Cái tôi chìm đắm trong trực giác, tiềm thức, tâm linh

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 47 - 53)

Thơ Nguyễn Bình Phương không phải là lối mòn dễ đi, cũng không phải một bài toán có sẵn những lời giải đáp. Thơ ông là một thế giới chưa bao giờ khám phá hết của cái tôi – thế giới trực giác, tiềm thức, tâm linh.

Tiềm thức là vùng sâu thẳm trong tâm hồn con người mà bản thân người ấy không ý thức được. Đó là sự ghi nhớ một cách vô thức những trải

nghiệm của cuộc đời, giúp ta nhìn và cảm nhận những việc chúng ta đã từng làm. Tiềm thức vận hành từ những ký ức sâu kín nhất mà cấp độ ý thức không thể nhận biết. Nói một cách đơn giản, tiềm thức chính là sự “phiên dịch” của ý thức, tất cả những gì ta cảm nhận, nghe, nhìn và ngửi đều được tổng hợp lại và tiềm thức giữ lại chúng.

Trực giác là sự nhận thức trực tiếp bằng cảm tính, không thông qua suy luận, tư duy của lý trí. Người nghệ sĩ luôn mang trong mình bản ngã sáng tạo nhờ khả năng thiên bẩm. Đứng trước một đối tượng nghệ thuật, khi cảm hứng dâng trào, họ có thể nảy sinh một nhận thức ngẫu nhiên (nhưng chính xác) về đối tượng ấy mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của lý trí. Đây chính là yếu tố trực giác trong sáng tạo nghệ thuật.

Tâm linh là một phần đặc biệt trong đời sống tinh thần con người. Theo tác giả Nguyễn Đăng Dung trong cuốn Văn hóa tâm linh: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng, cao cả ấy đọng lại ở những hình ảnh, biểu tượng, ý niệm” [5; 12]. Một số tác giả khác cho rằng tâm linh “thường được hiểu như đời sống tinh thần đầy bí ẩn của con người, đối lập với “ý thức” kiểu lý tính thuần túy. Nó bao gồm cái phi lý tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú “có thể nhấn mạnh phần trực cảm, linh giác, những khả năng bí ẩn” (nhưng vẫn có ý thức của con người).

Có thể nói, trực giác, tiềm thức tâm linh là biểu hiện tính trội của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Thơ nếu thiếu đi tư duy trực giác, tiềm thức, tâm linh thì sẽ hời hợt, khó nắm bắt thế giới trong tính “toàn nguyên” của nó, và do vậy, hạn chế nhiều chiều suy tưởng.

Cái tôi trong thơ Nguyễn Bình Phương luôn chìm đắm trong thế giới tâm linh với những mộng mị, hư ảo, những hình ảnh nhòe lẫn ẩn hiện của cảnh vật trong màn sương. Tại đó, cái tôi tự do thả hồn mình phiêu dạt trong

thế giới khác lạ: Nai kêu/ Rừng ẩm ướt/ Sương mù lên che ngang mặt cây/ Đá rì rầm rì rầm bên suối/ Điếu thuốc lập lòe con mắt thú rừng ơi/ Sao tán cọ tơ non rười rượi thế/ Sao nửa muốn choàng ôm/ Nửa thu mình lặng lẽ (Ở Định Hóa); Con đom đóm về/ Cây Cậm Cam về/ Về/ Tất cả/ Để lại hằng hà vết chân mờ sáng/ Ngược đường máu chảy(Giờ về).

Câu thơ gợi những liên tưởng về một thế giới trong tâm linh, vô thức với hằng hà sa số những con đom đóm, những cây Cậm Cam. Chúng không còn tồn tại trong vỏ thể xác vô nghĩa mà trở về bằng những linh hồn mong manh, hư ảo. Dấu vết chúng để lại trên cõi này chỉ còn là những “vết chân mờ sáng”. Những hình ảnh hư hư, thực thực đầy huyền ảo, kỳ lạ ấy hiện lên dày đặc trên từng trang thơ của Nguyễn Bình Phương. Chúng đan kết lại tạo thành một tấm màn mờ sương giăng mắc khắp mọi ngóc ngách tâm hồn của cái tôi. Cái tôi vì thế chỉ có thể chìm sâu trong ấy mà chiêm nghiệm, mà suy tư: Linh Sơn có giếng mắt rồng/ Có cô Chín thượng ngàn ẩn trong ngôi miếu cổ/ Đêm Linh Sơn vía bỏ nhà đi/ Vía bị con chuồn chuồn dỗ cõng qua sông/ Xác xơ cỏ hóa trên đồng (Khách); Ngôi sao chiếu mệnh đền Đội Cấn/ Sáng âm u dải khói lam chiều/ Từ Linh Sơn mưa ra một cụ già/ Gậy trúc đầu rồng/ Chậm rãi tiến vào thị xã/ Không có phép màu xảy ra/ Không có phép màu xảy ra(Thái Nguyên).

