Đẩy biểu tượng lên bình diện thứ nhất của kết cấu nhằm tô đậm tiếng nói tự thân của biểu tượng

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 107 - 110)

- Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi/ Đêm ấy đám người điên / Khơi lên ngọn lửa

6 Những bài thơ khác

3.2.2. Đẩy biểu tượng lên bình diện thứ nhất của kết cấu nhằm tô đậm tiếng nói tự thân của biểu tượng

đậm tiếng nói tự thân của biểu tượng

Hòa nhịp với xu hướng chung của nhiều nhà thơ hiện đại, Nguyễn Bình Phương cũng đặt sự chú ý của mình vào tổ chức cấu trúc chỉnh thể của văn bản thông qua việc xây dựng hàng chuỗi biểu tượng. Trong kết cấu văn bản thơ, các biểu tượng được ông xây dựng trong thơ đều được đẩy lên bình diện thứ nhất, từ đó tiếng nói tự thân của biểu tượng được tô đậm. Hệ thống hình tượng trong thơ Nguyễn Bình Phương rất đa dạng, được khắc họa sinh động dưới ngòi bút của ông.

Sự tưởng tượng trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương đầy sức cuốn hút, nó mở ra những cảm giác lạ tồn tại ngay bên cạnh cuộc đời phàm tục của con người. Qua cánh cửa là “đôi mắt”, “mặt trăng” thực hiện cuộc lãng du của

mình xuyên qua giấc ngủ, cuối cuộc hành trình của mặt trăng, nó “gặp một “ban mai bàng bạc”. Và cũng ở đó, nữ sĩ Hồ Xuân Hương “dựng nhà bằng những cơn mưa”: Qua con mắt khép hờ/ Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ/

Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc/…Người đeo kính hết mọi nhớ mong/

Những quên lãng lại hồi về trí nhớ/ Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ/

Trong giấc ngủ đầy mộng mị/ Trăng không thể bay ra…(Mắt).

“Mắt” (hay “con mắt khép hờ” hoặc “con mắt khép nửa vời”) là biểu tượng độc đáo, là cánh cửa mở ra một thế giới mới với vô số điều lạ lùng, bí ẩn. Mắt đã trở thành “một công cụ thẩm mĩ đặc biệt, một thứ cầu nối để mở ra một thế giới khác”. Nói như nhà phê bình Lê Hồ Quang: “ Trong khoảnh khắc, cái nhìn ấy đã làm lộ diện một thế giới khác, ẩn tàng sau bề mặt của thực tại. Trong khoảnh khắc, nó loại bỏ và tạo dựng, kiến thiết và phá hủy, kết hợp và xếp đặt lại tất cả hình ảnh hiện thực, biến chúng thành một “thực tại mộng mị”, hoang ảo mà sắc nét, bị/được chế ngự bởi một sức mạnh nội tâm mãnh liệt và dị thường. Điều đáng nói là giữa chủ - thể - của - cái - nhìn và thế giới - được - nhìn - thấy ấy không tồn tại tách biệt, đối lập mà tồn tại trong sự giao hòa và chuyển hóa” [44]. Có thể khẳng định, đây là biểu tượng mơ hồ, đa nghĩa, đầy sức ám gợi trong thơ Nguyễn Bình Phương.

Qua con mắt thẩm mĩ độc đáo, nhà thơ đã nhìn thấy vô số điều tưởng chừng như rất đơn giản, mộc mạc nhưng lại mang tính biểu trưng rõ nét.

“Những ô cửa sổ nghiêng” là hình tượng như vậy: Tôi chờ em bên hàng rào trường cũ/ Lớp học mở ra những ô cửa sổ nghiêng/…Rằng khu trường ngày càng lầm lụi/ Những ô cửa sổ nghiêng vẫn mở/ Vô số bầu trời bí mật lại trôi qua(Tự sự và những ô cửa sổ nghiêng).

