Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các trường cao đẳng nghề hà nội luận văn ths kinh tế 62 31 01 pdf (Trang 35 - 40)

7/ Kết cấu của luận văn

1.3Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề

Chất lượng luôn là vấn đề quan trọng nhất của tất cả các cơ sở đào tạo, việc phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở giáo dục đào tạo nào. “Chất lượng là kết quả của quá trình giáo dục - đào tạo được phản ánh ở các đặc trưng về phẩm chất, giá trị nhân cách và giá trị sức lao động hay năng lực hành nghề của người tốt nghiệp tương ứng với mục tiêu, chương trình giáo dục - đào tạo theo các ngành nghề cụ thể ” [47, tr. 24 ]. Chất lượng đào tạo nghề chính là tiêu thức phản ánh các mức độ của kết quả hoạt động giáo dục và hoạt động đào tạo có tính liên tục từ khởi đầu quá trình đào tạo nghề đến khi kết thúc quá trình đó. Do đó, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nghề có đạt được kết quả cao hay không, đó là:

* Thứ nhất là nhận thức xã hội về đào tạo nghề:

Nhận thức của xã hội về đào tạo nghề có tác động mạnh mẽ đến công tác đào tạo nghề, ảnh hưởng rõ rệt nhất là tới số lượng học sinh đầu vào của các cơ sở doanh nghiệp. Nếu mọi người trong xã hội đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của việc học nghề thì trước hết lượng lao động tham gia đào tạo nghề sẽ chiếm một tỷ lệ lớn hơn so với toàn bộ lao động trên thị trường và sẽ có cơ cấu trẻ hơn, đa dạng hơn. Hơn nữa, nếu xã hội nhận thức được rằng giỏi nghề là một phẩm chất quý giá của người lao động, là cơ sở vững chắc để có việc làm và thu nhập ổn định thì công tác đào tạo nghề sẽ nhận được thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ cần thiết của xã hội để phát triển mạnh hơn. Thực tế hiện nay, công tác đào tạo nghề chưa được xã hội nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Không ít gia đình coi việc vào đại học là con đường duy nhất để tiến thân, kiếm được công việc nhàn nhã. Trong suy nghĩ của nhiều người, một

người thợ bậc cao ở xí nghiệp hay công xưởng vẫn không bằng người lao động ở các cơ quan Nhà nước. Hơn nữa một cán bộ nhà nước tốt nghiệp đại học vẫn có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ nhưng người thợ bậc cao vẫn khó tìm cơ hội học lên hoặc nâng cao tay nghề. Điều này dẫn đến nhiều thanh niên né tránh đi học nghề, coi đi học nghề là “vạn bất đắc dĩ”. Việc làm chuyển biến nhận thức của từng gia đình và toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng trong dạy nghề và học nghề.

* Yếu tố thứ hai là mục tiêu của đào tạo nghề:

Để đánh giá chất lượng đào tạo của một trường cần phải xem xét mục tiêu mà trường đó đưa ra có phù hợp với học sinh, với chương trình đào tạo hay không. Mặt khác, mục tiêu đề ra phải cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Mục tiêu đào tạo phải bao gồm các thành tố cụ thể như sau: về phẩm chất đạo đức: yêu cầu người học nghề hình thành và phát triển các phẩm chất nhân cách (về cá nhân, xã hội, nghề nghiệp) phù hợp với các giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, đề ra mục tiêu giáo dục người học nghề về ý thức đạo đức, lối sống, và các định hướng giá trị trong cuộc sống và lao động nghề nghiệp. Về trình độ học vấn: mục tiêu về trình độ học vấn cần đạt tương đương với kiến thức học phổ thông. Về trình độ chuyên môn – kỹ thuật: yêu cầu người học nghề cần đạt được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn ở các trình độ và bậc nghề được xác định.

* Yếu tố thứ ba là đội ngũ giáo viên dạy nghề

Giáo viên dạy nghề là người giữ trọng trách truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình trên cơ sở trang thiết bị giảng dạy. Dạy nghề có những nét khác biệt so với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân đó là ngành nghề đào tạo rất đa dạng, học sinh vào học nghề có rất nhiều cấp trình độ văn hóa khác nhau. Sự khác biệt đó làm cho đội ngũ giáo viên dạy

nghề cũng rất đa dạng với nhiều cấp trình độ khác nhau. Vì vậy, năng lực giáo viên dạy nghề tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và đào tạo nghề, học sinh nắm được lý thuyết và kỹ năng thực hành nhanh hay chậm phần lớn phụ thuộc vào năng lực của giáo viên dạy nghề.

Do đó, người giáo viên dạy nghề phải có những tiêu chuẩn được quy định như sau “giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao. Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao. Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải là người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao” [42, tr. 45]. Đồng thời, người giáo viên phải có chứng chỉ dạy nghề và có khả năng đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vì lẽ đó nhà trường phải quan tâm phát triển tài lực, nhân cách của người thầy giáo điều đó được thể hiện ở các mặt: người thầy phải đạt các chuẩn về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, kiến thức liên quan và đặc biệt phải có trình độ kỹ năng tay nghề thành thạo. Bên cạnh đó, người thầy phải có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức sư phạm nghề nghiệp chắc, có kỹ năng tự học, tự bồi dưỡng thành thạo. Do khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, số lượng tri thức của loài người tăng nhanh, đòi hỏi mỗi một nhà giáo phải thường xuyên cập nhật để học tập nếu không muốn mình bị lạc hậu.

