Hình tượng không gian

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 53 - 66)

Hình tượng không gian hay không gian nghệ thuật là một khái niệm thuộc thi pháp học hiện đại được giới nghiên cứu rất quan tâm.

Trong giáo trình Dẫn luận thi pháp học, tác giả Trần Đình Sử cho rằng: “Không gian nghệ thuật là mô hình không gian của thế giới nghệ thuật và cũng là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật”. Trong thực tế, “không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, và bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật trong một khoảng cách, góc nhìn nhất định. Nhờ có điểm nhìn của chủ thể mà không gian có chiều cao – thấp, rộng – hẹp, xa – gần, sâu – cạn, … Có thể nói không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một phương diện nhất định của của cuộc sống” [52; 107 - 108].

Hình tượng không gian hay không gian nghệ thuật mang đậm dấu ấn chủ quan của chủ thể sáng tạo. Đó là không gian tinh thần của con người, là không gian sống mà con người cảm thấy. Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật còn là không gian mang tính quan niệm, tượng trưng. Điều này có nghĩa là chủ thể sáng tạo luôn tạo ra một không gian nghệ thuật để thể hiện một quan niệm nhất định của mình về con người, về thế giới.

Trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bình Phương, chúng tôi nghiên cứu không gian nghệ thuật ở ba khía cạnh: Không gian của những vùng đất thực, không gian của những giấc mơ và không gian tự nhiên khác thường.

Nguyễn Bình Phương là một người con sinh ra trên mảnh đất Thái Nguyên. Như một lẽ thường tình, quê hương đi vào trong sáng tác của ông rất tự nhiên. Thi sĩ đã dựng lên trong thơ của mình một không gian sống thực, tồn tại như nó vốn có. Đó là không gian của núi rừng Thái Nguyên gắn liền với những địa danh, những tên riêng có thực của vùng đất ấy như: Linh Sơn, Linh Nham, làng Phan, chùa Hang, gò Trẹo, cống Bù Rùm, Đội Cấn, đồi Phủ Liễu, chè Tân Cương, sông Cầu, sông Cái, …

Sự xuất hiện của những địa danh, tên riêng trên của đất Thái Nguyên đã giúp người đọc hình dung về một vùng rừng núi hoang vu, một vùng đất thiêng liêng ẩn chứa những điều kỳ ảo: Bầy ngựa phi tím tái lưng trăng/ Qua chùa Hang, làng Phan, gò Trẹo (Canh Ngọ); Lúc đó trên đồi Phù Liễu/ Chiều mang cơn u mê phủ khắp ngọn cây/ Le lói vài ba con bò gặm cỏ/ Lúc đó sông Cầu lừ đừ trôi dưới ánh thiên dương (Thái Nguyên)

Linh Sơn là địa danh được nhắc đến khá nhiều trong thơ Nguyễn Bình Phương. Trong từng trang viết của ông, Linh Sơn hiện lên với nhiều vẻ ảo mị, mênh mông, đầy mê hoặc:

Linh Sơn mênh mông,

Linh Sơn những rào mây xệch xoạc Hỡi ai mà bỏ trăng đi lác đác

Bỏ trăng đi ướt mướt cây vườn… (Cái bóng) Linh Sơn ở lại

Ở lại thằng bạn điên sớm tối chỉ cười Cống Bù Rùm ban trưa nghe rắn quấn…

Có khi, đó chỉ là một nét vẽ lướt qua nhưng cũng đủ làm sống dậy hồi ức về một vùng quê “trong veo” với lối sinh hoạt văn hóa lâu đời trong tâm thức người đọc:

Thị xã nhỏ và xám

Chợ mở phiên hai ba hai tám Nón lá trong veo

(Thái Nguyên)

Trong thơ Nguyễn Bình Phương, chúng ta không chỉ bắt gặp những địa danh thực của vùng đất Thái Nguyên mà ở đó còn có sự xuất hiện của nhiều địa danh ở Hà Nội như: Hồ Tây, sông Hồng, sông Ngân, hồ Dâm Đàm, cầu Long Biên, chùa Trấn Vũ, … Không gian thủ đô cũng được Nguyễn Bình Phương thổi vào đó một vẻ “mộng du”, tái hiện lại bằng những thước phim không đầu, không cuối, nhòe lẫn và lấp lánh những sắc màu kỳ lạ: Đêm Hàng Ngang rừng cháy/ Khi người dậy đất dậy trời/ Mây tái mặt buồn ra bốn phía/ Ngày Hàng Đào mộng du thung lũng hoẵng/ Ngây ngất sốt bàn chân nhà quê/…Hà Nội xích lô (Tới kinh thành); Em còn lạc bước những buổi sương mù/ Cầu Long Biên vắng sông Hồng hoang vu (Thời soi sáng); Trên phù sa sông Cầu với sông Hồng/ Vết chân cổ lấp lánh niềm hy vọng (Những thứ tự)…

Huế hiện lên dưới con mắt Nguyễn Bình Phương thật đậm đà, duyên dáng và như được dẫn dắt bởi những giấc mơ đẹp:

Có thể sông Hương chảy vì những giấc mơ Có thể vì giấc mơ mà Ngự Bình hóa núi

Cả tiếng dạ lành hiền trên bờ Phu Văn Lâu kia vì giấc mơ cũng nhuốm chút bùi ngùi -Rứa một mình anh vô Huế mơ chi?