Nguyễn Bình Phương nhìn cuộc đời bằng một con mắt lạ, đảo chiều hiện thực. Ở đó, ông nhìn thấy những ô cửa sổ nghiêng nghiêng, xiêu vẹo đi

vì nặng gánh những hồi ức. “Những ô cửa sổ nghiêng” là hình ảnh đậm tính biểu tượng, nơi chứa đựng những bí mật xa xưa, những ký ức nhòe mờ nhưng hiển hiện trong những đường nét sống động. Đó là vật chứng thời gian cho những mối tình hư không, những tình cảm ngây thơ chớm nở của tuổi học trò. Thế giới ngổn ngang, hỗn loạn trên bàn cờ cũng được nhà thơ Thái Nguyên khắc họa rõ nét qua Ngoài cờ:Tốt mới chạm mép sông sông nổi sóng hàng hàng/ Trong sóng hiện triệu linh hồn u uẩn/ Triệu linh hồn nằm mê man trên hoa/ Chúng ta lặng lẽ về biển cả/ Này con xe phong trần đi dọc ngang thiên hạ/ Đạp chân lên giấc ngủ đôi sĩ gầy… Cùng với việc xây dựng hình tượng những quân cờ: con pháo, con mã, con tốt, con xe, con tướng, …bài thơ đã dựng lên một thế cờ tàn mà ở đó các quân cờ đều ẩn chứa những lo âu, thấp thỏm, rủi ro và bất trắc. Bên ngoài những quân cờ kia phải chăng là những khuôn mặt, những số phận người và những bi kịch khác nhau đang trường mình ra giữa ván bài cuộc đời?

Dấu hiệu của cuộc sống đô thị hiện đại đã đi vào thơ Nguyễn Bình Phương với những sắc thái rất tự nhiên. Sự xuất hiện của: những biển hiệu, xe máy, đám @, lũ trẻ online, …đặc biệt là hình ảnh “những biển hiệu”, biểu tượng cho cuộc sống đô thị hiện đại với biết bao uể oải, mỏi mệt, chán chường đã được nhà thơ đẩy lên bình diện thứ nhất của kết cấu văn bản. Nhan đề bài thơ cũng cũng cho thấy sự áp chế của biểu tượng lên toàn bộ bài thơ:

Những biển hiệu đồng thanh cất tiếng/ Bằng nét chữ sáng loà/ Qua tranh đấu một ngày mệt lả/ Giọng khàn khàn tắt lịm nơi nao/ Trái tim đã te tua vì thời cuộc/ Có ai nhìn thấy nhịp đập chăng?/…Những biển hiệu cười cợt/ Chữ trắng múa trên nền đen loang lổ(Những biển hiệu).

Trong thơ Nguyễn Bình Phương có một hình ảnh rất ấn tượng, theo một chiều giả tưởng, có thể coi nó là hình ảnh nằm trong sự ám ảnh khuất sâu nơi tiềm thức của nhà thơ. Hình ảnh này nhiều khi hiện lên một cách đột ngột

mang tính tượng trưng, nhưng cũng có lúc nó hiện lên là một hình ảnh của hiện thực. Đó là hình ảnh súng đạn trong thơ Nguyễn Bình Phương. Hình ảnh – biểu tượng này xuất hiện khá nhiều trong thơ ông như một nỗi ám ảnh:

- Có người lính chống cằm nhìn vỏ đạn… (Không đề)

- Chú bé loay hoay cơn tỉnh cơn mê/ Khẩu súng nhựa đen nòng/ Cách gì làm trắng nó… (Khách của trần gian)

- Này lính cũ mũ rơm cài hoa cải/ Loạt đạn say sưa ngủ trước cổng thành… (Những trận chiến cài hoa)

- Ngày sinh viên đạn/ Chết trong nòng súng cỏ/ Chết trong lòng súng cỏ/ Một đứa trẻ nhoẻn cười… (Tiếng rền)

- Bánh xe màu lục, viên đạn vô hình/ Khẩu súng ấy trắng bong như bột lọc/ Tôi bắn gục thời gian không thèm tiếc… (Chơi với con)

Hình ảnh – biểu tượng súng đạn luôn hiện lên cùng với hình ảnh của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Cách đặt một hình ảnh tượng trưng cho chiến tranh bên cạnh một hình ảnh tượng trưng cho sự sống, ngây thơ, thuần khiết trong một văn bản thơ đã tạo nên những liên tưởng ám gợi kỳ dị, mơ hồ. Phải chăng Nguyễn Bình Phương muốn đặt ra những suy ngẫm về nghịch lý tồn tại của cuộc đời? Đó là mối quan hệ giữa sự sống – cái chết, hạnh phúc – khổ đau, chiến tranh – hòa bình…Súng và đạn là hai biểu tượng vẫn luôn tồn tại trong thơ Nguyễn Bình Phương như một bí ẩn chưa được giải mã, nó chìm khuất đâu đó dưới lớp sóng ngôn từ của nhà thơ.

Một phần của tài liệu Thi pháp thơ nguyễn bình phương (Trang 107 - 110)