Thường xuyên tạo nên sự “đứt mạch” trong liên tưởng, diễn đạt

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 110 - 113)

- Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi/ Đêm ấy đám người điên / Khơi lên ngọn lửa

6 Những bài thơ khác

3.2.3. Thường xuyên tạo nên sự “đứt mạch” trong liên tưởng, diễn đạt

Phần lớn thơ Nguyễn Bình Phương rất khó “cắt nghĩa” theo lối thông thường. Thơ ông thường xuyên xuất hiện sự “nhảy cóc” và “đứt mạch” trong liên tưởng. Điều này trở thành một thách thức lớn đối với độc giả trong việc khám phá thế giới thơ của ông.

Những hình ảnh trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương luôn biến đổi, chuyển hóa liên tục từ trạng thái này sang trạng thái khác tạo cảm giác kết cấu các văn bản trên bề mặt rất lỏng lẻo: Những quả đồi lơ mơ tối/ Lơ mơ vạt cỏ gianh/ Ngôi nhà rét/ Chiếc cần giếng cong queo/ Và gió…/Gió đã từng đến reo/ Em đã từng thờ ơ hoa trắng…/ Ngoài chuồng trâu vọng tiếng cọ sừng/ Một người nựng con/ Phát con/ Rồi ru/ Một người xách đèn đi vào sương mù (Ngày đông). Bài thơ không có mối liên hệ nào giữa: những quả đồi, cỏ gianh, ngôi nhà rét, gió hay tiếng cọ sừng vọng từ chuồng trâu, …nhưng lại mang đến những hiệu ứng thẩm mĩ sinh động, hấp dẫn. Tác giả đã dựng lên trong bài thơ một “phân cảnh rời rạc”, không đầu, không cuối, các hình ảnh chỉ tồn tại trong bài thơ như một cách “giữ chỗ” trên văn bản. Cách tổ chức, sắp xếp hình ảnh làm cho mọi sự liên tưởng đều bị đóng băng. Bài thơ còn gây ấn tượng với độc giả bởi những tính từ miêu tả: quả đồi lơ mơ tối, lơ mơ vạt cỏ gianh, cần giếng cong queo… Nó đã dựng lên đầy đủ và chính xác khung cảnh yên tĩnh, lặng thinh, tẻ nhạt, mỏi mệt của cảnh vật ngày đông. Trong đêm, tiếng “cọ sừng” của con trâu nào đó, tiếng “một người nựng con” vọng lên càng tăng thêm sự lạnh giá, tê mê, tĩnh lặng của cảnh vật. Hình ảnh“một người xách đèn đi vào sương mù” gợi lên trạng thái cô độc, bất an của con người giữa thiên nhiên.

Sự chuyển kênh đột ngột của các hình tượng thơ và việc đặt những sự vật xa nhau cạnh nhau để xây dựng những hình ảnh thơ lạ, gợi cảm giác đã tạo nên nét riêng biệt trong thơ Nguyễn Bình Phương:

Người yêu tôi nằm cạnh một con mèo Cạnh một ánh trăng

Cả ba ho hung hắng.

Nét hấp dẫn của hình ảnh thơ chính là kết quả của sự cảm nhận sâu sắc vào bản chất thế giới. Với Nguyễn Bình Phương, sự hấp dẫn này không nằm ở mối gắn kết giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới mà đó chính là sự mơ hồ, khó cắt nghĩa của sự vật trong vòng quay rời rạc, “đứt mạch” liên tưởng. Nhà thơ hoàn toàn triệt tiêu các mối liên hệ logic giữa các hình ảnh, thể hiện một tư duy thẩm mĩ độc đáo: Thế rồi đất xám làm cây ngã / Lũ trẻ nhọc nhằn hóa bướm đêm/ Ô tô bỏ chạy sau đuôi ngựa/ Già lão ngồi chờ mẹ trong vườn(Khảo dị).

Đọc thơ Nguyễn Bình Phương, người đọc không nên cố gắng tìm cách hiểu thơ ông, cũng không nên tìm một sợi dây liên tưởng chung cho cả bài thơ. Đó chỉ là một thao tác vô nghĩa. Bởi lẽ, thế giới thơ của ông được xây dựng bằng nhiều viên gạch với nhiều chất liệu khác nhau. Không có sự liên tưởng nào giống nhau, không có một mô hình chung cho tất cả bài thơ. Thơ ông buông bắt, xa lạ, “đậu xuống” rồi lại “bay”, hữu hình lại vô hình:

Chim

Trong phép màu khó hiểu Bay và đậu xuống

Rồi lại bay

Mình ta trước gương.

(Hóa hình)

Câu thơ “mình ta trước gương” không nằm trong mối liên tưởng của những câu thơ trên nhưng lại tạo nên một sự ám gợi, liên tưởng mơ hồ. Có cái phân vân của cánh chim, có cái nhìn thảng thốt, nhẹ bẫng, xa vời của chủ thể trữ tình. Thơ Nguyễn Bình Phương vì vậy là sự chuyển động khó hiểu, một sự ám ảnh dai dẳng. Nó đến từ những hình ảnh về sự vật không có mạch liên tưởng để diễn đạt nhưng vẫn lôi cuốn ta chìm sâu vào đó: Và họ ru mắt cá chân của họ/ Cái ngủ dịu dàng ôm ngang lưng cái chết/ Những lưỡi cưa tán

tính những thân cây bằng nụ hôn mê mệt/ Nụ hôn sinh ra một lối mòn/ Họ vẫn ru mắt cá chân của họ(Vọng từ giá sách).

Sự “đứt mạch” trong liên tưởng, diễn đạt ở thơ Nguyễn Bình Phương đến từ một cảm quan nghệ thuật mới về thế giới. Ở đó, ông đã sáng tạo nhiều hình ảnh thơ lạ, hấp dẫn, mở ra một thế giới tưởng tượng đánh thức những xúc cảm tiềm ẩn trong đời sống tâm hồn của con người: Ngoài kia Cây cầu với mặt trăng cùng sáng/ Những dải dài yên ả/ Đã buông rèm dọc theo triền sông/ Em và ngày tháng / Đi biền biệt vào trời/ Con ngựa gỗ ốm rồi/ Kỷ niệm cũ hình như cũng thế/ Hoa vẫn thức chờ ta chỉ giấc mơ là ngủ (Thầm).

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 110 - 113)