Tạo động lực thúc đẩy CBCC

Một phần của tài liệu Luận văn đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại cơ quan hành chính nhà nước (Trang 43 - 45)

Động lực bắt nguồn từ một thực tế là mọi người đều mong muốn được khẳng định bản thân mình, được thành đạt, được tự chủ và có quyền đối với công việc của mình, cũng như có thu nhập bảo đảm cho cuộc sống cá nhân.

Con người sống và làm việc có những nhu cầu khác nhau, có nhu cầu vật chất, tinh thần, nhu cầu xã hội cũng như nhu cầu hoạt động, làm việc. Đó là đòi hỏi khách quan của mọi con người đảm bảo sự tồn tại và phát triển của họ trong những điều kiện nhất định. Động lực chính là sức mạnh bên trong thúc đẩy con người hoạt động, chỉ đạo hành vi và làm gia tăng lòng quyết tâm bền bỉ giành lấy mục tiêu. Như vậy, động lực làm việc là sự sẵn sàng dồn tâm trí, sức lực theo đuổi mục tiêu của tổ chức để đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Những động lực làm việc cá nhân phục vụ mục tiêu chung, có lợi cho tổ chức, cho xã hội, đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người được xem là động lực trong sáng tốt đẹp.

Từ những quan niệm trên, cho thấy có nhiều cách thức để nâng cao động lực thúc đẩy CBCC:

- Bằng yếu tố vật chất

Yếu tố vật chất được hiểu là: lương, thưởng, các khoản phụ cấp, các khoản phúc lợi xã hội. Đây là nhũng yếu tố con người cần phải có và dùng nó để thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu của mình. Chính vì thế yếu tố vật chất được sử dụng như là một

đòn bẩy để kích thích tính tích cực của CBCC. Yếu tố vật chất luôn được đa số quan tâm khi đề cập đến công việc. CBCC quan tâm tổ chức trả lương bao nhiêu, hưởng những chế độ gì và nhận được những gì nếu họ hoàn thành xuất sắc công việc của mình.

Việc tạo động lực cho người lao động bằng yếu tố vật chất là một công cụ mạnh đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đối với các cơ quan hành chính Nhà nước thì việc áp dụng yếu tố vật chất để tạo động lực cho CBCC là chưa mang lại nhiều ý nghĩa. Bởi vì, mọi yếu tố liên quan đến các khoản thu nhập phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, các chính sách về tiền lương trong hệ thống Ngân sách nhà nước; các cơ quan, tổ chức không thể tùy tiện sử dụng ngân sách để tạo động lực thúc đẩy cho CBCC. Điều này được thể hiện tại Điều 76, Luật CBCC

2008: “Cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy

định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Cán bộ, công chức được khen thưởng do có thành tích xuất sắc hoặc công trạng thì được nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu”.

- Bằng yếu tố tinh thần

Nâng cao động lực thúc đẩy CBCC bằng yếu tố tinh thần là dùng lợi ích tinh thần để nâng cao tính tích cực, khả năng làm việc của CBCC. Yếu tố tinh thần là những yếu tố thuộc về tâm lý của con người và không thể định lượng được như: khen thưởng, tuyên dương, ý thức thành đạt, sự kiểm soát cá nhân đối với công việc.

Các yếu tố này đem lại sự thỏa mãn về tinh thần cho CBCC, sẽ tạo ra tâm lý tin tưởng, cảm giác an toàn cho CBCC. Phần thưởng tinh thần luôn là động lực có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ đối với CBCC. Nếu CBCC làm việc với tinh thần phấn chấn thì công việc sẽ rất hiệu quả.

- Cải thiện điều kiện làm việc

Cải thiện điều kiện làm việc là thực hiện tốt các chính sách an toàn lao động, đầu tư máy móc thiết bị để tăng hiệu quả làm việc và cải thiện môi trường xung quanh người lao động. Cải thiện điều kiện làm việc không những bảo vệ sức khỏe cho CBCC mà còn năng cao khả năng cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu công việc và cũng làm hài lòng người dân. Tình trạng môi trường làm việc bao gồm các yếu tố: ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh, bụi, độ ẩm, thành phần không khí... Tình trạng môi trường làm việc kém có thể làm năng suất lao động giảm. Về điều kiện làm việc của

CBCC được Đảng và Nhà nước đặc biệt quân tâm và đã được thể hiện cụ thể tại Chương VII Luật CBCC 2008 như có công sở, nhà ở công vụ, trang thiết bị làm việc trong công sở, phương tiện đi lại để thi hành công vụ.

- Sự thăng tiến hợp lý

Ngoài những nhu cầu về vật chất, nhu cầu được khẳng định mình luôn dành vị trí rất lớn trong mục tiêu sống của hầu hết mọi người, biểu hiện của nó là sự khát khao được thăng tiến trong cuộc đời, sự nghiệp. Người được thăng tiến sẽ có được sự thừa nhận, kính nể của nhiều người. Lúc đó, con người thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng. Vì vậy, mọi người lao động đều có tinh thần cầu tiến, họ nỗ lực làm việc để tìm kiếm một vị trí tốt hơn trong sự nghiệp của mình. Nói cách khác, sự thăng tiến là một trong những động lực thúc đẩy người lao động làm việc.

Nắm bắt được nhu cầu này, Điều 51 Luật CBCC 2008 cũng đã có quy định về bổ nhiệm chức vụ quản lý. Trong đó, tùy thuộc vào nhu cầu của tổ chức và điều kiện tiêu chuẩn đi kèm được tổ chức công bố để CBCC biết và có hướng phấn đấu rèn luyện.

- Thay đổi vị trí làm việc

Thay đổi vị trí làm việc có nghĩa là đặt người lao động vào những vị trí công việc mới, khác hẳn so với công việc hiện tại. Bằng cách thay đổi vị trí làm việc, có thể tạo ra động cơ thúc đẩy người lao động làm việc hiệu quả hơn, bởi vì người lao động có những mối quan tâm hay sở thích mới, muốn học hỏi thêm nhiều kỹ năng và kiến thức trong khi đó sẽ không thể thực hiện việc này nếu ở công việc hiện tại. Nhờ thay đổi vị trí công việc, người lao động có điều kiện thử sức mình trong vai trò mới, tích lũy thêm kinh nghiệm, chuyên môn, tìm cơ hội khẳng định bản thân.

Đối với vấn đề thay đổi vị trí làm việc của CBCC cũng được quy định tại Điều 51 về điều động công chức và Điều 52 về luân chuyển công chức của Luật CBCC 2008. Thay đổi vị trí làm việc được thực hiện bằng cách luân phiên công việc của CBCC để họ có thể thử sức của mình ở nhiều công việc khác nhau, từ đó có thể tìm ra những vị trí công việc phù hợp với sở trường của CBCC.

Một phần của tài liệu Luận văn đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại cơ quan hành chính nhà nước (Trang 43 - 45)