4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.3. Kỹ thuật xây dựng không chất kết dính
Độ kết dính giữa các viên gạch không chỉ do hỗn hợp kết dính mà còn do một kỹ thuật khác nữa-kỹ thuật mài chập. Các viên gạch được mài vào nhau đến khi mặt tiếp xúc thật khít để tạo sự kết dính hoàn toàn trên bề mặt các viên gạch. Như vậy, có thể xác đoán hỗn hợp kết dính đó phải là chất lỏng sền sệt giống như hồ hoặc keo lỏng đồng chất với vật liệu gạch. Hoặc chúng được tạo ra từ việc tiếp xúc giữa 2 viên gạch mộc (gạch chưa nung) trong môi trường nước.
Nghiên cứu sinh nhận định rằng: Sở dĩ người Chăm dùng thứ hỗn hợp kết dính trên thay cho vôi vữa là có lý do. Vấn đề này liên quan đến kỹ thuật xây dựng và trang trí tháp. Về kỹ thuật xây dựng tháp, các viên gạch được liên kết bởi sự tiếp xúc, mài chập với nhau. Hỗn hợp kết dính (kết hợp kỹ thuật mài chập) được tạo ra giữa các viên gạch làm tăng tính ổn định và tăng tính thẩm mỹ cho toàn bộ kiến trúc.( H 2.17, H 2.18, H 2.19). Bằng quan sát, nghiên cứu sinh nhận thấy các Tháp ở Quảng Nam đến Bình Định được xây dựng không có mạch vữa và có thể có điêu khắc trực tiếp trên vật liệu. Quy trình xây tháp và trang trí trên tháp được tiến hành gần như song song, tức là xây đến đâu là trang trí đến đó. Rõ ràng, việc lựa chọn cái gọi là “vữa đất sét” còn do yêu cầu của kỹ thuật trang trí chứ phải không chỉ do yêu cầu của kỹ thuật xây dựng. Bằng cách này, các tháp Chăm có được những kiểu thức kiến trúc đa dạng, những kiểu cách hoa văn trang trí độc đáo, thể hiện tài hoa của những bậc thầy về nghệ thuật xây gạch. Bởi về mặt kiến trúc Tháp, không thể gọi là nghệ thuật khi các phù điêu, các tuợng trên thành tháp, nóc tháp lại lộ rõ ra những mạch hồ và nhất là các mạch hồ này khó có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của miền Trung qua hàng trăm năm.
Tiểu Kết:
Nghiên cứu sinh cho rằng: Những giải pháp nêu trên là kỹ thuật đặc biệt có thể giải thích được khả năng bền vững, không ngã đổ của Tháp dù Tháp được xây dựng khá cao cũng như khả năng thoát nước nhanh từ bề mặt Tháp và khả năng chống xâm thực ngược đến Tháp.
Nghệ thuật xây dựng đối với mỗi Tháp trong mỗi khu vực hay trong từng giai đoạn trước đây của người Chăm xưa ngoài những kỹ thuật truyền thống chung thì có thể vẫn có những kỹ thuật riêng với nhiều khác biệt mà trên hiện trạng còn lại của các di tích Tháp Chăm ở suốt chiều dài của dải đất miền Trung Việt Nam chúng ta có thể thấy được chúng. Nghiên cứu trên các Tháp có niên đại sớm, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng cơ bản là gạch, kỹ thuật xây dựng là khá cao. Trong đó, gạch được xây xếp liền khối cả trong và mặt tường Tháp và được điêu khắc trực tiếp, như các Tháp: Khương Mỹ, Hòa Lai…; Trong giai đoạn tiếp theo thì kỹ thuật xây dựng chỉ chú trọng mặt tường Tháp, trong lòng tường Tháp thường có sự sử dụng tùy tiện vật liệu gạch xây dựng với các kích thước, độ nung khác nhau. Đồng thời giai đoạn này có sự tham gia của điêu khắc đá. Điển hình như Tháp Chiên Đàn ở Quảng Nam và các Tháp ở Bình Định. Ngoài ra, cũng có giai đoạn mà việc xây dựng các Tháp có sự tham gia phổ biến của chất liệu đá như Dương Long, Tháp Đôi ở Quy Nhơn - Bình Định và một số Tháp ở Mỹ Sơn. Và gần đây hơn là các Tháp có niên đại muộn thì lại có xu hướng giản lược hóa, nghèo nàn về cấu trúc và trang trí. Đồng thời kỹ thuật xây dựng bằng chất kết dính như hồ vữa trở nên rõ nét…[29].
Các đền tháp Champa được xây dựng bằng những kỹ thuật, phương pháp đặc biệt từ vật liệu đến việc kết hợp với các chi tiết trang trí kiến trúc trên vật liệu. Kỹ thuật này khá ổn định trong suốt chiều dài lịch sử mặc dù vẫn có những sai lệch ít nhiều tùy theo mỗi vị trí cụ thể và thời gian xây dựng mỗi tháp. Nhưng sự đa dạng trong lịch sử phát triển của kỹ thuật xây dựng Tháp này có thể hiểu được bởi Chămpa là một phức hệ gồm nhiều tiểu quốc khác nhau nên từ ngày xưa có thể có những kỹ thuật xây dựng khác nhau và cũng bởi các Tháp có thể đã trải qua nhiều lần trùng tu trong lịch sử phát triển của nó.