Đây là giai đoạn cuối cùng của đào tạo nguồn nhân lực. Việc đánh giá được thực hiện để xem chương trình đào tạo có thực hiện được những mục tiêu đề ra hay không. Với tầm quan trọng như vậy việc tìm ra một hệ thống đánh giá một cách chính xác hiệu quả của các chương trình đào tạo luôn được các nhà nghiên cứu và quản lý đào tạo quan tâm. Do vậy đã có rất nhiều hệ thống được xây dựng và áp dụng. Trong số những hệ thống này, hệ thống đánh giá bốn cấp độ của Kirkpatrick đưa ra năm 1967 và tiếp tục điều chỉnh vào năm 1987 và 1994 được xem là hệ thống nổi tiếng nhất, được công nhận và sử dụng rộng rãi nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo ở các tổ chức (Nguyễn Văn Phượng, 2014). Bốn cấp độ được tác giả trình bày ngay sau đây:
1.2.6.1. Đánh giá phản ứng của người học
Nội dung chính của cấp độ này là tìm hiểu phản ứng của người học, nghĩa là phải trả lời được câu hỏi “Các học viên có cảm thấy đào tạo là bổ ích hay không?”. Tìm hiểu phản ứng của học viên đối với khóa học mà họ tham dự. Thông qua phiếu thăm dò được phát vào cuối khóa học, học viên sẽ bày tỏ ý kiến của mình về những khía cạnh khác nhau của khóa học như: nội dung của chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, giáo viên. Dựa vào phản hồi của học viên các nhà quản lý và giáo viên có thể xác định được những khía cạnh nào của chương trình đào tạo cần được củng cố và phát triển, những khía cạnh nào cần sửa đổi, hoàn thiện.
1.2.6.2. Đánh giá kết quả học tập
Kết quả học tập được xác định dựa trên lượng kiến thức, kỹ năng, thái độ mà học viên tiếp thu được từ khóa học. Ở cấp độ này cũng phải trả lời câu hỏi “Người học đã học được gì?”. Cấp độ này có thể tiến hành trong suốt khóa học và sử dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau như: đánh giá trong quá trình dạy và học, bảng câu hỏi thăm dò ý kiến, khảo sát, quan sát, kiểm tra lý thuyết trên giấy, kiểm tra thực hành, đánh giá theo nhóm.
1.2.6.3. Đánh giá mức độ ứng dụng
Khả năng và mức độ ứng dụng của những kiến thức và kỹ năng học viên đạt được từ khóa học vào công việc của họ là đối tượng đánh giá chủ yếu của cấp độ này. Đây là cấp độ rất phức tạp, cần tiến hành một số bước:
- Trước hết cần trả lời câu hỏi: “Những người tham gia lớp học cần làm gì hoặc phát triển các chương trình gì ở nơi làm việc để sử dụng những hiểu biết và kỹ năng học được”.
- Xây dựng kế hoạch hành động của mỗi học viên ngay sau khóa học. Nhiệm vụ của những người tổ chức đào tạo là làm sao kiểm soát việc thực hiện kế hoạch. Lúc này, cần tạo mối liên hệ giữa các bộ phận nguồn nhân lực với những người lãnh đạo trực tiếp.
- Xác định khoảng thời gian mà sau đó tổ chức sẽ đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo và kết quả thực hiện.
1.2.6.4. Đánh giá tác động, hiệu quả của tổ chức
Ở cấp độ này, đánh giá hiệu quả đào tạo thông qua ảnh hưởng của nó đến hiệu quả công tác. Kết quả công tác bao gồm việc nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm được thời gian, giảm tỉ lệ nghỉ việc, bỏ việc của CBCC. Trong bốn cấp độ, cấp độ này cung cấp những thông tin có giá trị nhất, có sức thuyết phục nhất. Nó phản ánh được mục tiêu cao nhất của tất cả các chương trình đào tạo, đó là lợi ích mà các tổ chức có thể thu được từ kinh phí đầu tư cho đào tạo. Đây là quá trình đánh giá sau đào tạo.