội quân rực buồn/ Rùng rùng đổ xuống trần gian/ Bầy thú chạy lùi qua tiền sử/ Bỏ lại khoảng hư danh lấm lem...(Phiêu trên mặt trống đồng).

Đôi khi, Nguyễn Bình Phương sử dụng tưởng tượng, mơ mộng như một cách để miêu tả sự quẫy đạp, chuyển động dữ dội của thế giới. Tất cả đều được lồng ghép, đan cài trong những giấc mơ sắc nét: Một người mơ thấy gió/ Người ấy nôn nao thổi qua những bãi bờ/ Một người nữa thì mơ thấy lửa/ Người này thành đám cháy giữa mưa/ Một người be bé mơ thấy sóng/ Sóng trở mình xóa trắng mộng bể Đông(Ẩn dụ).

Những dấu hiệu của mơ, mộng, tưởng tượng xuất hiện dày đặc trong thơ Nguyễn Bình Phương. Mơ, mộng đã trở thành trạng thái phổ biến, một bút pháp tạo hình chi phối lối viết, cách hành văn và sử dụng phương tiện biểu hiện của thơ. Chỉ với những ý niệm rất đơn giản nhưng dưới cái nhìn siêu tưởng tượng, câu thơ ông đã được khoác lên những gam màu mơ hồ, khó hiểu, giàu ám gợi:

Phân chia bởi sắc màu Bên này tím bên kia là ẩn dụ

Giữa im ắng chợt nhói lên ánh sáng của thịt da Nhói lên tiếng rụng vỡ tan tành của quả…

(Chân dung khi trống trải)

Thao tác sử dụng mơ mộng như một biện pháp tạo hình cũng được Nguyễn Bình Phương vận dụng tối đa trong nhiều thi phẩm khác như: Tượng đá cầm gương, Nhẹ, Khách của trần gian, Cắt tóc, Buổi câu hờ hững, Chân dung khi trống trải, Từ đồng hồ chờ trên máy vi tính, Hành trình, Quanh quanh, Mình ta trước gương, …Đây cũng là một lối viết tạo nên sức hấp dẫn cho những câu thơ của ông.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 119 - 121)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w