Thế giới ấy một khi bước vào, mọi ranh giới thông thường của sự vật bị xóa nhòa, thực - ảo, phi lý – hợp lý, tồn tại – biến mất không phân định, chỉ còn lại những đường biên được vẽ lên bởi tiềm thức, trực giác: Một thúng nắng/ Một thúng mưa/ Một thúng vừa mưa vừa nắng/ Ba bà thong dong đội lên chùa/ …Nào ai nghĩ sư ông đi vắng/ Chú tiểu ngồi hí hoáy đánh bi (Dằng dặc); Bà già lưng còng/ Bà già lưng còng không sinh được người thì sinh ra ma/ Ma về qua ngõ/ Làm đời thanh xuân/ Ma Cà Rồng đi hoang/ Ma Chơi

nhàn nhã, ma Đồng ru em/ Lúc ấy chim héc bay qua/ Cậm Cam vào mùa chín (Khách)

Khi cái tôi luôn đắm chìm trong trực giác, tiềm thức, tâm linh, nhà thơ nhận ra “thế giới tâm hồn của con người thật không đơn giản mà chứa đựng những quằn quại, giằng xé, giông bão, rối bời” [31; 115]. Chỉ có trong màn đêm, cái tôi mới thực sự tìm được chính mình, bộc lộ được hết bản thân mình:

Tin vào đêm

Không tin vào bóng tối

Những ngôi đền rụt rè sáng cùng tôi. (NBP)

“Đêm” chính là khoảnh khắc giao thoa của cõi tâm linh, vô thức, tiềm thức. Chỉ trong “đêm”, cái tôi mới có thể nhẹ nhàng mà hòa lẫn với ngoại giới trong một nhất thể sống động, đa chiều. Chỉ trong “đêm”, cái tôi mới cùng trò chuyện với sự vật bằng những âm động tự nhiên, thuần khiết nhất, những tiếng nói từ thẳm sâu tâm linh. Nó khác hẳn với bóng tối đầy ma quái, u mê của thế giới đen tối bên kia. Cái tôi mê đi trong thế giới mông lung của tiếng nói vang lên từ những giấc mơ, cất lên giữa nhập nhòa đêm tối rồi đột nhiên “tự sáng”: Anh đã tới chỗ ấy/ Đã gặp cái vầng trăng mươn mướt của anh/ Nó ngồi đó, một mình, không cô đơn/ nhưng tràn trề tĩnh lặng/ Nó tự sáng hay em làm nó sáng (Nói với em từ trống trải). Cái tôi bước vào thế giới tiềm thức, tâm linh của chính mình với vầng trăng đầy ảo mộng trong thế giới ấy và cảm nhận trọn vẹn sự tĩnh lặng của cô đơn. Xung quanh nó toát ra một thứ ánh sáng khiến sự vật xung quanh phải mịt mù, không rõ ràng, mơ hồ.

Cái tôi trữ tình luôn chìm đắm trong tiềm thức, hồi tưởng về quá khứ xa xăm, về một “nàng” mĩ nhân mang vẻ đẹp bí ẩn, ma mị: Nàng tới khi nào/ Nàng đi khi nào/ Sao nàng gửi nhan sắc mình vào nước để đời sau bấn loạn (Ngỏ lần thứ nhất). “Nàng” xuất hiện trong một không khí thiêng liêng, bí ẩn,

đầy hồi ức, mộng tưởng đẹp nhưng đầy đau đớn, ám ảnh – không gian được tạo dựng lên bởi những phép màu:

Dưới bóng đàn dơi Nàng đã chết

Nhưng trái tim còn đập nơi xa Gót sen còn dạo chơi muôn nẻo…

(Ngỏ lần thứ nhất)