Dù viết về vùng đất nào thì ngòi bút của Nguyễn Bình Phương cũng không ngăn được sự tiết ra từ ngòi bút những chất khói ảo đầy mộng mị. Đó là những không gian thực mang màu sắc chủ quan rõ rệt, nửa ảo, nửa thực, mênh mang, bí ẩn, kỳ lạ do chính Nguyễn Bình Phương tạo dựng lên.

Nguyễn Bình Phương có tài miêu tả về làng quê, về thị xã nơi ông sống. Đó là một vùng quê mang vẻ đẹp mông lung, huyền ảo được bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc, bầu không khí xanh xao, mỏng manh gợi cảm giác bí ẩn, kỳ dị. Bên cạnh đó, ông cũng tạo dựng trong thơ của mình một không gian rất đời thường của cuộc sống đô thị hiện đại với: những dãy phố con con treo đầy biển hiệu, hàng ngàn xe máy phóng như bay, lũ trẻ online, đám @ đánh võng, khuôn mặt công chức mệt mỏi, bàn giấy, những cuộc họp rạc dài, … Những hiện diện về cuộc sống đô thị trong thơ Nguyễn Bình Phương nếu có xuất hiện chỉ là những không gian tù túng, chật hẹp khiến con người mệt mỏi, chán chường, cô đơn.

Đó là căn phòng nơi cái tôi trữ tình trải nghiệm nỗi cô đơn, tự đối thoại với chính mình, suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người và về cái chết với bao trăn trở, hoài nghi, mặc cảm dồn nén trong một thân xác, một hình hài mới: Với hình hài của gió/ Mở một nẻo chênh vênh trên nóc phố/

Anh kín đáo đi xa hơn họ (Không đề nữa); Xa xôi trong căn phòng hẹp/ Bầy sẻ bay theo vệt sáng hoang hoang/ Nhịp thảng thốt như tin nhắn lạc/ Xa không chỉ từ thân xác/ Cái tổ ong nhỏ nhoi kết bằng ý nghĩ về nhau/ cũng quá đỗi xa xôi (Vời vợi xa)

Đó là không khí ngột ngạt, xô bồ của đô thị với hàng dài phương tiện chen chúc chật chội: Chênh chênh ánh đèn cốt/ Kiêu hãnh ánh đèn pha/ Trên phố dài xe máy reo vang lừng/ Những vòng quay chóng mặt/…Các chấm đỏ lại nôn nao xuất hiện/ Trong đường cua quái đản (Xe máy)

Buông mình giữa vòng quay của cuộc sống đô thị, chúng ta dường như nhìn thấy khuôn mặt đầy mệt mỏi của Nguyễn Bình Phương ẩn hiện giữa những khuôn mặt lạ lẫm kia. Sự cô đơn, bế tắc, mỏi mệt này kéo dài tạo thành một khoảng trống vô tận trong tâm hồn cái tôi trữ tình. Một cái tôi lạc lõng, hư vô giữa dòng người vô định:

Ngàn xe máy chở ngàn khoảng trống Phóng như bay vào nỗi chán chường

(Bâng quơ)

Cái tôi mệt mỏi, nhạt nhòa khao khát thu vào những khoảng trống, chế ngự sự vây tỏa của nỗi cô đơn, trống trải trong lòng:

Chiếc cầu cong đổ bóng tròn Xích các khoảng trống vào vô tận

(Chạm mặt)

Không gian đô thị những ngày nắng cũng được Nguyễn Bình Phương miêu tả bằng những ngôn từ giản dị, đời thường nhưng đầy ám ảnh. Độc giả dễ dàng bắt gặp những “khoảng trống thơ” của ông: Có thấy ngàn ngàn khoảng trống/ Áp vào một mẩu đời riêng (Một mùa hè mọi thứ áp vào nhau);

Một bầu trời phẳng lì/ Không mây không gì cả/ Tường chói tiếng nói chói/

Chói tấm biển chỉ đường ra ga/ Gương chiếu hậu quắc lên quái gở/ Hè phố vắng thành khoảng trống của thơ/ Gạch ngói rền vang bao cỗ máy (Miêu tả những ngày nắng)

Như vậy, qua từng nét vẽ trong thơ Nguyễn Bình Phương, không gian của cuộc đời thực đã hiện lên với muôn vàn hình ảnh, màu sắc, đường nét ấn tượng. Đó là một không gian có vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng, hư ảo, có vẻ hoang vu, thâm sâu, huyền bí của núi rừng Thái Nguyên và có cái chật hẹp của phố phường hiện đại. Không gian thơ ấy vừa cho thấy tài quan sát tinh tế của nhà thơ, vừa gợi lên hình ảnh một cái tôi mang nặng tâm

trạng cô đơn, mệt mỏi, chán chường với những khoảng trống không thể lấp đầy của tâm hồn.

