Lịch sử đã mở ra một bức màn khác kéo theo sự thay đổi của cảm hứng trữ tình. Không còn những vần thơ ngợi ca, tự hào mà thay vào đó là những vần thơ lắng đọng, suy tư. Các nhà thơ luôn khao khát được bộc bạch, được giãi bày cái tôi bản thể trong dòng cảm xúc phức hợp, đa chiều. Hình tượng cái tôi trong thơ Nguyễn Bình Phương cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đâu đó, trong dòng chảy cuộc đời, Nguyễn Bình Phương đã tìm được cho mình một thế giới tĩnh lặng, một “ốc đảo” để ngẫm ngợi, suy tư. Ở đây, ta bắt gặp sự xuất hiện của cái tôi luôn trăn trở, suy tư về bản thể của chính tác giả.
Thơ Nguyễn Bình Phương là mảnh đất nảy mầm sinh sôi của cái tôi có tâm hồn phong phú, hướng nội, đa cảm, thể hiện qua nhiều mảng màu khác nhau của cuộc sống. Qua hành trình thơ ấy, chân dung cái tôi bản thể của Nguyễn Bình Phương đã hiện lên vô cùng rõ nét: đó là cái tôi ưa suy ngẫm về các giá trị đời sống; luôn muốn khẳng định những giá trị “nhân vị” riêng, độc sáng; yêu đắm đuối; luôn bị ám ảnh bởi sự cô độc, cảm giác bất an và cái chết…
Có thể nói, thơ ca Việt Nam sau 1975 phần lớn đều giàu chất triết lý, suy tưởng. Ở đó chủ thể trữ tình không chỉ suy tư về cuộc đời, mà còn trăn
trở, cô đơn trong cuộc tìm kiếm cái tôi bản thể của chính mình, tha thiết đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi hiện sinh. Nguyễn Bình Phương cũng vậy:
Ta là ai?
Ta là gì trong ý nghĩ của ta? (Hóa hình)
Thực tế, đó là một câu đố không có lời đáp. Con người sống trong xã hội hiện đại với nhiều nỗi lo toan thường nhật sẽ không tránh khỏi những cảm giác bế tắc, tù túng. Những lúc tự vấn như thế này, chỉ tồn tại sự cô đơn, trống vắng khó định nghĩa :
Ta là gì trong ý nghĩ của ta
Là gì nhỉ cái dãy phố con con treo đầy biển hiệu… (Hóa hình)
Sự khô cứng, bất động, chật chội của cuộc sống đô thị hiện đại như phong kín lấy cái tôi muốn bùng cháy, muốn thoát khỏi cuộc sống u mê, luẩn quẩn của những dãy phố con con. Trong một thế giới đóng khung chật chội ấy, tất cả đều nhòe mờ, “hóa hình” và dần trở thành “dấu chấm vời xa”. Cuộc sống đô thị hiện đại không những làm cho con người tự đông cứng cả về thể xác, tâm hồn. Hơn nữa, nó còn đóng kín mọi cố gắng vượt thoát khỏi không gian tù túng và trở về trong một hình hài mới:
Trong sự phong kín đê mê này
Ta ngượng ngùng nghĩ mình là cánh cửa. (Hóa hình)
Trong những vần thơ của mình, Nguyễn Bình Phương luôn muốn khẳng định những giá trị “nhân vị” riêng, độc sáng. Ở thế giới đầy ngột ngạt này, nhà thơ luôn bị vây kín trong những lo toan, bế tắc của cuộc sống, ông luôn khát khao tự nhìn nhận lại chính bản thân mình, đối thoại với mình bằng những chuyển động thầm lặng trong chính hình hài ấy:
Tôi cắt tóc
Kín đáo nhếch môi cười
Đi lìm lịm vào gương như khói Tôi cắt tóc
Buông lơi
Khuôn mặt ngoài mùa hạ
Sau bức tường kia những sự thật đã già Tôi cắt tóc
Một người cực lạ
Rũ khăn choàng váng vất bước ra (Cắt tóc)
Đằng sau những việc rất đời thường của con người cũng gợi lên cho tác giả những trăn trở, suy tư về cuộc đời, về bản thể. Ngẫm về cuộc đời, đằng sau cái cười nhếch môi hết sức kín đáo là nụ cười chua chát “buông lơi”. “Tôi” cười vào những sự thật vốn đã tồn tại trong cuộc sống. Nó làm thay đổi chính con người, đeo một cái mặt nạ được bao phủ bởi những dối trá cứng ngắc, “tôi” muốn rũ bỏ nó và bắt gặp ngay cái hình hài xa lạ kia.
