Các chỉ dẫn lập luận

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 50 - 54)

của các nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hả

2.2.3. Các chỉ dẫn lập luận

2.2.3.1. Kim Trọng

a. Kết tử lập luận và tác tử lập luận

Trong 20 lập luận, có 4 lập luận sử dụng kết tử lập luận (20%): (1) “Dù chăng xét tấm tình si/ Thiệt đây mà có ích gì đến ai?”.

(2) “Khuôn thiêng dù phụ tấc thành/ Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời”. (3) “Ví dù giải cấu đến điều/ Thì đem vàng đá má liều với thân”.

(4) “Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh!”. Có 2 lập luận mà luận cứ sử dụng tác tử lập luận (10%):

(1) “Bấy nay mới được một ngày”.

(2) “Những là đắp nhớ đổi sầu/ Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”. Có thể thấy trong các lập luận của Kim Trọng, kết tử lập luận và tác tử được sử dụng rất hạn chế. Nếu như kết tử lập luận được sử dụng để nối các luận cứ với luận cứ, luận cứ với kết luận thì trong lập luận của Kim Trọng, vai trò kết nối hầu như được chuyển hoàn toàn cho tính mạch lạch về nội dung của lập luận (thay vì liên kết về hình thức là liên kết về nội dung). Tác tử lập luận có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ sắc thái của luận cứ thì ở đây, vai trò này lại được chuyển cho Các dấu hiệu giá trị học ta sẽ làm rõ sau đây.

b. Dấu hiệu giá trị học

Trong 20 lập luận của Kim Trọng có 5 lập luận sử dụng các điển tích, điển cố làm luận cứ (25%). Cụ thể là:

(1) “Trần trần một phận ấp cây đã liều!”. Ấp cây: Chuyện xưa của người Trung Quốc, rằng Vĩ sinh người nước Lỗ thời Xuân Thu hẹn với một người con gái gặp nhau ở dưới cầu, Vĩ sinh đứng chờ không thấy người con gái đến, nước lên, Vĩ sinh cứ đứng không đi, ôm cột cầu mà chết.[1; 21]

(2) “Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này!”. Nàng Ban ả Tạ: Ban Chiêu đời Đông Hán, em gái Ban cố và Tạ Đạo Uẩn, cháu Tạ An đời Tấn, là người đàn bà có tiếng học giỏi, thơ hay [1; 15]

(3) “Chày sương chưa nện cầu Lam”. Cầu Lam: Bùi Hàng đời Đường sau khi thi hỏng đến Lam kiều (ở Lam Điền, Thiểm Tây) gặp một bà già nói rằng: Hôm trước có thần tiên cho một liều linh dược nhưng phải có chày ngọc để giã, được chày ấy thì lấy được vợ. Hàng tìm được chày Ngọc, giã thuốc một trăm ngày rồi lấy được Vân Anh rồi thành tiên cùng đi mất. Chày ngọc chưa được giã thuốc ở Lam Điền ý nói chưa thành vợ chồng. [1; 57]

(4) “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Chung Kỳ: Chung Tử Kỳ, người thời Xuân Thu, bạn tri âm của Bá Nha. Một hôm, Bá Nha đàn mà bụng nghĩ đến núi, Tử Kỳ khen: tiếng đàn vòi vọi như núi cao. Đến khi Bá Nha đàn mà bụng nghĩ đến sông, Tử Kỳ khen: tiếng đàn cuồn cuộn như nước chảy. Khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn đi không gảy nữa. [1; 92]

(5) “Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!”. Chàng Tiêu: Vợ Tiêu lang là Lục Châu bị bắt dâng cho Quách Tử Nghi, từ đó Tiêu lang gặp vợ cứ phải làm lơ như khách qua đường. [1; 74]

