Khi tỏ tình với Thúy Kiều

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 88 - 90)

Chương III: Đặc điểm lập luận của nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải với việc thể hiện tính cách các nhân vật này

3.4.1. Khi tỏ tình với Thúy Kiều

Tỏ tình với Thúy Kiều, Kim Trọng dùng đến 5 lập luận. Trong khi đó, Từ Hải chỉ dùng 3 lập luận. Chàng Kim tỏ tình với Thúy Kiều khi là một chàng thư sinh tuổi mới đôi tám, lại sau bao đợi chờ mong ngóng tưởng chẳng có chút hi

vọng; Thúy Kiều lại bẽn lẽn, ngượng ngập… bởi vậy, có cơ hội gặp người ngọc, chàng phải “liều mình” mà dạt dào bày tỏ nỗi lòng. Từ Hải thì khác. Chàng khi đó đã là đấng nam nhi vẫy vùng trời bể, “một là một, hai là hai” trọng hành động hơn lời nói, không ưa dài dòng. Thúy Kiều khi đó cũng là người phụ nữ từng trải đủ tinh nhạy để hiểu đâu là bờ vai mình có thể dựa vào. Cả điều kiện chủ quan và khách quan đều giúp Từ Hải và Thúy Kiều nhanh chóng nhận ra nhau.

Cả Kim Trọng và Từ Hải đều biết đến và trân trọng những nét đẹp của Thúy Kiều. Tuy nhiên, Kim Trọng đề cập nhiều đến nét đẹp yểu điệu, nữ tính, ngọc ngà của Thúy Kiều (thơm rơi, lượng xuân…) còn Từ Hải lại trọng vẻ mặn mà, sắc sảo, khí tiết của nàng (“mắt xanh chẳng để ai vào”…). Điều này có thể hiểu được vì Kim Trọng là chàng thư sinh mới lớn còn Từ Hải là đấng anh hùng dọc ngang trời đất. Lứa tuổi và thiên hướng, lí tưởng đã chi phối đến cách nhìn nhận, quan điểm của hai người.

Bên cạnh đó, chàng Kim là chàng thư sinh mới lớn si tình nên thiết tha bày tỏ tình cảm, tưởng có thể chết đi được vì nhớ mong! Từ Hải tự tại, đường hoàng (ngay cả khi ở chốn lầu xanh), trong cách nói, cách hỏi và nội dung luận cứ đều toát lên khí phách, tư thế của người đàn ông “đầu đội trời, chân đạp đất” phóng khoáng, mạnh mẽ.

Tương đồng với luận cứ, các kết luận trong từng lập luận của hai nhân vật cũng có những màu sắc khác nhau. Tuy cùng đề tài tỏ tình song Kim Trọng một mực tha thiết, trăn trở và thể hiện rõ mình ở thế yếu trong cuộc đối thoại (“Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là”…) Từ Hải lại nắm thế của người chủ động (“Lại đây xem lại cho gần/ Phỏng tin được một vài phần hay không?”…)

Trong ba nhân vật, Thúc Sinh không được nhắc đến “giai đoạn” tỏ tình với Thúy Kiều, dù chàng giống Từ Hải ở điểm cùng gặp gỡ và yêu Thúy Kiều ở lầu xanh. Chàng Thúc đến với nàng Kiều không phải như Kim Trọng đến với nàng bằng những rung động đầu đời say mê và thuần khiết; cũng không được như Từ Hải đến với Kiều là anh hùng tìm đến tri âm, tri kỉ. Thực tế này cho thấy Thúc Sinh đến với Thúy Kiều hoàn toàn bằng nhục cảm.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w