Chương III: Đặc điểm lập luận của nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải với việc thể hiện tính cách các nhân vật này
3.1.5. Kim Trọng ngày gặp lại Thúy Kiều
Kim Trọng gặp lại người yêu sau 15 năm nàng chìm nổi và nay, chàng Kim cũng đã kết duyên với em gái Kiều, sinh con đẻ cái.
Dù Kiều đã trầm luân chìm nổi “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” nhưng các lập luận của Kim Trọng đều thể hiện tình cảm trân trọng vẻ đẹp trong tâm hồn, nhân cách của Thúy Kiều, mãi nhớ lời thề nguyền dưới trăng ngày trước và bày tỏ mong muốn hai người nối lại duyên xưa.
- “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”, “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”, “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, “Gương trong chẳng chút bụi trần”, “Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!”…
- “Một lời đã trót thâm giao”, “Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh!”, “Tưởng thề thốt nặng cũng đau đớn nhiều!”…
Xét lập luận:
“Chàng rằng: Khéo nói nên lời/ Mà trong lẽ phải có người có ta!/ Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/ Có khi biến có khi thường/ Có quyền nào phải một đường chấp kinh/ Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?/ Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/ Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa/ Có điều chi nữa mà ngờ/ Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!”. [3113 – 3126]
Kiểu lập luận: phức, lập luận đời thường; Quan hệ lập luận: đồng hướng. Lập luận này của Kim Trọng là một lập luận phức khá phức tạp.
Chàng đã dùng những lí lẽ rất chặt chẽ - phản ánh lí trí kiên định - để Thúy Kiều không thể từ chối tấm lòng của mình: Đúng là khi lấy chồng, người vợ đáng quý ở chữ trinh. Nhưng chấp kinh mà cũng phải tòng quyền. Tuỳ theo cảnh ngộ mà
quan niệm “trinh” hay không? Như trường hợp nàng đây, báo hiếu như vậy ấy cũng là trinh. Trinh như thế thì hoa dẫu tàn mà vẫn đẹp tươi hơn, trăng dẫu khuyết nhưng vẫn sáng như trăng rằm, còn sáng gấp mười lần năm xưa. Trùng phùng như thế này, ấy là duyên trời số mệnh đưa đến, chẳng bụi nào làm hoen ố vẩn đục, nàng vẫn còn trinh hơn ai hết và hơn bao giờ hết, sương cũng phải tan cho hoa khoe tươi thắm, mây cũng phải vén lên cho trăng vằng vặc sáng ngời. Chẳng lẽ nàng bắt Kim Trọng này cứ phải giả vờ hờ hững với nàng, như xưa kia Tiêu lang phải giả vờ lãnh đạm với vợ là Lục Châu khi nàng bị bắt làm vợ quan lớn Quách Tử Nghi hay sao?
Kim Trọng biện bác “hết lời” khiến Kiều “khôn lẽ chối lời”, đành phải chấp nhận “cúi đầu, nàng những vắn dài thở than”. Và lễ cưới cử hành.
Có thể thấy Kim Trọng yêu Kiều bằng kỉ niệm, không đếm xỉa đến hiện tại đã đổi thay, biến cố. Điều đó phản ánh lòng sắt son, chung thủy hiếm có của chàng trong bối cảnh xã hội phong kiến còn nặng nề chuyện trinh tiết. Bên cạnh đó, còn có thể thấy rằng nếu như khi gặp gỡ - tỏ tình, Kim Trọng thuyết phục Thúy Kiều bằng trái tim run rẩy tình yêu thì nay, chàng buộc phải dùng đến lí trí để thuyết phục Kiều, đó chính là khi chàng Kim phải cắt nghĩa ngọn ngành chữ “trinh” và phân tích – khẳng định vẻ đẹp tiết hạnh trong nhân cách của Kiều không bao giờ tàn phai.