Ngoài ra, cũng có một kết luận sử dụng điển cố, điển tích: “Biết đâu Hợp phố mà mong châu về?”. Hợp phố: Quận xưa của Quảng Đông ngày nay. Trong quận sản xuất hạt châu, truyền rằng đời Hậu Hán có viên thái thú tham bạo bắt dân lấy hạt châu quá ngặt, châu bỏ rời sang quận khác. Khi Mạnh Thường Bổ đến thay, bỏ tệ cũ, cho dân tự do tìm kiếm thì châu lại trở về. [1; 184]

Với số lượng sử dụng điển tích, điển cố đáng kể xuất hiện trong lập luận, có thể thấy Kim Trọng là một thư sinh học hành chỉn chu, sự nói năng theo đúng chuẩn của tầng lớp trí thức quý tộc xã hội phong kiến, không tầm chương trích cú thì cũng dùng điển cố, điển tích.

3/6 điển cố, điển tích này đều là những câu chuyện tình yêu đối lứa; 1/6 là câu chuyện về tình cảm tri âm, tri kỉ. Điều này phần nào cho thấy chuyện yêu đương chàng thư sinh này cũng khá… sách vở. Rất lãng mạn, thậm chí “sến sẩm”

(nghe những lời anh tỏ tình sống chết với Kiều là đủ thấy!) nhưng cũng có phần cứng nhắc – thực tế là trong hành trình tìm kiếm Kiều, động lực mãnh mẽ nhất thôi thúc chàng có lẽ là để giữ lời thề nguyền trước đây: với bậc nam tử khá mẫu mực của tầng lớp trí thức phong kiến này, lời nói ra là “Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”. Chưa bao giờ Kim Trọng nói rằng phải tìm Kiều vì tình yêu dành cho nàng quá lớn mà trước sau là vì “trăng thề còn đó trơ trơ” (vấn đề này sẽ được làm rõ hơn trong Chương III. Đặc điểm lập luận của nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải với việc thể hiện tính cách các nhân vật này).

2/6 điển cố, điển tích được nhắc đến để ca ngợi vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều. Hơn nữa, còn cần nhắc đến 9 lập luận khác chứa luận cứ có những từ ngữ đẹp đẽ, cao quý để chỉ vẻ đẹp, tài năng của nàng Kiều: “báu”, “thơm rơi”, “đài gương”, khuôn thiêng”, “lượng xuân”, “châu ngọc”, “vàng ngọc”, “lá hoa”, “trăng”, “gương trong”. Điều này cho thấy Kim Trọng đặc biệt trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp và tài năng của Kiều.

Trong các lập luận của mình, Kim Trọng cũng sử dụng không ít biện pháp nói quá khi bày tỏ tình yêu dành cho Kiều. Trên thực tế, quả chàng có si mê nàng đến mức dò hỏi bằng được nhà Kiều, thuê trọ ngay sát nhà nàng và võ võ đợi chờ đến hai tuần trăng. Nhưng có lẽ chưa đến nỗi như chàng nói: “Xương mai tính đã rũ mòn”, “Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời”, “Những là đắp nhớ đổi sầu/ Tuyết

sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”, “Thì đem vàng đá mà liều với thân!”. Nhưng tất cả những điều này chỉ khiến Kim Trọng thêm đáng yêu! Mối tình đầu trong sáng, ngọt ngào, chàng đã hiến dâng cho nó những gì hồn nhiên, say đắm nhất!

2.2.3.2. Nhân vật Thúc Sinh

a. Kết tử lập luận và tác tử lập luận

Trong các lập luận của mình, nhân vật Thúc Sinh chỉ sử dụng 2 lần kết tử lập luận trong 2 lập luận (11,1%):

- “Tại tôi hứng lấy một tay/ Để nàng cho đến nỗi này vì tôi” (Ở đây, “tại” = vì).

Và 1 tác tử lập luận (5,6%):

“Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường.

Nữa khi giông tố phũ phàng,

Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây”.

