Ngày gặp lại Thúy Kiều

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 92 - 98)

Chương III: Đặc điểm lập luận của nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải với việc thể hiện tính cách các nhân vật này

3.4.5. Ngày gặp lại Thúy Kiều

Ba nhân vật đều có những ngày tái ngộ với Thúy Kiều, tuy nhiên, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Kim Trọng gặp lại người yêu sau 15 năm nàng chìm nổi và nay, chàng Kim cũng đã kết duyên với em gái Kiều, sinh con đẻ cái. Thúc Sinh gặp Thúy Kiều ở ngay chính nhà vợ, trong hoàn cảnh éo le: bị Hoạn Thư làm cho “thành ra con ở chúa nhà đôi nơi”. Từ gặp lại vợ sau một năm chinh chiến, khải hoàn trở về. Các thành phần lập luận của mỗi nhân vật đã phản ánh đặc điểm tính cách từng người.

nối lại duyên xưa. Để khẳng định những mong muốn đó, chàng Kim vẫn một lòng trân trọng vẻ đẹp trong tâm hồn, nhân cách của Thúy Kiều và mãi nhớ lời thề nguyền dưới trăng ngày trước. Có thể thấy Kim Trọng yêu Kiều bằng kỉ niệm, không đếm xỉa đến hiện tại đã đổi thay, biến cố. Điều đó phản ánh lòng sắt son, chung thủy hiếm có của chàng trong bối cảnh xã hội phong kiến còn nặng nề chuyện trinh tiết. Bên cạnh đó, còn có thể thấy rằng nếu như khi gặp gỡ - tỏ tình, Kim Trọng thuyết phục Thúy Kiều bằng trái tim rẩy tình yêu thì nay, chàng buộc phải dùng đến lí trí để thuyết phục Kiều, đó chính là khi chàng Kim phải cắt nghĩa ngọn ngành chữ “trinh” và phân tích – khẳng định vẻ đẹp tiết hạnh trong nhân cách của Kiều không bao giờ tàn phai.

Thúc Sinh gặp lại Kiều thì vừa nhìn vừa run, chỉ sợ Hoạn Thư phát hiện. Thậm chí, trong luận cứ, Thúc Sinh vận dụng mọi phương cách cốt để Kiều “xa chạy cao bay”. Thúc Sinh quả có phần hạn chế về trí tuệ, nhưng chỉ hạn chế khi cần sự suy luận, tinh tế để thấu hiểu, cảm thông cho người khác, còn khi đã lo thiệt đến thân mình, anh ta hoạt ngôn, nhanh nhẹn đáng kinh ngạc! Rõ ràng, con người này ích kỉ vô cùng, “lưỡi không xương” nên trăm đường vẫn có thể lắt léo.

Chỉ riêng Từ Hải có được ngày gặp lại Thúy Kiều đầy viên mãn, hào sảng: Chàng đã chiến thắng trở về, vừa thực hiện được mộng anh hùng vừa làm đẹp lòng người tri kỉ. Gặp Kiều, chàng không kiềm chế được niềm tự hào khẳng định bản lĩnh anh hùng: “Anh hùng mới biết anh hùng/ Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?”. Lập luận của chàng khi vừa gặp Kiều cho thấy hai giấc mộng ấy luôn đau đáu, canh cánh bên chàng.

Ngày gặp lại Thúy Kiều, mỗi nhân vật một hoàn cảnh, một quyết định nhưng tất cả đã cho thấy tấm lòng mỗi nhân vật dành cho Thúy Kiều và cả bản chất con người từng nhân vật. Một Kim Trọng si tình, chung thủy; một Thúc Sinh ích kỉ, sáo rỗng, hèn nhát; một Từ Hải anh hùng và đau đáu mộng tri âm.

Tiểu kết Chương III

Qua tìm hiểu đặc điểm và so sánh lập luận của 3 nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải ta có thể rút ra một số điểm sau:

- Ba nhân vật đã lần lượt cùng Thúy Kiều trải qua hầu hết những giai đoạn của tình yêu: gặp gỡ tỏ tình, thề hẹn, chia li, tái ngộ. Lập luận của mỗi nhân vật đều phản ánh sự yêu mến, trân trọng đối với Thúy Kiều và thể hiện tình yêu dành cho nàng.

Tuy vậy, màu sắc tình yêu, sự quan tâm của mỗi người lại có những đặc điểm khác nhau. Điều đó xuất phát từ đặc điểm tính cách nhân vật.