Có khi, cái tôi lại lặng lẽ trở về với một miền tâm linh, vô thức xa vời. Nơi đó hiện lên những tàn khốc của chiến tranh, những đau thương, mất mát. Những điều này hiện lên thật rõ nét, sống động, xé toạc sự mờ ảo, nghi ngút của khói hương. Cái tôi như một sợi dây kết nối hiện thực với thế giới tâm linh huyền bí phía bên kia: Đừng nhắc nữa những đường lê bỏng cháy/ Vết thương đã trút lại cõi trần/ Đừng khói hương nhiều làm họ lẫn/

Bình yên không cần bóng bồ đề/ Họ là cây bồ đề mênh mông không tuổi (Trên đồi cao)

Chìm đắm trong trực giác, tiềm thức, tâm linh, Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng nên trong thơ ông một không gian thiêng liêng, một thế giới của thần thánh, tin vào sự ngự trị của những đấng siêu hình. Những hình ảnh:

chùa Hang, Tịnh Tâm, Thiền Quang, động tiên, ngôi miếu cổ, đền thiêng, con ngựa thần, sư ông, chú tiểu, cô Chín thượng ngàn, cổ nhân, bước chân hành khất, tiếng chuông, đêm thánh địa, vòm tháp, ngọn tháp nâu trầm, ...càng tăng thêm vẻ ma mị, tính chất tâm linh cho không gian thơ Nguyễn Bình Phương. Ngay bản thân nhan đề các tác phẩm của nguyễn Bình Phương cũng mang đậm màu sắc tâm linh linh thiêng: Khách của trần gian, Linh miêu, Chốn xa

người, Trò thiêng, Luân khúc, Linh Nham đêm, Biền biệt, Khách, Chớp được, Con đường bí mật, Thời soi sáng, Tiếng rền, …

Nhận chân giá trị sự sống, Nguyễn Bình Phương hướng suy nghĩ đến những miền siêu tưởng:

Sông Hồng đê mê hóa một nén hương Dẫn ý nghĩ về nơi không thể biết…

(Bài thơ cũ)

Nén hương là một trong những biểu tượng của đời sống tâm linh. Sông Hồng biến mình thành một nén hương là phép liên tưởng độc đáo của Nguyễn Bình Phương. Sông Hồng khi uốn lượn quanh co, khi vươn mình thẳng tắp. Sông Hồng là nén hương thân thẳng đứng nhưng khói từ đầu hương uốn lượn, vây tỏa ra nhiều hướng khó nắm bắt. Sông Hồng cũng là một biểu tượng của văn hóa. Nó đi vào tâm thức người Việt như một thành tố văn hóa trường tồn vĩnh hằng với thời gian. Nhìn sông Hồng chảy con người ta thấy được cái vô biên của đất, cái vô định của trời, cái vô cùng của lòng người. Sự chảy trôi của sông Hồng hay nén hương đang cháy gợi lên cái mong manh của kiếp người, cái mênh mang của lòng người và tiếng vọng về thì thầm dưới những vỉa tầng đất sâu thẳm của quá khứ, hiện tại, tương lai. Con sông và nén hương tưởng chừng là những liên tưởng không ăn nhập, rời rạc nhưng hóa ra lại gần gũi đến vậy. Con mắt nghệ sĩ của Nguyễn Bình Phương phải thật tinh tế mới nhìn ra được những mối liên hệ này.

Màu sắc tâm linh trong thơ Nguyễn Bình Phương rất đậm nét và phong phú. Đó là tiếng kêu dài thoát lên giữa cuộc sống đô thị đầy rối ren, những tiếng vọng về của vô thức, tiềm thức, tâm linh gợi một niềm suy tư thầm kín. Tiếng vọng ấy đưa con người trở về với bản nguyên thuần khiết của mình,

thanh lọc tâm hồn thi sĩ. Một cái tôi thơ ca mạnh về trực giác, tiềm thức, tâm linh như vậy chính là điều kiện giúp nhà thơ đi sâu vào nhiều góc khuất của tâm hồn, những xúc cảm đa chiều, tinh tế. Thơ Nguyễn Bình Phương có sức hút cũng vì lẽ đó.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 47 - 53)