Có khi, ta lại bắt gặp trong thơ Nguyễn Bình Phương một cái tôi ráo riết, mải miết đi kiếm tìm một hình hài quen thuộc trong cuộc sống. Đó là “mặt bên kia” của cái tôi, của cuộc đời. Nơi ấy, cái tôi lặng lẽ trở về nhìn ngắm những vết thương lòng đang chảy sâu dưới bề mặt da thịt. Cái tôi bước vào mặt bên kia của cuộc đời nhưng lại tự đánh đắm trong ảo ảnh do chính mình tưởng tượng ra, chợt thấy khuôn mặt mình mờ đi sau những ảo giác xa vời, hư hao:
Phía sau hiển nhiên là tôi
Lẩn thẩn ngồi canh giữ vết thương …Sau bao long lanh lý lẽ
Một người không tìm ra mặt đi vòng vo trong ảo ảnh của mình trái tim mờ mờ lỗi nhịp…
(Mặt bên kia)
Ông tiếp tục họa về mình qua những vần thơ trăn trở. Cái tôi phân thân đứng một góc lặng lẽ quan sát, chiêm ngẫm về bản thân mình: Ông hàng xóm từ chiến trường về/ Không có giấc mơ/ Ngón tay ốm o vùi lấp khuôn mặt ốm o/ Ai biết ông ta nghĩ gì/ Sau những ngón tay ấy (Ngỏ lần thứ nhất). Bức tranh được vẽ lên bằng những đường nét nhòe nhòe, chỉ có cái gân guốc, rõ nét của đôi bàn tay và khuôn mặt đã thấy được một cái tôi đầy trăn trở, suy tư. Sau những ngón tay ấy phải chăng là sự buông bỏ những hoài niệm cũ hay sự níu giữa những mảnh ghép từ giấc mơ trong quá khứ?
Cũng đôi bàn tay ấy, cái tôi lại tự rũ bỏ chính bản thân mình, muốn thác đi trong bản ngã hiện sinh đầy mạnh mẽ:
Tự cấu mặt mình như cấu bùn Vứt ra xa
Rơi vào đâu không biết… (Thác)
Ta còn bắt gặp ở thơ Nguyễn Bình Phương một cái tôi ưa suy ngẫm về các giá trị đời sống. Đó là cái tôi đầy mỏi mệt, bế tắc, tự cười vào chính cuộc đời công chức của mình với sự đeo đuổi dai dẳng của nỗi cô đơn, bệnh tật:
Một cái chức nhỏ nhẹ/ Một cái chức lăn như cỏ lông chông/ Mơ đeo vào tay xòa ra giữa nắng/ Mơ đeo vào gót chân mỗi bước mỗi khua vang rổn rảng/… Một cái chức liu riu ánh vàng/…Một cái chức không đâu bỗng vỗ nên thành biển (Gửi những khổ sở); Này tôi/ Một khuôn mặt công chức/ Đứng nhìn những cuộc họp rạc rài/ Tiêu ma bao ý tưởng/ Xa xa trải một màu bệnh hoạn/
thân mình: Tôi châm thuốc ra ngoài gặp cỏ/ Nghĩ đến mình nghĩ đến mình thật nhiều/ Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện/ Một vườn mía ngọt lúc trăng lên (NBP); Tôi là một đỉnh núi/ Một nỗi buồn gieo neo nơi kí ức phai tàn/ Trời xanh xanh vỗ trên đầu mê man/ Ngày mai có người sang đất lạ/ Ngày mai lạc vào giấc mơ của ma/…Tôi là con đường chông gai chưa ai đi(Tự sáng)…
Nguyễn Bình Phương viết về thơ tình không nhiều nhưng những vần thơ của ông rất đẹp, rất mộng và trong trẻo. Cái tôi trữ tình hiện lên trong thơ ông lúc này là cái tôi yêu đắm đuối, say mê. Tuy nhiên, đây lại là những vần thơ thoáng nét buồn thương, những dự cảm bất an, mặc cảm chia ly, từ biệt. Viết về tình yêu, về “em”, thực chất, cũng là một cách mô tả, rọi chiếu về bản thể của cái tôi thi nhân từ một góc khác:
- Thắp lửa lên bỗng thấy xa vời
Em là ngọn nến nhỏ sáng dần đôi môi tôi Yêu có nghĩa vừa bay vừa nghĩ ngợi …Sông đã chảy sang bên kia giấc ngủ Em tỉnh dậy trời xanh thành người lạ.