- Lập luận của Kim Trọng phản ánh khá rõ ràng từng giai đoạn tuổi đời của chàng. Khi còn trẻ thì tình yêu dành cho Kiều là sự si mê, say đắm. Sau nhiều năm tháng từng trải, tình yêu không còn sự cuồng nhiệt, bồng bột mà được chỉ dẫn bởi lí trí và những lời thề nguyền năm xưa.

Tuy vậy, trước sau, Kim Trọng vẫn tỏ ra là một trí thức Nho giáo tiến bộ, dám yêu và dám thủy chung theo đuổi tình yêu đầu đời trong sáng. Bên cạnh đó, cần ghi nhận tấm lòng chân thành Kim Trọng dành cho Thúy Kiều: bất chấp mọi trầm luân đời Kiều, cả khi nàng là người con gái thuần khiết trong sáng hay khi là người phụ nữ đã nếm trải mọi giáng thăng cuộc đời, Kim Trọng vẫn một lòng trân trọng, yêu mến vẻ đẹp, tài năng, nhân cách của nàng. Với Thúy Kiều, Kim Trọng không bao giờ quên lời yêu đã trao, vật thề nguyền đã giữ.

Đáp lại, qua nội dung các lập luận của Kim Trọng cũng có thể thấy Thúy Kiều rất trân trọng và biết ơn tình cảm sâu nặng của chàng Kim. Tuy nhiên, tình yêu đó quá cao thượng để một người phụ nữ đầy tự trọng như Thúy Kiều có thể đón nhận trọn vẹn.

- Với Thúc Sinh, qua những lập luận của anh ta, có thể thấy anh ta yêu Thúy Kiều chủ yếu vì sắc dục. Mọi lập luận từ luận cứ đến kết luận đều hùng hồn, sắt đá nhưng thực tế rất chung chung, sáo rỗng. Lập luận của con người này thiếu sự tinh tế, có hạn chế về mặt trí tuệ khi quan sát, để ý đến những người xung quanh – bất kể đó là ai – song lại vô cùng “nhanh nhạy”, đàn hồi, biến hóa trong mọi tính huống cần thoát thân – bản chất của kẻ ích kỉ, đớn hèn, bạc nhược.

Kiều hiểu Thúc và tình yêu của Thúc nên qua lập luận của Thúc Sinh cũng có thể thấy được sự hoài nghi, lo lắng của Thúy Kiều.

- Mọi lập luận của Từ Hải đều làm toát lên hai ước vọng to lớn song song trong đời chàng: mộng anh hùng và mộng tri âm. Từ Hải đã thể hiện một con người ngang tàng, phóng khoáng, bộc trực, tự tin, thậm chí có đôi phần tự mãn. Với Thúy Kiều, anh rất mực chiều chuộng, tin yêu và coi đó đích thực là tri âm, tri kỉ của đời mình.

Và với tình yêu đó, Từ Hải là chỗ dựa vững chắc cho Thúy Kiều, bên Từ Hải, Kiều hầu như không còn những lo toan, phiền muộn.

KẾT LUẬN

Qua tìm hiểu lập luận của ba nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ta có thể rút ra một số kết luận sau:

1. Lập luận của ba nhân vật nhìn chung đa dạng, phong phú và mỗi nhân vật có những đặc điểm riêng.

- Kim Trọng có 20 lập luận, trong đó, chủ yếu là lập luận đơn (90%), đa số là lập luận chứa luận cứ đồng hướng (55%), chủ yếu lập luận quy nạp (chiếm 90%); xét về sự có mặt của các thành phần lập luận, chiếm tỉ lệ cao là mô hình luận cứ tường minh + hàm ẩn, kết luận tường minh + kết luận hàm ẩn (55%). Bên cạnh đó, luận cứ hàm ẩn và kết luận hàm ẩn cũng chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt , có 25% lập luận sử dụng điển tích, điển cố.

Việc sử dụng kết tử lập luận và tác tử lập luận khá hạn chế. Các dấu hiệu giá trị học nổi bật là những hình ảnh đẹp đẽ, cao quý để nói về Kiều và biện pháp nói quá.

