Giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò định hướng, là lực lượng nòng cốt trong công tác GD KNS cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp quản lý học sinh, gần gũi gắn bó với lớp, với học sinh, nắm được tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh của các em, là người mà các em thấy thân thiết như người bạn lớn, người mẹ, người chị để có thể thổ lộ giãi bày, sẻ chia. Học sinh có thể xem giáo
viên chủ nhiệm là “thần tượng”, các em luôn nghe lời dạy bảo và làm theo những gì thầy cô dạy, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức, nhất là tấm gương về cách ứng xử văn hóa, chuẩn mực trong lời nói và việc làm. Bởi vậy người cán bộ quản lý phải chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm làm tốt các công việc: nắm bắt và hiểu được tâm lý lứa tuổi HSTrH cần gì, muốn gì, nắm vững lý lịch, hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó có kế hoạch, biện pháp giáo dục phù hợp, giúp các em rèn luyện, học tập và phấn đấu để đáp ứng với yêu cầu của xã hội.
Giáo viên chủ nhiệm cộng tác chặt chẽ với cha mẹ HS, chủ động phối hợp với các giáo viên dạy bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường, các tổ chức xã hội có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh. Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh. Xây dựng tập thể lớp thành một tập thể phát triển toàn diện, tự quản để trở thành phương tiện giáo dục KNS cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm giáo dục cho các em động cơ học tập đúng đắn, chăm chỉ, say mê học tập, biết trân trọng những kiến thức được tiếp thu, không ỉ lại, có nghị lực vượt qua mọi khó khăn, có thái độ trung thực trong học tập. Giáo dục các em đức khiêm tốn, tinh thần tập thể, tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống.Giáo viên chủ nhiệm phải vận dụng nhiều biện pháp tâm lý để tạo cho các em một niềm tin, một tinh thần phấn đấu. Đặc biệt rèn cho học sinh sự tự tin, sự năng động, chủ động sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Giáo dục cho các em quan điểm học tập tiến bộ và đúng đắn: Học để biết, học để làm, học để làm người, học để chung sống cộng đồng.
Giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp do nhà trường tổ chức, đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá học sinh từng tháng để kịp thời điều chỉnh các biện pháp giáo dục phù hợp.