2.2.1.2. Không gian của những giấc mơ

Khi bước vào thế giới thơ của Nguyễn Bình Phương, độc giả sẽ được đắm chìm trong một không gian mông lung, xa vời đầy bí ẩn với vẻ đẹp ma mị, được vẽ lên bởi những đường nét nhòe mờ, không đầu không cuối – không gian của những giấc mơ. Thực ra, “không gian của những giấc mơ” là một cách diễn đạt/ định danh mang tính quy ước, nó nhằm chỉ một kiểu không gian mang tính đặc thù trong thơ Nguyễn Bình Phương. Ấy là một không gian như được kiến tạo nên trong những giấc mơ không đầu không cuối, với dày đặc những ảo giác, ảo ảnh phi thực, lạ lùng, kỳ dị… Không gian ấy có thể có tên hoặc không tên, những cái tên hoặc xa lạ hoặc gần gũi, song chúng luôn được bao bọc, vây phủ bởi “tiểu vùng khí hậu” mơ, mộng đặc thù ấy.

Đó là vùng đất Linh Nham với khí núi hoang vu được nhấn chìm trong màn sương dày đặc, cái chuếnh choáng, ướt mướt của vầng trăng đêm hiện lên trong đêm tối thâm u cùng với tiếng vọng đầy “âm ỉ”, huyền bí của những quả đồi già: Ai rót rượu vào trăng/ Sương như mắt thiếu phụ về dĩ vãng/ Đêm/ Lang thang lang thang lang thang/ Ngực đồi già lau lách bỏ hoang/ Nghe trong đất lời tiên tri huyền bí/ Chẳng biết dữ hay lành/ Những vì sao âm ỉ (Linh Nham đêm).

Đó là không gian vùng Định Hóa ẩm ướt những tiếng nai kêu “tận máu” tĩnh lặng đến ghê rợn: Ừ nai kêu, nai kêu tận máu/ Trách làm chi/ Rừng ẩm/ Sương mù/ Sau mái lán một đốm vàng dần nhú/ Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng/ Và lẳng lặng(Ở Định Hóa).

Câu thơ cho ta cảm nhận được sự va động “mơ màng” của trăng. Không phải sự vỡ vụn, ồn ào, trăng vỡ nguyên trạng thái hiện thực của chính nó. Một mùi ẩm mốc, thối rữa của cỏ cây, động vật bốc lên trong không khí hòa lẫn với

mùi ngai ngái, lành lạnh của sương đêm càng tăng thêm sự rờn rợn của không khí nơi đây. Nếu hình ảnh mặt trăng, mặt trời hiện lên trong thơ Nguyễn Bình Phương với nhiều trạng thái kỳ dị: như ai rót rượu vào trăng, trăng vàng rên xiết, tiếng trăng va xuống cỏ, răng sao rụng như sung, …thì trong tiểu thuyết của ông, trăng cũng mang vẹn nguyên trạng thái kỳ dị, bất thường đó: “Vừa ra đời, Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt…Trăng không đi hình vòng cung lên cao. Trăng tiến theo đường thẳng, lừng lững áp lại. To bằng miệng giếng, bằng cái hủng, rồi trăng choán kín bầu trời. Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên riết” [40; 14 – 15].

Ngày đông là những lát cắt hư ảo, mông lung của cả người và cảnh trong đêm đông. Nó gợi chính xác không gian đầy ảo ảnh, mơ hồ ấy. Tôi hình dung tới những quả đồi âm u đầy sương, đầy mưa, những con người nhạt nhòa đi trong đêm tối: Những quả đồi lơ mơ tối/ Lơ mơ vạt cỏ gianh/ Ngôi nhà rét/ Chiếc cần giếng cong queo/…Ngoài chuồng trâu vọn tiếng cọ sừng/ Một người nựng con/ Phát con/ Rồi ru/ Một người xách đèn đi vào sương mù.