- Trong toàn bộ tác phẩm, Thúc Sinh có 18 lập luận. Các kiểu lập luận đa dạng song phần lớn vẫn là lập luận đơn (88,9%); tỉ lệ lập luận chứa luận cứ đồng hướng, lập luận chứa luận cứ nghịch hướng và lập luận một luận cứ khá đồng đều; lập luận quy nạp chiếm đa số nhưng so với hai nhân vật còn lại, vẫn có sự xuất hiện của lập luận diễn dịch và lập luận tổng phân hợp; xét về sự có mặt của các thành phần lập luận, chiếm tỉ lệ cao là mô hình luận cứ tường minh + hàm ẩn, kết luận tường minh + kết luận hàm ẩn (44,4%).

Kết tử lập luận và tác tử lập luận được sử dụng hạn chế trong lập luận của Thúc Sinh. Tuy nhiên, dấu hiệu giá trị học ấn tượng với nhóm từ mang ý nghĩa to lớn, hùng tráng song sáo rỗng, chung chung. Đặc biệt, Thúc Sinh sử dụng thường xuyên những từ ngữ than khóc, trách móc, cảm thán…

- Nhân vật Từ Hải có 10 lập luận. Trong đó, lập luận đơn chiếm 80%, lập luận phức chiếm 20%. Nhân vật Từ Hải không có lập luận chứa luận cứ nghịch hướng và 100% là lập luận quy nạp.

Xét về sự có mặt của các thành phần lập luận, mô hình chiếm tỉ lệ cao nhất là luận cứ tường minh + hàm ẩn, kết luận tường minh + kết luận hàm ẩn (60%).

Trong các lập luận của Từ Hải, hầu như không sử dụng tác tử lập luận, kết tử lập luận. Điều đáng lưu ý là Từ Hải sử dụng rất nhiều lần từ ngữ thể hiện khát vọng anh hùng và giấc mơ tri kỉ.

2. Lập luận của các nhân vật góp phần phản ánh đặc điểm tính cách, mối quan hệ - tình cảm của các nhân vật dành cho nhân vật trung tâm trong tác phẩm – Thúy Kiều. Cụ thể, cùng là người yêu Thúy Kiều và là người được Thúy Kiều yêu nhưng màu sắc tình yêu, sự quan tâm của mỗi người lại có những đặc điểm khác nhau.

Với Kim Trọng, khi còn trẻ, tình yêu của chàng dành cho Kiều là sự si mê, say đắm. Sau nhiều năm tháng từng trải, tình yêu không còn sự cuồng nhiệt, bồng bột mà được chỉ dẫn bởi lí trí và những lời thề nguyền năm xưa. Tuy vậy, trước sau, Kim Trọng vẫn là một trí thức Nho giáo tiến bộ, dám yêu và dám thủy chung theo đuổi tình yêu đầu đời trong sáng.

Với Thúc Sinh, anh ta yêu Thúy Kiều vì sắc dục. Mọi lập luận từ luận cứ đến kết luận đều hùng hồn, sắt đá nhưng rất chung chung, sáo rỗng. Lập luận của con người này thiếu sự tinh tế; có hạn chế về mặt trí tuệ khi quan sát, để ý đến những người xung quanh song lại vô cùng “nhanh nhạy”, đàn hồi, biến hóa trong mọi tính huống cần thoát thân – bản chất của kẻ ích kỉ, đớn hèn, bạc nhược.

Còn Từ Hải, các lập luận đều làm toát lên khí phách đấng anh hùng luôn đau đáu mộng tri âm. Từ Hải đã thể hiện một con người ngang tàng, phóng khoáng, bộc trực, tự tin, thậm chí có đôi phần tự mãn. Với Thúy Kiều, anh rất mực chiều chuộng, tin yêu và coi nàng đích thực là tri âm, tri kỉ của đời mình.

3. Tuy chưa sớm được quan tâm một cách toàn diện, đầy đủ song lập luận của các nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải là một đề tài ngôn ngữ học hấp dẫn, có thể sử dụng làm ngữ liệu hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu, học tập về chuyên đề lập luận.

Khẳng định hiệu quả của việc tìm hiểu đề tài này một lần nữa nhấn mạnh thành công của tác phẩm “Truyện Kiều” – đỉnh cao văn học dân tộc về phương diện ngôn ngữ (và thể loại) cũng như tài năng trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc điêu luyện, thuần thục, tinh tế của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ LẬP LUẬN CỦA CÁC NHÂN VẬT KIM TRỌNG, THÚC SINH, TỪ HẢI TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU (Trang 92 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w