Kết tử lập luận và tác tử lập luận được sử dụng rất hạn chế trong lập luận của Thúc Sinh. Vai trò kết nối luận cứ với luận cứ, luận cứ với kết luận cũng như biểu thị sắc thái của lập luận không được thể hiện qua hai yếu tố này mà thuộc về tính mạch lạc của nội dung trong các lập luận.

b. Những dấu hiệu giá trị học

Những từ ngữ được Thúc Sinh sử dụng thường là “đao to búa lớn” (4/18 lập luận ~ 22,2%), có thể kể đến như “tương tri”, “nước non”, “trăm năm”, “vuông tròn”, “ngọn nguồn lạch sông”, “phong ba”, “sấm sét, búa rìu”…; mang sắc thái than vãn, đau buồn (7/18 lập luận ~ 38,9%), chẳng hạn: “tại tôi”, “vì tôi”, “…thế ấy… thế này”, “ai hay…”, “thương ôi”, “đau lòng”…

Những đặc điểm này phản ánh hai vấn đề nổi bật và thống nhất với đặc điểm của những yếu tố khác trong lập luận của Thúc Sinh đó là sự sáo rỗng, thích “nổ”, thích thể hiện nhưng sướt mướt, yếu đuối, ươn hèn.

2.2.3.3. Nhân vật Từ Hải

Trong các lập luận của Từ Hải, không sử dụng tác tử lập luận, chỉ sử dụng 1 lần kết tử lập luận: “Huống chi cũng là việc nhà”.

Ở đây, đặc điểm nổi bật là yếu tố dấu hiệu giá trị học với việc Từ Hải sử dụng rất nhiều lần từ ngữ thể hiện khát vọng anh hùng của mình. Từ “anh hùng” xuất hiện 5 lần ở 4 lập luận (44,4%). Ngoài ra, các từ ngữ thể hiện mộng anh hùng: phi thường, (riêng một) biên thùy, bốn bể, chọc trời, khuấy nước… cũng xuất hiện hô ứng bên cạnh từ “anh hùng”:

(1) “Một đời được mấy anh hùng”.

(2) “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!”. (3) “Anh hùng mới biết anh hùng”.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến từ “tri kỉ” được nhắc đến trong 2 lập luận (22,2%) và những từ ngữ có ý nhắc đến phạm trù tri kỉ được nhắc đến 2 lần (22,2%): “Bình nguyên quân”, “tâm phúc tương tri”.

(1) “Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người?”. (2) “Khiến người lại nhớ câu Bình nguyên quân”. (3) “Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?”. (4) “Từ rằng: Tâm phúc tương tri…”.

Đáng lưu ý, 2 lần từ “tri kỉ” được nhắc đến là cả 2 lần đều sánh đôi với từ “anh hùng”:

(1) “Từ rằng: “Tri kỉ trước sau mấy người/… Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.

(2) “Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?/ Anh hùng tiếng đã gọi rằng…”.

Điều này cho thấy, ở Từ Hải, luôn sóng đôi mộng anh hùng và mộng tri âm. Đặc điểm này phản ánh hai đặc điểm trong con người Từ Hải nhưng từ đó cùng dẫn đến hai hệ lụy. Một, Từ Hải là con người cô đơn đến tận cùng trên con đường thực hiện mộng anh hùng. Con đường đó chàng không tìm được tri âm nên luôn luôn khao khát. Hai, dĩ nhiên, mộng anh hùng là điều đi trước, sau đó mới đến mộng tri âm nhưng khi đã gặp được tri âm, chàng nâng niu rất mực. Thậm chí đến mức mù quáng. Cả hai điều này dẫn đến một hệ lụy lên đến đỉnh điểm là khi Thúy Kiều, người con gái mà chàng ngỡ là tri âm – ngỡ là đích đến cuối cùng của đời mình thực ra lại không đồng điệu mộng anh hùng với mình, một mực khuyên chàng ra hàng. Chàng nghe lời Kiều và phải chuốc lấy cái chết đứng đầy oan ức giữa trận tiền.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w