Vùng đất Linh Sơn hoang vu, vắng lặng, huyền ảo với những hình ảnh mơ hồ, kỳ dị trở đi trở lại rất nhiều trong thơ Nguyễn Bình Phương như một ám ảnh mặc định đối với bạn đọc:

Bãi tha ma Linh Sơn hoang vu Cây Cậm Cam rờn xám

Cơn sốt dậy sắc hồng quái dị… (Giờ sinh)

Cái bóng nhòa nhòa quẩn trong mơ Nhẹ thênh không va động

Linh Sơn mênh mông

Linh Sơn những rào mây xệch xoạc… (Cái bóng)

Từ Linh Sơn mưa ra một cụ già Gậy trúc đầu rồng

Chậm rãi tiến vào thị xã…

(Thái Nguyên)

Làng Phan dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Bình Phương cũng đầy vẻ kỳ dị, ma quái, ghê rợn với những bóng người lặng lẽ đi trong đêm tối:

Làng bao nhiêu gò đất/ Dáng nhà nằm thiêm thiếp dưới hơi trăng/ Điều gì kia/ Trú trớ / Rùng mình/ Khuya khoắt thế còn lội ngoài đồng vắng/ Vệt lân tinh nhẹ bẫng (Làng Phan). Khoảnh khắc rùng mình bí ẩn, tiếng “trú trớ” thoát ra từ miệng người ngủ mê giữa đêm khua khoắt, những vệt lân tinh sáng xanh kỳ ảo cứ loang ra trong bầu khí lạ càng làm cho không khí làng Phan như chìm trong nỗi ám ảnh, sợ hãi mơ hồ, bất định.

Không gian mơ hồ, xa xăm, đầy ám ảnh, kỳ dị và ma quái của làng Phan hay Linh Nham không chỉ xuất hiện trong thơ mà còn là không gian quen thuộc trong nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: Bả giời, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kì thủy, …

Trong Những đứa trẻ chết già, chúng ta bắt gặp “không khí ảm đạm và lưu cữu. Hoàng hôn trung du bao giờ cũng rề rà, mỏi mệt. Những quả đồi chầm chậm lùi lại, chầm chậm xuất hiện. Đôi chỗ chè hoang mọc xanh đậm lên tận chóp đồi. Hương chè nhả ra chát đặc” [34; 15]. Làng Linh Nham được miêu tả trong tiểu thuyết là làng của những người điên đêm đêm nắm tay nhau đi thành vòng tròn trắng đục ma quái. Cảnh vật Linh Nham luôn luôn như chìm trong ao Lang “thì thầm đen thẫm như mặt người câm”, không khí trong làng lúc nào cũng nghi ngút “cuồn cuộn hương khói” của mùi hương trầm tỏa ra từ ngôi miếu thờ của dì Lãm, gốc si già đêm đêm rì rầm tiếng nói chuyện của những hồn ma và thi thoảng lại thấy một vài bộ xương người hiện hình, nơi đó người làng dù chết ở nơi đâu cũng lần lượt tìm về. Đó là ngôi làng vây bọc bởi sự kì bí của con sông Linh Nham “ẩn hiện chẳng khác gì con rắn khổng lồ đang

trườn giữa rừng cây um tùm” đêm đêm gào thét, sự xuất hiện của con Nghê bí ẩn, … Rõ ràng, kiểu không gian này đã ám ảnh tâm thức và trở thành đặc trưng tư duy nghệ thuật về không gian của Nguyễn Bình Phương ở cả địa hạt thơ và tiểu thuyết.

Cái tài của Nguyễn Bình Phương ở đây chính là ông đã kiến tạo một thế giới đầy những ảo ảnh, chập chờn, vụt tắt, một thế giới tồn tại như chính nó mà không phải là nó, hữu hình mà vô hình, hư mà thực. Tất cả đã tụ lại trong từng câu thơ ám ảnh, quái dị: Rừng chết chìm khi mặt trời dội nắng/ Qua tháng này xe ma sẽ đến/ Đôi rồng bay lồng lộn bụi trần/ …Nơi ấy tháp nhà thờ đen chuông cầu nguyện/ Ai mở vòng tay sáng xanh kỳ ảo/ Đón bầy người hốc hác/ …Ao lang câm rờn rợn/ Đêm ra nghi ngút hơi người (Bước khởi đầu nan)

Một thế giới trong trí tưởng tượng hay những ảo ảnh vụt hiện trong đầu đã được Nguyễn Bình Phương ghi lại. Hệ sinh vật trong thơ ông như bị tiêm nhiễm bởi một chất độc ma quái, chúng biến thành những linh hồn nhòa nhòa, những bóng ma èo uột, xanh xao:

- Bầy ngựa phi

Hồi chuông đen mượt

Lam chướng mọc lên ngun ngún mép thềm Mái lạnh đền thiêng lặng đứng

Cây hay người Rưng rưng

(Canh ngọ) - Xa xa đền trống

Nghê già thấp thoáng Lưng phủ đầy rêu Mắt tròn lá mục Cười xô vào đâu?

Sự xuất hiện của con người càng làm tăng thêm tính chất kỳ dị, ma quái

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 53 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w