1.3.4.1. Một số đặc điểm tâm lý lứa tuổi và nhân cách của học sinh trung học cơ sở có liên quan đến đề tài
HS trung học cơ sở là lứa tuổi đang có nhiều thay đổi lớn về thể chất, sức khỏe, sinh lý và tâm lý, … Lứa tuổi HS THCS là lứa tuổi khoảng từ 11 đến 15 tuổi. Khoa học gọi lứa tuổi này là lứa tuổi thiếu niên. Thiếu niên bước vào thời
kỳ dậy thì với những biến đổi mạnh mẽ về thể chất và tâm lý làm cho trẻ ý thức rằng “mình không còn là trẻ con nữa”. Trong khi đó, cách nhìn nhận của người lớn đối với thiếu niên vẫn coi chúng là “trẻ con” đã dẫn đến những mâu thuẫn, thậm chí là “xung đột” giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô với học sinh, giữa bạn bè cùng tuổi và đặc biệt là vấn đề tự mâu thuẫn cá nhân (mâu thuẫn nội tại).
Đây là lứa tuổi có sự nhảy vọt về mặt phát triển sinh lý, các em bắt đầu bước vào giai đoạn phát dục nên ít nhiều sẽ rất mất cân bằng giữa sự hiểu biết về cơ thể và thực tế cơ thể của các em. Một đặc điểm nổi bật trong quá trình phát triển sinh lý ở lứa tuổi thiếu niên đó là tính chất mát cân đối tạm thời. Cụ thể là về mặt phát triển thể chất của các em. Các em cũng đang bắt đầu có những rối loạn tạm thời về sinh lý cơ thể. Các em dễ dàng “lóng ngóng”, “vụng về” vì lúc này hệ thần kinh của các em chưa thể chỉ huy các cơ quan vận động một cách tinh tế, chính xác từng động tác.
Ở thiếu niên, giao tiếp với người lớn không hoàn toàn thay thế giao tiếp với bạn cùng tuổi, đặc biệt với các bạn trong cùng nhóm, lớp, cùng trường. Quan hệ của thiếu niên với các bạn cùng lớp phức tạp hơn, đa dạng hơn và có nội dung sâu sắc hơn so với học sinh tiểu học. Chính trong thời kỳ thiếu niên diễn ra sự hình thành những quan hệ khác nhau về mức độ gần gũi, mà các em phân biệt rõ rệt: là bạn học, là bạn thân, là bạn riêng. Nhu cầu có bạn cùng tuổi phát triển rất mạnh mẽ ở thiếu niên. Tình bạn là một dạng quan trọng nhất của sự gắn bó xúc cảm và quan hệ liên nhân cách ở lứa tuổi này. Sự biến đổi quan trọng nhất trong tâm lý tình bạn của tuổi quá độ là sự phát triển chiều sâu, mức độ thân thiết trong tình bạn ở các em. Quan hệ với bạn bè cùng lứa tuổi phức tạp, đa dạng hơn nhiều. Sự giao tiếp của các em đã vượt ra ngoài phạm vi học tập, phạm vi nhà trường, mà còn mở rộng trong những hứng thú mới, những việc làm mới, những quan hệ mới trong đời sống của các em, các em có nhu cầu lớn trong giao tiếp với bạn bè vì: Một mặt, các em
rất khao khát được giao tiếp và cùng hoạt động chung với nhau, các em có nguyện vọng được sống trong tập thể, có những bạn bè thân thiết tin cậy. Mặt khác, cũng biểu hiện nguyện vọng không kém phần quan trọng là được bạn bè công nhận, thừa nhận, tôn trọng mình.
Nhân cách của lứa tuổi này có những sự biến đổi đáng kể. Các em đang trong quá trình hình thành những vấn đề lớn của nhân cách như: ý thức, tự ý thức, … Thiếu niên đã có thể tự ý thức về những phẩm chất đạo đức, tính cách và khả năng của mình. Mức độ tự ý thức của các em cũng có sự khác nhau. Ban đầu các em chỉ nhận thức hành vi của mình, sau đó là nhận thức những phẩm chất đạo đức, tính cách và năng lực của mình trong những phạm vi khác nhau, cuối cùng các em mới nhận thức những phẩm chất phức tạp thể hiện nhiều mặt của nhân cách (tình cảm trách nhiệm, lòng tự trọng…). Về cách thức, ban đầu các em còn dựa vào đánh giá của những người gần gũi và có uy tín với mình. Dần dần các em hình thành khuynh hướng độc lập phân tích và đánh giá bản thân. Nhưng khả năng tự đánh giá của thiếu niên còn hạn chế, chưa đủ khách quan… Từ đây sẽ nảy sinh những xung đột không cần thiết giữa các em với chính mính, với nhóm bạn bè và đặc biệt là người lớn.
