Trong những ngày xa Kiều

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 91 - 92)

Chương III: Đặc điểm lập luận của nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải với việc thể hiện tính cách các nhân vật này

3.4.4. Trong những ngày xa Kiều

Từ Hải có một năm chinh chiến, phải tạm xa người vợ mới cưới song Nguyễn Du không thể hiện con người chàng trong những ngày tháng này. Dầu vậy, người đọc cũng có thể hiểu rằng với khí phách của Từ Hải, những ngày tháng đó trôi qua rất nhanh với biết bao hành động quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát. Con người ấy khi cần có thể tạm gác việc tình cảm sang một bên để toàn tâm toàn ý cho nghiệp lớn.

Với Kim Trọng, sau 3 năm chịu tang từ Liêu Dương trở lại vườn Thúy, biết nỗi bất hạnh của nàng, chàng chỉ biết khóc than vật vã. 12 năm sau đó, chàng và Kiều mỗi người một nơi nhưng dường như tâm trí chàng không khi nào nguôi nhớ về nàng với nỗi dằn vặt, tự trách mình, xót thương nàng.

Còn Thúc Sinh, sau khi rời Thúy Kiều, dù biết mình là kẻ “cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu” nhưng chẳng nghe lời Kiều căn dặn, không hé răng nửa lời với Hoạn Thư. Sau đó, trở lại với Kiều, nghe tin nàng chết, anh ta vật mình than khóc, kể lể. Giống như Kim Trọng, Thúc Sinh cũng bày tỏ lòng xót thương với Kiều và than trách cuộc đời bất công “Con người thế ấy, thác oan thế này”. Nhưng khác với chàng Kim, nhớ về Kiều, anh ta chỉ nhớ đến chuyện ái ân và tiếc rẻ vì “Thân này đã dễ mấy lần gặp tiên!”.

Chưa hết, dù rằng biết chuyện tìm Kiều là “đáy bể mò kim” “bóng chim tăm cá” nhưng chàng Kim Trọng chưa bao giờ ngừng hi vọng, dù chỉ một tia cơ hội lóe lên chàng sẵn sàng lăn xả. Nhưng Thúc Sinh, ngay cả khi được thầy đồng cốt chỉ rõ rằng Kiều vẫn còn sống, anh ta hoàn toàn không tin và phủ nhận “Chẳng qua đồng cốt quàng xiên/ Người đâu mà lại thấy trên cõi trần?”. Cái anh ta tin là cái xác khô cháy không rõ hình rõ dáng. Rõ ràng, khác với Kim Trọng, con người này không sâu nặng với Thúy Kiều và hoàn toàn không có lòng tin, không bền lòng với chữ tình.

Dựa vào lập luận của mỗi nhân vật khi xa Thúy Kiều, có thể thấy Kim Trọng là một người yêu chung thủy, tha thiết với lời thề xưa. Ngược lại, Thúc Sinh chỉ yêu Kiều vì nhục cảm, không có sự đồng điệu về tâm hồn, càng không có sự bền lòng với tình yêu.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 91 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w