Khái niệm nghề, đào tạo nghề

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các trường cao đẳng nghề hà nội luận văn ths kinh tế 62 31 01 pdf (Trang 31 - 33)

7/ Kết cấu của luận văn

1.2.1Khái niệm nghề, đào tạo nghề

* Đào tạo: Theo nghĩa chung nhất: Đào tạo (training) là quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức nhằm hình thành hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ nghề nghiệp theo những tiêu chuẩn nhất định để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

* Nghề:

Có nhiều định nghĩa về “nghề” như sau: Theo từ điển Tiếng Việt: “nghề là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội” [51, tr. 78]. Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì nghề là một hình thức phân công lao động, đòi hỏi kiến thức lý thuyết tổng hợp và thói quen thực hành để hoàn thành những công việc nhất định. Nghề được hình thành trên cơ sở phân công lao động xã hội. Mỗi nghề có những yêu cầu về kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tương ứng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, sự phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc thì đồng thời cũng xuất hiện những nghề mới và yêu cầu về kiến thức lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành cũng có sự thay đổi. Mỗi nghề khác nhau thì có một mục tiêu, nội dung đào tạo khác nhau; căn cứ vào mục tiêu và nội dung đào tạo Nhà nước ban hành bản danh mục nghề đào tạo.

* Đào tạo nghề:

Hiện nay đang tồn tại nhiều khái niệm về đào tạo nghề. Một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra một số khái niệm như sau:

Theo tác giả William Mc Gehee, đào tạo nghề là những quy trình mà các công ty sử dụng để tạo thuận lợi cho việc học tập có kết quả. Ông Max

Forter lại cho rằng đào tạo nghề là phải đáp ứng được 4 điều kiện: điều kiện thứ nhất là phải gợi ra những giải pháp cho người học, thứ hai là phát triển được tri thức, kỹ năng và thái độ, thứ ba là tạo ra sự thay đổi trong hành vi, thứ tư là đạt được những mục tiêu chuyên biệt. Trong khi đó tổ chức Lao động quốc tế (ILO) định nghĩa đào tạo nghề là cung cấp cho người học những kỹ năng cần thiết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan tới công việc nghề nghiệp được giao. Theo Từ điển Tiếng Việt “đào tạo nghề là một hoạt động có tổ chức được điều khiển trong một thời gian xác định nhằm trang bị những kiến thức về chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo và hình thành nhân cách để người lao động có thể đảm nhận và nâng cao tay nghề đối với một công việc cụ thể nào đó” [51, tr. 43].

Như vậy, đào tạo nghề là một khâu quy trình trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, tuy nó không tạo ra việc làm ngay nhưng nó lại là yếu tố cơ bản thuận lợi cho quá trình tìm việc làm và thực hiện công việc của người lao động. Và trong luận văn này tác giả sử dụng khái niệm đào tạo nghề như là một hoạt động có tổ chức được điều khiển trong một thời gian xác định nhằm trang bị những kiến thức về chuyên môn, về kỹ năng, về kỹ xảo và hình thành nhân cách để người lao động có thể đảm nhận và nâng cao tay nghề đối với một công việc cụ thể nào đó. Đào tạo nghề giúp cho người lao động có kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp để từ đó họ có thể xin được việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp hoặc có thể tự tạo ra công việc cho bản thân. Hiện nay đào tạo nghề mang tính tích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sự tích hợp thể hiện ở chỗ nó đòi hỏi người học hôm nay, người thợ trong tương lai phải vừa chuyên sâu về kiến thức vừa phải thành thục về kỹ năng tay nghề. Bên cạnh đó, học sinh phải hiểu được cơ sở khoa học về vật liệu, dụng cụ, trang thiết bị, quy trình công nghệ, biện pháp tổ chức quản lý sản xuất để người công nhân kỹ thuật có thể thích ứng với sự thay đổi cơ cấu

lao động trong sản xuất và đào tạo nghề mới. Đồng thời người học được cung cấp kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng sử dụng công cụ, gia công vật liệu, các thao tác kỹ thuật, lập kế hoạch tính toán, thiết kế và kỹ năng vận dụng vào thưc tiễn. Đó là những cơ sở ban đầu để người học tức người cán bộ kỹ thuật tương lai hình thành kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, phát huy được tính sáng tạo, tích cực, hình thành kỷ luật và tác phong công nghiệp trong công việc. Nguyên lý và phương châm của đào tạo nghề là học đi đôi với hành, lấy thực hành, thực tập kỹ năng nghề làm chính, đồng thời cũng coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, rèn luyện ý thức tổ chức, tác phong công nghiệp của người học.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các trường cao đẳng nghề hà nội luận văn ths kinh tế 62 31 01 pdf (Trang 31 - 33)