Đặc điểm văn hóa

Một phần của tài liệu Đánh giá nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tháp chăm nhằm phục vụ công tác bảo tồn (LA tiến sĩ) (Trang 55 - 57)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.3.3.2. Đặc điểm văn hóa

+ Về đặc điểm dân tộc, Mã Đoan Lâm (Ma Tuan-Lin), sử gia người Trung Hoa thế kỷ 13 viết về các dân tộc phía Nam Trung quốc dựa vào sử của nhà Lương, Hán và Tùy đã miêu tả người Lâm ấp (tổ tiên của người Chăm hiện nay) vào thế kỷ thứ 4 như sau: Họ có mắt to và sâu, mũi thẳng và cao, tóc quăn đen. Đàn bà búi tóc trên đỉnh đầu thành hình như búa rìu… (chú thích : đây có thể là người thuộc giống Austronesia ở dọc quần đảo Malay, Indonesia..). Về ngôn ngữ, họ nói tiếng Indonesian…

Về đời sống, cũng theo tác giả này, cho thấy:… "Cư dân ở đây xây tường nhà bằng gạch nung, phết trên gạch là một lớp vôi. Nhà được xây trên một nền hay sân gọi là kan-lan (chú thích: kan-lan tiếng Chăm nghĩa là nền sân, hiện nay người Chăm gọi sân tháp Chăm là kan-lan). Cửa nhà thường đặt ở hướng bắc, đôi khi ở phía đông hay tây không có một qui tắc nhất định nào .. Đàn ông và đàn bà không có một y phục nào khác ngoài một đoạn vải ki-peh quấn quanh người (chú thích: từ Chăm). Họ khoét lỗ bông tai để đeo các vòng trang sức nhỏ. Những người có chức sắc đều đi chân đất. Những phong tục này cũng được theo ở vương quốc Phù Nam và tất cả các vương quốc khác phía xa quá Lâm Ấp. Vua đội nón cao trang trí với hoa màu vàng và chung quanh viền nón được tỉa gọn với núm tua bằng lụa. Khi ra ngoài nhà vua cỡi voi; đi trước là các kèn tù và và trống, vua được che dưới một dù làm bằng vải ki-peh, chung quanh là nô tì cầm cờ xí cũng được làm bằng vải ki-peh.

Đám cưới lúc nào cũng được tổ chức vào ngày thứ tám của trăng. Chính người con gái đi hỏi con trai, vì con gái được xem là thứ yếu. Hôn nhân giữa những người cùng họ không bị ngăn cấm. Vũ khí của họ gồm có cung, tên, kiếm, giáo, và nỏ làm bằng gỗ tre.

Nhạc cụ họ dùng rất giống nhạc cụ của chúng ta : đàn tì bà, đàn bầu 5 dây, sáo v.v… Họ cũng dùng kèn tù và và trống để báo hiệu cho dân chúng.

Nghi lễ tang của vua bắt đầu 7 ngày sau khi vua mất, còn các quan đại thần thì 3 ngày sau khi mất, và người dân thường 1 ngày sau khi chết. Bất kể chức tước của người mất, thi hài đều được bó lại cẩn thận, sau đó được mang đến bờ biển hoặc bờ sông giữa nhạc trống và điệu múa, và được hỏa thiêu trên dàn củi. Sau khi thi hài của vua được hỏa táng, xương cốt còn lại được bỏ vào hũ làm bằng vàng và ném xuống biển. Còn xương cốt của các quan lại thì đựng trong hũ bạc và ném xuống cửa sông. Với thường dân, hũ đất đựng cốt ném xuống sông là đủ (Đây có thể là phong tục xưa của người Chăm indonesian với nguồn gốc văn hoá sông, nước, biển) hoặc chôn các hủ cốt cùng với một số vật dụng tùy táng, theo kiểu địa táng như người Việt….

Trong quá trình phát triển, có những ảnh hưởng, tác động trong quá trình giao thoa về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa giữa cộng đồng người Chăm với các cộng đồng dân tộc khác như người Việt. Nếu có sự thây đổi về lối sống, sự thay đổi này có sự tác động 2 chiều. Trong đó, người Chăm ảnh hưởng tới người Việt và ngược lại. Ví dụ, ở các hình thức tín ngưỡng, theo các nhà nghiên cứu, một số hình thức thờ cúng, các nghi, lễ,…của cư dân Việt lại có bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của văn hóa Champa như việc tín ngưỡng thờ cúng cá Ông/voi từ người Chăm chuyển sang trở thành thần Nam Hải cự tộc trong cư dân người Việt. Hoặc lễ hội thờ cúng nữ thần Po Inư Nagar/Mẹ xứ sở, đến người Việt gọi là thần Thiên Y A Na/Diễn Ngọc Phi Chúa Ngọc/Bà Chúa Ngọc được thờ cúng tại Điện Hòn Chén (ở Thừa Thiên-Huế), Bà Thu Bồn (Quảng Nam), Tháp Bà ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) và được thờ cúng tại nhiều miễu Bà có khắp ở các làng quê miền Trung.

Các tư liệu cổ còn cho thấy rằng, nhiều sản vật, các loại thực phẩm trồng trọt đã được người Việt và các dân tộc khác du nhập và kế thừa như : Mía, khoai, lúa, bông vải, lúa(Chiêm),.., đồng thời có sự giao thương, hữu hảo và ảnh hưởng qua lại trong văn hóa Chăm và Việt trong các triều đại - đặc biệt là trong giai đoạn Lý -Trần thể hiện qua các mặt âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, đời sống,… [9],[21],[24],[25].

Một phần của tài liệu Đánh giá nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tháp chăm nhằm phục vụ công tác bảo tồn (LA tiến sĩ) (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)