*Yếu tố thứ tư là chương trình, nội dung đào tạo nghề

Chương trình, nội dung của đào tạo nghề là những yêu cầu đặt ra để mang lại cho người học có được những kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề

nghiệp cần thiết. Về yêu cầu của nội dung đào tạo nghề, Luật giáo dục năm 2005, tại điều 34, khoản 1 có ghi: “Nội dung giáo dục nghề nghiệp phải tập trung đào tạo năng lực thực hành nghề nghiệp, coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện kỹ năng theo yêu cầu đào tạo của từng nghề, nâng cao trình độ học vấn theo yêu cầu đào tạo” [41, tr. 22 ]. Như vậy muốn đạt được hiệu quả và chất lượng cao trong quá trình đào tạo nghề thì chương trình, nội dung đào tạo nghề phải phù hợp với mục tiêu đào tạo, phải đảm bảo tính cân đối, toàn diện giữa các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cần thiết. Bên cạnh đó, chương trình, nội dung đào tạo phải gắn liền với thực tế sản xuất, phải đảm bảo tính khoa học, cơ bản, hiện đại, tính liên thông phù hợp với trình độ của người học.

* Yếu tố thứ năm là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

Với một trường nghề thì yếu tố trang thiết bị, phương tiện dạy học và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo là rất quan trọng. Chất lượng thực tập tay nghề, chất lượng giảng dạy phụ thuộc phần lớn vào sự phù hợp của trang thiết bị dạy học, vật tư, vật liệu cung cấp cho học tập. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo nghề. Ứng với mỗi nghề dù đơn giản hay phức tạp cũng cần có những máy móc trang thiết bị cần thiết chuyên dùng phục vụ cho giảng dạy và học tập. Trang thiết bị đào tạo nghề giúp cho học sinh có điều kiện thực hành để hoàn chỉnh kỹ năng sản xuất. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề càng tốt, càng hiện đại bao nhiêu thì học sinh có thể thích ứng, vận dụng nhanh chóng bấy nhiêu.

* Yếu tố thứ sáu là hoạt động học tập của người học nghề:

Quá trình dạy nghề và học nghề chính là quá trình phối hợp thống nhất hoạt động điều khiển, tổ chức, hướng dẫn của giáo viên với hoạt động tự giác, sáng tạo, chủ động lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng tay nghề của người học đạt tới mục tiêu dạy học.

Đối với hoạt động dạy nghề vai trò quan trọng nhất là người giáo viên. Còn đối với hoạt động học nghề là quá trình hoạt động của người học, trong đó người học dựa vào nội dung dạy học, chủ động và sáng tạo lĩnh hội kiến thức. Thông qua hoạt động học, người học chủ động thay đổi bản thân mình và tích cực rèn luyện năng lực thực hành nghề. Nhiệm vụ của người học nghề là phải đáp ứng được các yêu cầu sau: thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường. Phải tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ nhà trường. Hoạt động học tập của học sinh như thế nào tích cực hay không đều ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo nghề.

* Yếu tố thứ bảy là hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học:

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học là khâu quan trọng trong quá trình dạy và học nghề. Kiểm tra, đánh giá có quan hệ hữu cơ với quá trình dạy và học nghề. Nó là động lực để người học tích cực học tập. Bởi, có quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập người học sẽ hăng say học tập hơn để lấy điểm số cao, đạt được nhiều thành tích trong học tập để tương lai có thể lựa chọn được một công việc yêu thích có thu nhập cao. Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá giúp cho nhà giáo dục nhận biết được năng lực học tập của từng đối tượng học nghề, để từ đó điều chỉnh, cải tiến nội dung chương trình, điều chỉnh kế hoạch, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nghề cho phù hợp với từng đối tượng. Do vậy, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học nghề cũng là một khâu quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Có thể nói, chất lượng đào tạo nghề chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng của quá trình

đào tạo nghề trong một nhà trường. Trong quá trình đào tạo nghề các yếu tố trên luôn luôn vận động và tác động qua lại lẫn nhau. Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần chú ý thường xuyên theo dõi, đánh giá, xử lí các sai lệch để kịp thời điều chỉnh nhằm làm cho công tác giáo dục, đào tạo nghề phát triển liên tục. Nếu hạn chế được tối đa các yếu tố bất lợi, các yếu tố tiêu cực và phát huy được những yếu tố tích cực, có lợi thì quá trình đào tạo nghề sẽ phát huy tối đa hiệu quả góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nghề.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các trường cao đẳng nghề hà nội luận văn ths kinh tế 62 31 01 pdf (Trang 35 - 40)