V. Phân tích các điều kiện để thực hiện được từng phương án chiến lược
1. Phương án chiến lược S/O
“Tận dụng năng lực sản xuất tương đối lớn và mạng lưới phân phối khá mạnh ở miền Bắc, tích cực nâng cao năng suất lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao”
Xem xét các điều kiện bên trong doanh nghiệp:
Việc “tận dụng năng lực sản xuất tương đối lớn và tích cực nâng cao năng suất lao động” đặt ra yêu cầu công ty trước hết phải duy trì năng lực sản xuất của mình. Điều đó đòi hỏi công ty phải thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng cũng như sửa
chữa hệ thống máy móc thiết bị của mình. Công ty cũng cần đảm bảo nguồn nhân lực ổn định đặc biệt là khả năng huy động nhân lực vào thời điểm mùa vụ khi mà nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo tăng cao. Bên cạnh đó công ty phải duy trì được hiệu quả hoạt động của mạng lưới phân phối khá mạnh ở miền Bắc, mở thêm văn phòng đại diện ở miền Trung và miền Nam. Giải quyết tính mất cân đối về mạng lưới phân phối giữa các miền nhằm đảm bảo mức độ bao phủ và hiệu quả của kênh phân phối. Để tăng cường được tính hiệu quả của hệ thống kênh phân phối vốn có của doanh nghiệp, công ty cần có chính sách với khối đại lý thích hợp, như chiết khấu, giảm giá hàng bán hoặc thưởng cho các đại lý nếu họ đạt hoặc vượt chỉ tiêu đã đề ra. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên bán hàng định kỳ, đồng thời các nhân viên kinh doanh sẽ phải tổng kết, đánh giá thị trường mà mình phụ trách để kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh và có những điều chỉnh thích hợp.
Xem xét nội lực của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, ta thấy có những điều kiện nhất định để thực hiện phương án chiến lược này. Hiện nay công ty đã trích 20% trong quỹ khấu hao để duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ... Với số lượng công nhân thường xuyên tại công ty là hơn 900 người đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất hiện tại của công ty hiện nay. Trong những điều kiện cần bổ sung nhân lực để đáp ứng nhu cầu thời vụ (như bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển, giao hàng, đóng gói) thì công ty đều có thể huy động được. Đứng trước cơ hội nhu cầu thị trường đang lên cao, công ty xác định khách hàng chủ yếu là đối tượng có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Như vậy chiến lược cạnh tranh mà công ty nên theo đuổi là chiến lược chi phí thấp. Chiến lược này yêu cầu công ty phải liên tục thực hiện những biện pháp để kiểm soát chi phí. Chỉ có vậy mới đảm bảo lợi thế về chi phí và tận dụng được cơ hội khi mà nhu cầu thị trường đang lên cao. Để thực hiện giảm giá thành sản phẩm Hữu Nghị phải giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở thực hiện đồng bộ các biện pháp như : Giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí tiền lương, giảm chi phí cố định, như vậy công ty sẽ có lợi thế cạnh tranh về tiêu thụ so với các doanh nghiệp khác trong ngành, khối lượng sản phẩm tăng, doanh thu tăng, lợi nhuận của công ty tăng. Thứ hai, công ty cần chú ý tới vấn đề giảm chi phí thương mại. Giảm chi phí thương mại không tính vào giá thành sản phẩm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Do vậy công ty cần phải giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí bán hàng. Xét trong tình hình hiện nay ta thấy, các chính sách áp dụng cho khối đại lý của công ty đã phát huy được những hiệu quả nhất định, xong điều đó không thực sự có ý nghĩa lớn khi mà khách hàng cuối cùng
của công ty là người tiêu dùng cá nhân. Do đó cần phải có những biện pháp khuyến khích tiêu thụ phù hợp với đối tượng là người tiêu dùng cuối cùng thì mới nắm bắt được cơ hội nhu cầu thị trường đang lên cao.
Thực hiện phương án này sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định:
Thuận lợi: Việc tận dụng những điểm mạnh của công ty sẽ không đòi hỏi
công ty phải đầu tư thêm quá lớn. Điều này giải thích tại sao đây là phương án có tỷ lệ lựa chọn để sử dụng khá cao khi phân tích chiến lược.
Khó khăn: Việc theo đuổi chiến lược chi phí thấp đòi hỏi công ty phải có
những chính sách kiểm soát chi phí tối đa. Tuy nhiên việc giảm giá nguyên liệu đầu vào không phải lúc nào cũng đạt được vì xu thế chung thị trường hiện nay là tăng giá nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường lên cao nhưng đi đôi với nó là yêu cầu của khách hàng cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Trong khi đó các đối thủ cạnh tranh xuất hiện nhiều trên thị trường với mẫu mã, chủng loại khá hấp dẫn, khiến cho áp lực cạnh tranh ngày càng cao.