(Thơ ngắn về em)
Những dự cảm chia ly, xa cách trở đi trở lại rất nhiều trong thơ Nguyễn Bình Phương:
- Yêu em có nghĩa là yêu mây xa Nghĩa là yêu chiếc khăn màu cỏ úa Em nhìn tôi nhìn sông Hồng chìm đắm Không ai chèo đò cho tình yêu qua sông Lạ lùng ơi lạ lùng nổi sóng
Sóng đưa hai ta trôi dạt về đâu… (Than thở)
Một cuộc tình nôn nao chia ly Lời hẹn cũ với em không còn nữa Những buổi chiều mờ in trên hồ…
(Những chiều mờ)
Tình yêu trong thơ Nguyễn Bình Phương chỉ sống dậy như những hoài niệm xưa. Đó là ký ức về tình yêu vẫn còn vẹn nguyên trong tấm hình cũ:
Em đã bỏ ta đi
Em đã ngắt một nhành hoa nhỏ Chú chim sâu thuở ấy rất buồn Không thể hẹn hò nhau được nữa.
(Hình cũ)
Trong con mắt Nguyễn Bình Phương, tình yêu giống như một bông hoa có cuống. Sự phân rã của cuống hoa với hoa cũng là dự cảm của sự chia ly. Bài thơ mang lại cảm giác về sự tái tê, run run của những bông hoa. “Bức hình cũ” mang đầy vẻ tĩnh lặng, dịu dàng, tình yêu của sự vị tha, cao thượng:
“có đôi tay trần từ trời cao dịu dàng buông xuống”. Câu thơ còn nguyên trạng thái bất toàn của tình yêu. Cũng có khi, sự ly biệt trong tình yêu lại được cảm nhận qua ánh mắt xa xôi, là gần đấy nhưng lại xa đấy: Anh vẫn thấy em từ xa bước lại/ Em nhìn anh/ Em xa xôi như cây/ Em quay đi/ Tiếng kêu dài lạnh lẽo/ Hoàng hôn trên đầm tàn (Giấc ngủ nắng). Hình ảnh “em” tàn đi trong ánh hoàng hôn xa xôi, chỉ còn vương lại bên này màu nhớ thương là những tiếng kêu dài lạnh lẽo, băng giá đã làm nổi bật lên dấu hiệu biệt ly của một cuộc tình. Chi tiết “hoàng hôn trên đầm tàn” chứng tỏ sự bất lực, buông bỏ dứt khoát trong tình yêu không còn hy vọng. Tình yêu vừa mang lại cho con người hạnh phúc, vừa đem đến cho con người những đau khổ triền miên không dứt.
