Các hợp đồng mua bán quốc tế thường có các điều khoản quy định việc giải quyết tranh chấp trong đó sẽ xác định:
• Các tranh chấp nếu không được giải quyết bằng hoà giải sẽ đưa ra ở đâu; • Các tranh chấp sẽ được giải quyết như thế nào (toà án hay trọng tài);
• Luật hay hệ thống luật ở đâu sẽ được áp dụng.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Các bên tham gia hợp đồng thường ít khi tính đến rủi ro có thể phát sinh xung đột giữa họ và rủi ro họ sẽ không thể giải quyết được các bất đồng một cách hữu hảo trong các trường hợp phát sinh các biến cố đặc biệt. Tuy nhiên, khi các bên ký kết hợp đồng sử dụng các điều khoản mẫu thì các điều khoản đó thường có các quy định về giải quyết tranh chấp. Trong một số trường hợp các điều khoản trong hợp đồng quy định rằng các bên trước tiên nên giải quyết thông qua các biện pháp hữu hảo. Điều này hiển nhiên là bước đầu tiên. Đồng thời trong nhiều trường hợp các bên đều có thể tự giải quyết các vấn đề này hoặc nhờ tới các luật sư. Tất nhiên vẫn có các tình huống, vì lý do này hay vì lý do khác, mà các bên lại đòi hỏi phải có một bên thứ ba trung lập để giúp đàm phán tranh chấp (còn gọi là phương thức hoà giải). Nếu qúa trình hòa giải không đem lại kết qủa thì các bên không còn cách nào khác là phải đưa vụ tranh chấp ra trọng tài hay ra toà án. Bản Quy tắc ICC về hòa giải và Quy tắc ICC về Trọng tài cung cấp nhiều nguyên tắc được xây dựng cẩn thận, và trong trường hợp phải sử dụng hình thức trọng tài thì thủ tục này sẽ được giám sát của Tòa án trọng tài Quốc tế ICC để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa các bên và có được phán quyết trọng tài khả thi (xem ấn phẩm ICC số 581).
Hệ thống tài phán của tòa án trọng tài
Trong qúa trình đàm phán hợp đồng, các bên đều có vị thế tương đương thường không muốn dành thêm cho bên kia thuận lợi bằng việc chấp thuận giải quyết tranh chấp ở quốc gia bên đối phương do sẽ phải áp dụng luật của quốc gia này. Khi các bên lựa chọn trọng tài, họ có thể tránh tình trạng nêu trên bằng việc cho phép các tranh chấp, nếu phát sinh sẽ được giải quyết theo quy tắc của các tổ chức trọng tài khác, ví dụ như Tòa án trọng tài của ICC sẽ ấn định một địa điểm (Điều 14 Quy tắc ICC) và nếu các bên chưa lựa chọn luật áp dụng thì tòa án trọng tài sẽ lựa chọn luật mà tòa án thấy phù hợp nhất (Điều 17.1). Mặc dù Phần B Điều 14 trong phần Các quy định chung trong Hợp đồng mẫu của ICC có dẫn chiếu tới hình thức Trọng tài qua ICC, Điều 15 Phần A của Các Quy định cụ thể cũng đã quy định cho phép các bên có cơ hội quy định một hình thức trọng tài nào khác hoặc đưa vụ việc ra xử tại một tòa án được quy định.
Các hình thức giải quyết tranh chấp khác
Hình thức trọng tài và tòa án chỉ nên được coi là các phương pháp giải quyết tranh chấp sau khi các nỗ lực khác không đem lại kết qủa. Mặc dù hình thức trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp nhẹ nhàng, thông qua việc đảm bảo tính bảo mật trong qúa trình giải quyết cũng như nhanh hơn và trong nhiều trường hợp là phương thức giải quyết tranh chấp tin cậy hơn so với hình thức giải quyết tại tòa án vì phán quyết của các tòa án cấp dưới có thể bị các tòa án cấp trên bác, nhưng gần đây, các phương thức giải quyết tranh chấp khác đã mở rộng hơn (gọi tắt là thủ tục ADR) cho phép các bên có được cách giải quyết tranh chấp hơn và ít tốn kém hơn.
Tất nhiên, bất kỳ việc đơn giản hóa quy trình giải quyết tranh chấp nào trong đó hạn chế cơ hội giành cho các bên trình bầy đầy đủ vụ việc và sử dụng tất cả các bằng chứng sẽ tạo ra tâm lý hoài nghi về tính đúng đắn của các phán quyết trọng tài. Trên thực tế, bên thua thường khó chấp nhận bị xử thua, chính vì vậy việc phải lựa chọn các thủ tục đảm bảo sự chắc chắn tối đa và việc đơn giản hóa thủ tục tối ưu, người ta thường lựa chọn các thủ tục được đơn giản hóa tối ưu.
Thoả thuận trọng tài cần phải được lập bằng văn bản và việc dẫn chiếu tới quy tắc trọng tài được áp dụng cần phải được quy định rõ ràng và cụ thể. Điều khoản trọng tài sau đây được ICC khuyến nghị nên dùng: "Tất cả các tranh chấp phát sinh từ hay có liên quan tới hợp đồng này sẽ được giải quyết triệt để theo Quy tắc Trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế bởi một hay một số trọng tài được chỉ định theo Quy tắc này".