Theo số liệu thống kê từ Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 74/2003/NĐ-CP của 63 Sở Công Thương, từ năm 2004 đến năm 2009, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính điện lực được 21.404 vụ/21.932 đối tượng, cụ thể là: phạt cảnh cáo 4.781 vụ/5.675 đối tượng; phạt tiền 14.551 vụ/14.551 đối tượng; chuyển cho cơ quan chức năng 2.072 vụ/2.108 đối tượng, nộp ngân sách nhà nước 11,2 tỉ đồng (Phụ lục 1). Trong đó, xử phạt vi phạm quy định
về giấy phép hoạt động là 2.316 vụ/2.316 đối tượng, xử phạt vi phạm quy định về sử dụng điện là 16.554 vụ/16.554 đối tượng và xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện là 2.534 vụ/3.602 đối tượng (Phụ lục 2).
Theo số liệu thống kế chưa chính thức của Cục Điều tiết điện lực về kết quả một năm thực hiện Nghị định 68/2010/NĐ-CP (từ 01/8/2010 đến 01/8/2011), tại hơn 40 tỉnh đã xử phạt 3.676 vụ/3.728 đối tượng (trong đó, phạt cảnh cáo 173 vụ/209 đối tượng; phạt tiền 3.050 vụ/3.050 đối tượng; chuyển cho cơ quan chức năng 443 vụ/459 đối tượng), nộp ngân sách nhà nước 2,4 tỉ đồng (Phụ lục 3). Các hành vi vi phạm bị xử lý chủ yếu vẫn tập trung vào ba nhóm: vi phạm quy định về giấy phép hoạt động, vi phạm quy định về sử dụng điện và vi phạm quy định về an toàn điện. Ngoài ra, có một số trường hợp bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về phát điện. Tuy nhiên, sự thay đổi về nhóm hành vi mới này lại là do sự thay đổi của quy định pháp luật. Bởi vì, hành vi phát điện thương mại khi chưa có giấy phép được xếp trong nhóm hành vi vi phạm quy định về phát điện trong nghị định số 68/2010/NĐ-CP thực chất là hành vi hoạt động điện lực khi không có giấy phép theo quy định của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP.
Về hình thức xử phạt, phạt tiền được áp dụng đối với hành vi trộm cắp điện và hành vi tự ý bán điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt (thuộc nhóm hành vi vi phạm quy định về sử dụng điện - quy định tại Điều 14 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP) các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện (Điều 14 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP) chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo, nhắc nhở.
Lực lượng tiến hành xử phạt chủ yếu là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp tỉnh và Chánh thanh tra Sở Công Thương (Phụ lục 4). Trong đó, phần lớn các vụ xử phạt (khoảng 60% tổng số vụ) là do Kiểm tra viên điện lực lập biên bản (Phụ lục 5).