Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực

Một phần của tài liệu Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (Trang 57 - 59)

Về cơ bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực quy định trong Nghị định số 68/2010/NĐ-CP phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP quy định: Khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 15 của Nghị định này, người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 21 và Điều 22 của Nghị định này hoặc Kiểm tra viên điện lực đang thi hành nhiệm vụ phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và tiến hành lập Biên bản vi phạm pháp luật theo mẫu biên bản

số 01 được ban hành tại Phụ lục của Nghị định này. Và khoản 1 Điều 24

Nghị định số 68/2010/NĐ-CP quy định: Trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản quy định tại khoản 21 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt là mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Đồng thời tại khoản 1 Điều 32 Nghị định này quy định:

Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định cụ thể trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực thuộc thẩm quyền của Cục

trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

Như vậy, đối với trường hợp thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thì thời hạn ra quyết định xử phạt là bao nhiêu ngày? Và việc quy định cho Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có quyền tiến hành điều tra trước khi ra quyết định xử phạt có phù hợp với quy định về thủ tục xử phạt của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hay không?

Có ý kiến cho rằng, nội dung Điều 24 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP là trái với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, tạo ra quyền miễn trừ riêng cho Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực không phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Theo chúng tôi nhận xét này chưa chính xác. Bởi lẽ, Xuất phát từ thực tiễn hoạt động xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, do điện lực là một ngành kỹ thuật đặc thù, nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực mà đặc biệt là nhóm hành vi vi phạm các quy định về điều độ hệ thống điện hoặc thị trường điện (thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực) và một số hành vi vi phạm quy định về an toàn điện (thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) được thực hiện rất tinh vi, khó phát hiện, đòi hỏi phải có thời gian điều tra, xác minh mới có thể xác định được có hành vi vi phạm hay không. Chính vì vậy, để bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực, tại Điều 32 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP, Chính phủ đã cho phép Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước khi tiến hành xử phạt vi phạm có quyền điều tra theo trình tự, thủ tục do Bộ Công Thương quy định. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật điện lực và các văn bản có liên quan để ban hành văn bản quy định về trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vi phạm của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chứ không thể quy định tuỳ tiện.

Mặt khác, theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành việc lập biên bản và xử phạt chỉ được tiến hành khi phát hiện ra hành vi vi phạm. Việc tiến hành thủ tục điều tra để xác định hành vi vi phạm rồi mới lập biên bản và xử phạt vi phạm đối với hành vi đó là hoàn toàn phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Do vậy, quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP không tạo ra quyền miễn trừ riêng cho Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực. Đồng thời, để hướng dẫn Điều 32 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP, Bộ Công Thương chỉ cần ban hành một văn bản quy định trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

Một phần của tài liệu Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (Trang 57 - 59)