Năm 1986, công cuộc đổi mới văn học chính thức bắt đầu. Bên cạnh phong trào Thơ mới 1932 – 1945, đây cũng có thể được coi là một cuộc cách mạng trong văn học. Những đổi mới quan trọng năm 1986 đã “cởi trói”, giải phóng năng lượng sáng tạo của các nhà thơ, giúp các thi sĩ có điều kiện trở lại chính mình theo đúng quy luật nội tại của nó.
Thơ Việt Nam sau 1986 cách tân mạnh mẽ và đáng kể trên nhiều phương diện. Trước hết phải kể đến sự xuất hiện của thế hệ nhà thơ đổi mới với nhiều phong cách đa dạng và những cách tân thi pháp đặc sắc. Quan niệm về bản chất thơ ca của thơ Việt Nam sau 1986 cũng có nhiều thay đổi. Trong văn học trung đại, thơ ca để chở đạo, giáo huấn đạo lý, thơ ca hiện đại ngoài chức năng xã hội, chức năng giáo dục, thơ ca còn đề cao chức năng thẩm mỹ. Ở thơ ca đương đại, thơ vẫn là địa hạt của cái thanh cao, diễm lệ, mỹ học thơ thể hiện sự tín nhiệm về cái đẹp đến giới hạn của tính thiêng. Sự đổi mới về bản chất thẩm mỹ của thơ ca sau 1986 thể hiện rất rõ ở việc: các thi sĩ đương đại luôn kiếm tìm nguồn sống mới, khai thác sâu hơn vào những tầng vỉa của đời sống tâm linh, vô thức, những ẩn ức khuất chìm trong vùng tối của bản năng sống, bản năng người, …Với quan niệm này, đề tài và chủ đề của thơ sau 1975 trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Quan niệm tư tưởng sáng tạo thay đổi, tất yếu kéo theo sự thay đổi về hình thức, ngôn ngữ, bút pháp tạo hình… Nhiều kỹ thuật viết hiện đại, các khuynh hướng văn học mới trên thế giới được các nhà thơ mạnh dạn
vận dụng và tiếp thu, tạo nên những cách tân mang tính đột phá trong thi pháp thơ.
Thơ trước đổi mới 1986, đặc biệt là thơ sau 1975 thường xây dựng hình tượng con người anh hùng kì vĩ, có tầm vóc lớn lao, mang tính sử thi, đại diện cho dân tộc thì thơ sau 1975 thường quan tâm đến con người với những lo toan thường nhật trong cuộc sống. Thơ hướng về hiện thực với những bề bộn, phức tạp như nó vốn có. Đồng thời, thơ cũng tập trung đi sâu vào thế giới bên trong tâm hồn con người những chiêm nghiệm, suy ngẫm về thế giới. Cùng với xu hướng đưa thơ về gần với hơi thở của đời sống là xu hướng đi sâu vào vùng vô thức của con người, gia tăng “chất ảo” trong thơ buộc người đọc phải giải mã các tín hiệu nghệ thuật qua nhiều tầng liên tưởng khác nhau.
Như vậy, những đổi mới về thi pháp trong thơ Việt Nam sau 1986 đã mang lại cho thơ một diện mạo mới, tạo cơ sở xuất hiện nhiều cây bút sáng tạo với những thể nghiệm xuất sắc.