Tóm lại, trong những giai đoạn phát triển của con người lứa tuổi thiếu niên có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất, nhiều biến động nhất nhưng cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành sau này. Sự phát triển tâm lý của thiếu niên có chịu ảnh hưởng của thời kỳ phát dục. Nhưng cái ảnh hưởng quyết định nhất đối với sự phát triển tâm lý chính là những mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là những mối quan hệ giữa thiếu niên và người lớn. Đây là lứa tuổi của các em không còn là trẻ con nữa, nhưng chưa hẳn là người lớn. Ở lứa tuổi này các em cần được tôn trọng nhân cách, cần được phát huy tính độc lập nhưng cũng rất Cần đến sự chăm sóc chu đáo và đối xử tế nhị. Tuổi thiếu niên là giai đoạn quan trọng để hình thành tính cách và bản sắc. Đây cũng là giai đoạn nhiều
thiếu niên tham gia vào cuộc sống xã hội và có đóng góp dưới nhiều hình thức khác nhau.
1.3.4.2. Một số đặc điểm tâm lý lứa tuổi và nhân cách của học sinh trung học phổ thông có liên quan đến đề tài
Học sinh THPT là lứa tuổi đầu thanh niên có độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, là thời kỳ hoàn thành phát triển thể chất của một con người, thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể cũng như tâm lý. Sự phát triển của hệ thần kinh có những thay đổi quan trọng trong cấu trúc bên trong của não, các chức năng hoạt động phức tạp của não đã phát triển mạnh. Điều này tạo tiền đề cần thiết cho hoạt động phân tích và tổng hợp trong quá trình học tập. Nhìn chung lứa tuổi các em đã phát triển cân đối, khỏe và đẹp, đa số các em có thể đạt được những khả năng phát triển về cơ thể như người lớn. Đó là yếu tố cơ bản giúp học sinh THPT có thể tham gia các hoạt động phong phú, đa dạng, phức tạp của chương trình giáo dục THPT.
Ở học sinh THPT, tính chủ định trong nhận thức được phát triển, tri giác có mục đích đã đạt tới mức cao, quan sát trở nên có mục đích, hệ thống và toàn diện hơn. Tuy nhiên, nếu thiếu sự chỉ đạo của giáo viên thì quan sát của các em cũng khó đạt hiệu quả cao. Vì vậy, giáo viên cần quan tâm hướng quan sát của các em vào những nhiệm vụ nhất định, không vội kết luận khi chưa có đủ các sự kiện.Sự phát triển tự ý thức cũng là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của HS THPT, nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tâm lý của các em. HS THPT có nhu cầu tìm hiểu và đánh giá nhũng đặc điểm tâm lý của mình: quan tâm sâu sắc tới đời sống tâm lý, phẩm chất, nhân cách và năng lực riêng, xuất hiện ý thức, trách nhiệm, lòng tự trọng, tình cảm, nghĩa vụ, đó là những giá trị nổi trội và bền vững. Các em có khả năng đánh giá về mặt mạnh, mặt yếu của bản thân mình và những người xung quanh, có những biện pháp kiểm tra, đánh giá sự tự ý thức của bản thân như viết nhật
ký, tự kiểm điểm trong tâm tưởng, biết đối chiếu với các thần tượng, các yêu cầu của xã hội, nhận thức vị trí của mình trong xã hội, hiện tại và tương lai.
Học sinh THPT là lứa tuổi quyết định sự hình thành nhân sinh quan, thế giới quan về xã hội, tự nhiên, các nguyên tắc và quy tắc cư xử. Chỉ số đầu tiên của sự hình thành thế giới quan là sự phát triển hứng thú nhận thức đối với những vấn đề thuộc nguyên tắc chung nhất của vũ trụ, những quy luật phổ biến của tự nhiên, xã hội và của sự tồn tại loài người. Lứa tuổi này các em quan tâm nhiều đến các vấn đề liên quan tới con người, vai trò của con người trong lịch sử, quan hệ giữa cong người và xã hội, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa ý chí và tình cảm. Ở lứa tuổi này, các em có nhu cầu sinh hoạt với các bạn cùng lứa tuổi, cảm thấy mình cần cho nhóm, có uy tín, có vị trí nhất định trong nhóm, muốn được bạn bè thừa nhận.
Tóm lại, sự phát triển nhân cách của HS THPT là một giai đoạn rất quan trọng. Giai đoạn chuyển đổi từ trẻ em lên người lớn. Đây là lứa tuổi đầu thanh niên với những đặc điểm tâm lý đặc thù khác với tuổi thiếu niên, các em đã đạt tới sự trưởng thành về thể lực và sự phát triển nhân cách. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THPT là điều kiện thuận lợi cho việc GD KNS cho các em đạt hiệu quả cao. Các lực lượng giáo dục phải biết phát huy các yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế trong sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi này để lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức thích hợp, phát huy được tính tích cực, chủ động của các em trong hoạt động giáo dục theo định hướng của mục tiêu giáo dục KNS.