Từ Hải khi tỏ tình với Thúy Kiều

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 85 - 86)

Chương III: Đặc điểm lập luận của nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải với việc thể hiện tính cách các nhân vật này

3.3.1.Từ Hải khi tỏ tình với Thúy Kiều

Khi tỏ tình với Kiều, Từ Hải đã là đấng nam nhi vẫy vùng trời bể. Thúy Kiều khi đó cũng là người phụ nữ đã nếm trải nhiều cay đắng, thăng trầm, nàng đã phần nào dạn dĩ và cũng đủ tinh nhạy để hiểu đâu là bờ vai mình có thể dựa vào. Cả điều kiện chủ quan và khách quan đều giúp Từ Hải và Thúy Kiều nhanh chóng nhận ra nhau.

Tỏ tình với Kiều, Từ Hải dùng 3 lập luận, luận cứ trong lời tỏ tình của chàng xoay quanh hai chủ đề:

- Trân trọng khí tiết, tài năng của Thúy Kiều, trọng người tri kỉ (“Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”, “Lời nói hữu tình/ Khiến người lại nhớ câu Bình nguyên quân”, “Khen cho con mắt tinh đời”…).

- Thể hiện tư thế của người anh hùng (“Khen cho (con mắt tinh đời)”, “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!/ Một lời đã biết đến ta”…).

Từ Hải đã biết đến và trân trọng những nét đẹp mặn mà, sắc sảo, khí tiết của Thúy Kiều. Điều này có thể hiểu được vì Từ Hải là đấng anh hùng dọc ngang trời đất. Lứa tuổi và thiên hướng, lí tưởng đã chi phối đến cách nhìn nhận, quan điểm của chàng.

Ngay cả khi tỏ tình với Kiều ở chốn lầu xanh, Từ Hải vẫn tự tại, đường hoàng; trong cách nói, cách hỏi và nội dung luận cứ đều toát lên khí phách, tư thế của người đàn ông “đầu đội trời, chân đạp đất” phóng khoáng, mạnh mẽ. Và trong những lời tỏ tình này, Từ Hải nắm thế của người chủ động: “Lại đây xem lại cho gần/ Phỏng tin được một vài phần hay không?”, “Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!”.

Chẳng hạn, sau khi nghe Thúy Kiều nói về mình: “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”, Từ “Cười rằng: Tri kỉ trước sau mấy người? (p1)/ Khen cho

con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!/ Một lời đã biết đến ta (p2)/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau! (r)” [2200-2204]

Tri kỉ là người hiểu mình. Chỉ cần nhìn một cái, nghe một câu là hiểu. Tìm được một người tri kỉ thật khó khăn hi hữu. Người gặp được tri kỉ là người rất may mắn, hạnh phúc. Từ Hải khen Kiều trong đám bụi bặm, đầy những người vũ phu mà nhận diện ra được người anh hùng thì phải là người có con mắt rất tinh. Một lời nói thôi cũng đủ chứng tỏ là hiểu được mình. Khi tìm được người tri kỉ rồi thì cái gì cũng có thể chia sẻ với nhau được, không có gì thành vấn đề cả - “Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” – kết luận này có thể coi như một lời hẹn ước, thề nguyền gắn bó của Từ Hải với Thúy Kiều.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 85 - 86)