Những nghiên cứu tổng quan

Một phần của tài liệu Đánh giá nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tháp chăm nhằm phục vụ công tác bảo tồn (LA tiến sĩ) (Trang 31 - 33)

4. Phương pháp nghiên cứu

1.4.1. Những nghiên cứu tổng quan

Trong lịch sử vấn đề nghiên cứu về văn hóa Chăm, tác giả các công trình nghiên cứu xưa nay tập trung vào các mảng lớn như lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống xã hội, nghệ thuật dân gian. Có thể nói, những tác giả và công trình nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc còn khiêm tốn so với kho tàng tư liệu văn hóa Chăm.

Nghệ thuật Xây dựng, kiến trúc - điêu khắc Chăm là một nghệ thuật có cơ sở tồn tại khá lâu. Tuy nhiên, khi suy vong, các triều đại Chăm không để lại tư liệu thành văn về lịch sử nghệ thuật Kiến trúc, Xây dựng. Các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm chủ yếu dựa vào nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc. Những

tư liệu về Chăm của Trung Quốc ghi lại chủ yếu trong Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử v.v... Các nhà nghiên cứu tại Việt Nam đều dựa vào những sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm ấp-Hoàn Vương-Chiêm Thành. Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến sử Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại từ thời Lý - Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu,.. không đề cập sâu đến nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng nhà ở, đền tháp,...

Ngoài ra, nghệ thuật xây dựng-kiến trúc Chăm cũng đã thu hút không ít các nhà nghiên cứu, học giả phương Tây. Trong giai đoạn Pháp thuộc (trước 1954), ngay từ những ngày đầu tiên, các nhà nghiên cứu người Pháp đã rất quan tâm đến các di tích Chăm Pa. Dựa trên cơ sở các tư liệu của Trung Quốc và những kết quả nghiên cứu về Chăm, năm 1928, G.L. Maspéro xuất bản cuốn sách về lịch sử vương quốc Chăm: Vương quốc Champa (Le royaume du Champa). Hay vào năm 1906, L. Cadiere xuất bản các bài viết về các di tích Chăm ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Tuy nhiên trong số những người có nhiều cống hiến trên lĩnh vực này, cũng không thể không kể đến hai nhà khảo cứu người Pháp là L.Finot và H.Parmentier. Hai ông không chỉ là những người sớm quan tâm đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm, mà còn để lại những sưu tập, những công trình khảo cứu có giá trị”. Năm 1901, L. Finot xuất bản danh mục các kiến trúc Chăm Pa. Đặc biệt, nổi bật nhất trong lĩnh vực kiến trúc là học giả H.Parmentier mà cuốn sách “Danh mục miêu tả những kiến trúc Chăm ở miền Trung” của ông cũng là một công trình đồ sộ, có giá trị khoa học cao về các công trình kiến trúc mà cho đến nay nó vẫn được xem là kim chỉ nam cho những ai muốn nghiên cứu về nền kiến trúc này và là tư liệu quý giá cho các nhà trùng tu, bảo tồn di tích Chăm sau này khi mà những học giả trước đó thường có những nghiên cứu tổng quan về lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng Chăm và những nét chung về điêu khắc Chăm... Tại Việt Nam-đặc biệt là từ giai đoạn 1954 trở về

sau có các tác giả với các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm, riêng trong các lĩnh vực liên quan đến kiến trúc thì trong thời gian gần đây có các nhà nghiên cứu như: Trần Kỳ Phương với công trình “Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm” (Nxb. Đà Nẵng, 1988); Các tác giả Lưu Trần Tiêu - Ngô Văn Doanh-Nguyễn Quốc Hùng xuất bản cuốn “Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền văn hóa Chăm”, (Nxb. Văn hóa dân tộc, 2000)… Ngoài ra, còn rất nhiều khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn tốt nghiệp cao học về đề tài liên quan đến văn hóa-kiến trúc Chăm như: “Bước đầu tìm hiểu về nhà cửa của đồng bào Chăm (Cam Pini) vùng Phan Rang-Thuận Hải”của tác giả Thành Phần (1979) trong luận văn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp - Hà Nội, ….

Một phần của tài liệu Đánh giá nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tháp chăm nhằm phục vụ công tác bảo tồn (LA tiến sĩ) (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)