Suy tư về bản thể, cũng là suy tư về ý nghĩa của sự hiện sinh cá nhân, ý nghĩa của sự mất/ còn, hữu hạn/ vô hạn; phù du/ vĩnh cửu… Có lẽ sự cô đơn, trống vắng giống như một chất keo đặc bám lấy bức thành tâm hồn của thi sĩ, ông cảm thấy sợ bóng đêm, bị ám ảnh về cái chết, ám ảnh về máu. Phải chăng cũng vì lẽ đó mà thơ của ông ngập tràn máu và nỗi ám ảnh dai dẳng của cái chết. Ám ảnh về máu và cái chết như phủ trùm mọi nơi, đâu đâu trước mắt “Tôi” cũng là dòng chảy lặng lẽ của máu: Máu đã ra ngoài cỏ/ Chảy men theo sườn đồi xuống hồ/ Máu không tắt không khô không ngơi nghỉ/ Chảy miên man qua thớ đất nâu/ Máu còn chảy, chảy mãi/ Đến từng nhà từng người con gái/ Đến từng kẻ thứ ba/…Máu còn chảy song hành bước chân/
Nơi nẻo vắng ngõ quê/ nơi ồn ào phố thị/ Trong yên tĩnh thư viện mênh mông/
Máu còn chảy/ Ngoài chúng ta/ Chảy qua thị xã tới kinh thành…(Chết).
Nguyễn Bình Phương hay nói về cái chết, hay bị ám ảnh bởi cái chết nhưng ông lại đón nhận nó trong từng trang thơ của mình rất nhẹ nhàng, như một chủ định dửng dưng: Không ai nhìn thấy anh/Không ai nghe tiếng kêu im lặng/ Lúc đó trên đồi Phủ Liễu/ Chiều mang cơn u mê phủ khắp ngọn cây/ Le lói vài ba con bò gặm cỏ/…Ba phát súng thờ ơ/ Nổ vào lòng nhẫn nại… (Chết).“Ba phát súng thờ ơ” diễn tả chân thật sự thờ ơ, lạnh lùng, dứt khoát trước cái chết. Câu thơ mang niềm bi kịch của cái chết, chết trong cô độc khi “không ai nhìn thấy anh”. Là cái chết của đá hay cái chết của “anh”?
Trang viết đầu tay nhắc:
- Đá sẽ chết vào lúc anh mỉm cười Hãy cẩn thận!
(Ngỏ lần thứ nhất)
Bên cạnh những trăn trở, suy tư về cá nhân, về cuộc đời, con người, những dự cảm chia ly trong tình yêu, suy nghĩ về cái chết, thơ Nguyễn Bình Phương cũng bộc lộ những suy tư của cái tôi luôn trăn trở với sáng tác và
nghiệp cầm bút: Ta sinh ra cô đơn/ Giờ cô đơn đã cũ/ Ta trưởng thành bởi sự sợ hãi/ Sợ hãi cũng cũ rồi/… Trong bóng râm lạnh lùng vang lên lời nhắc/
-Ta lớn lên bởi sự kiếm tìm/ Giờ kiếm tìm đã cũ (Bài thơ cũ).
Với ông, nhà thơ sinh ra vốn đã mang nặng nỗi cô đơn, lớn lên trong sự sợ hãi và kiếm tìm cái cũ. Nhưng đó là sự kiếm tìm mỏi mòn, không có điểm dừng chân. Trong cuộc kiếm tìm những cái cũ, tác giả tìm cho mình bao ý tưởng mới. Sự kiếm tìm cái cũ vì thế chưa bao giờ ngừng lại trong bản ngã sáng tạo của Nguyễn Bình Phương. Vì thế, quá trình thai nghén một tác phẩm chưa bao giờ là điều dễ dàng: Ta lặng im/ Chim hót/ Họ thì vỗ cánh bay/ Ta viết/ Chim bay đi/ Họ thẫn thờ đậu xuống/ Ta nhìn ta mai mái một làn sương (Nhà thơ).
Trong quá trình ấy, cái tỉnh táo phải phá bỏ sự bủa vây của trí tưởng tượng, trả lại cho tác giả sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Lặng im, để từ đó phân tách thành những mảnh vụn khác nhau với muôn vàn trạng thái khác nhau. Sự sáng tác đối với nhà thơ lúc này giống như một quá trình ăn mòn cơ thể, càng sáng tác, tác giả càng không tìm thấy mình, cuối cùng chỉ còn lại mai mái một làn sương. Đôi lúc, tác giả cũng có lúc tự hỏi mình bằng một câu hỏi không hồi đáp:
Đứng dậy, sũng ướt, đi rồi tự hỏi Viết là tìm thấy hay đánh mất?
(Chân dung khi trống trải)