Phong cách làm việc của nhà lãnh đạo là tổng thể các biện pháp, thói quen, các cách cư xử đặc trưng mà người đó sử dụng trong quá trình giải quyết công việc hàng ngày để hoàn thành nhiệm vụ.
Từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn tâm lý học, vấn đề quản lý trong đó nổi bật là phong cách lãnh đạo đã được bàn nhiều trong các công trình khoa học và thường khái niệm phong cách lãnh đạo thường được hiểu theo các góc độ sau:
- Được coi là một nhân tố quan trọng của người quản lý, lãnh đạo; nó gắn liền với kiểu người lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý con người.
- Phong cách lãnh đạo không chỉ thể hiện về mặt khoa học và tổ chức lãnh đạo, quản lý mà còn thể hiện, tài năng, chí hướng, nghệ thuật điều khiển, tác động người khác của người lãnh đạo.
- Phong cách lãnh đạo là cách thức làm việc của nhà lãnh đạo
- Phong cách lãnh đạo là hệ thống các dấu hiệu đặc trưng của hoạt động quản lý của nhà lãnh đạo, được quy định bởi các đặc điểm nhân cách của họ.
- Phong cách lãnh đạo là kết quả của mối quan hệ giữa cá nhân và sự kiện và được biểu hiện bằng công thức: Phong cách lãnh đạo = cá tính x môi trường.
Nhìn chung những định nghĩa trên đã đề cập và phản ánh khá rõ nhiều mặt, nhiều đặc trưng khác nhau của phong cách lãnh đạo. Tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa chỉ nhấn mạnh đến mặt chủ quan, mặt cá tính của chủ thể lãnh đạo chứ chưa đề cập, xem xét phong cách lãnh đạo như một kiểu hoạt động. Kiểu hoạt động đó được diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường xã hội trong đó có sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng, của nền văn hoá... Như vậy chúng ta có thể định nghĩa phong cách lãnh đạo như sau: Phong cách lãnh đạo là kiểu hoạt động đặc thù của người lãnh đạo được hình thành trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và tác động qua lại biện chứng giữa yếu tố tâm lý chủ quan của người lãnh đạo và yếu tố môi trường xã hội trong hệ thống quản lý
Trong tâm lý học nước ngoài đã có một số nghiên cứu về phong cách lãnh đạo, đặc biệt là nghiên cứu của các nhà tâm lý học Xô viết: A.L. Xvenxinsky, P.X. Xakurop, A.L. Zurapnop, V.Ph. Rupakhin…, của tâm lý học phương Tây trong đó nổi trội là K. Lewin.
Đã có một số định nghĩa về phong cách lãnh đạo, điểm chung của các định nghĩa này là đều xem phong cách lãnh đạo là hệ thống các phương pháp mà người
lãnh đạo sử dụng trong hoạt động quản lý của mình để tác động đến những người thừa hành.
Phân tích các định nghĩa về phong cách lãnh đạo chúng ta có thể đi đến khái niệm chung như sau: Phong cách lãnh đạo của một cá nhân là dạng hành vi người đó thể hiện khi thực hiện các nỗ lực ảnh hưởng tới hoạt động của những người khác theo nhận thức của đối tượng.
Việc tìm hiểu phong cách lãnh đạo trước hết cần xem xét vấn đề về chức năng và cấu trúc của nó. Chức năng chung của phong cách lãnh đạo thể hiện khả năng thích ứng của người lãnh đạo với những điều kiện đặc thù của hoạt động quản lý. Chức năng này được xem xét như là sự thống nhất giữa hai chức năng thành phần:
Chức năng thứ nhất – sự thích ứng của hoạt động quản lý đối với các điều kiện khách quan, bên ngoài (thích ứng với môi trường); chức năng xã hội của phong cách lãnh đạo.
Chức năng thứ hai – sự thích ứng của hoạt động quản lý đối với chủ thể của chính hoạt động quản lý (tự thích ứng với bản thân); chức năng tâm lý của phong cách lãnh đạo.
Như vậy, phong cách lãnh đạo là các phương pháp quản lý được hình thành trên sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan của môi trường và các yếu tố chủ quan của người lãnh đạo. Phong cách lãnh đạo được xem là điều kiện tiên quyết và là kết quả của mức độ phát triển của nhóm (tổ chức). Phong cách lãnh đạo phụ thuộc vào hoạt động chung của tổ chức. Nói cách khác, nó phụ thuộc vào các quan hệ liên nhân cách trong tổ chức.