phạm hành chính
Một là, về khái niệm vi phạm hành chính.
Cần đưa ra được định nghĩa rõ ràng và đầy đủ về vi phạm hành chính trong Pháp lệnh hoặc Luật (Bộ luật) xử lý vi phạm hành chính theo hướng phản ánh đầy đủ các dấu hiệu và yếu tố cấu thành của vi phạm hành chính.
Hai là, về chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
* Bổ sung chủ thể có thẩm quyền xử phạt là Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định mười ba (13) cơ quan/ chức danh có thẩm quyền xử phạt nhưng số lượng này so với yêu cầu thực tiễn là chưa đủ. Một số lĩnh vực quản lý chuyên ngành nhưng người có thẩm quyền của ngành đó lại không có thẩm quyền xử phạt, ví dụ như hoạt động kế toán thuộc quản lý, kiểm tra của cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về kế toán nên phải đề nghị chính quyền cùng cấp xử lý hoặc thanh tra chuyên ngành giao thông công chính không được xử phạt trong lĩnh vực chiếu sáng, cấp nước trong khi các lĩnh vực này thuộc quản lý của giao thông công chính…
Trong lĩnh vực điện lực, do điện lực là một ngành kỹ thuật có nhiều đặc thù riêng, việc phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động điện lực thường rất khó khăn. Nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh hệ thống điện quốc gia (hành vi vi phạm quy định về hoạt động phát điện, truyền tải điện, điều độ hệ thống điện quốc gia) và thị trường điện là các hành vi rất phức tạp, khó phát hiện, khó xác định, thậm chí cần phải có thời gian điều tra, xác minh mới có thể xác định được có hành vi vi phạm hay không. Ngoài ra, còn cần thiết phải có sự hỗ trợ của phương tiện kỹ
thuật đặc thù trong ngành điện đó là hệ thống công nghệ thông tin để giám sát vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Tóm lại, để phát hiện và xử phạt được các hành vi vi phạm về hoạt động điện lực, đặc biệt là các hành vi liên quan đến an ninh hệ thống điện quốc gia và thị trường điện lực đòi hỏi người được giao thẩm quyền xử phạt có trình độ chuyên môn sâu về kỹ thuật điện, có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực điện lực, nắm vững các quy định pháp luật về điện lực, đồng thời phải có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Hiện nay, Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất có chức năng điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện. Cục có đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo cơ bản về các chuyên ngành hệ thống điện, kinh tế năng lượng, luật, kinh tế tài chính... và được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực và quản lý nhà nước. Cục Ðiều tiết điện lực là cơ quan duy nhất được trang bị hệ thống công nghệ thông tin để giám sát vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Nếu không giao chức năng xử phạt vi phạm hành chính cho Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thì rất có thể sẽ xảy ra trường hợp bỏ sót, không xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến an ninh hệ thống điện quốc gia và thị trường điện lực trong khi hậu quả do những hành vi này gây ra có thể gây nguy hại đến an ninh cung cấp điện quốc gia.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực và thị trường điện lực cũng như tính đặc thù của ngành điện, đồng thời nhằm bảo đảm việc phát hiện và xử lý kịp thời, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, tránh bỏ sót đối với các vi phạm liên quan đến an ninh hệ thống điện quốc gia và thị trường điện lực, trên cơ sở cụ thể hoá nội dung quy định tại điểm i khoản 1 Ðiều 21 Luật Ðiện lực, tại Nghị định số 68/2010/NÐ-CP ngày 15/6/2010 quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, Chính phủ đã quy định Cục trưởng Cục Ðiều tiết điện lực có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm liên quan đến an ninh hệ thống điện
quốc gia và thị trường điện (Ðiều 20). Ngoài ra, tại điểm m khoản 5 Điều 2 Quyết định số 153/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 quy định chức nãng, nhiệm vụ, quyền hạn và cõ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng quy định cho Cục trưởng Cục Ðiều tiết điện lực chức năng: kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và thị trường điện lực.
Theo chúng tôi, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của quản lý nhà nước về điện lực và điều tiết hoạt động điện lực, quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cần được luật hoá để quy định trong Pháp lệnh hoặc Luật (Bộ Luật) xử lý vi phạm hành chính.
* Bổ sung chủ thể có thẩm quyền xử phạt là Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương và Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt nhưng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, việc xử phạt chủ yếu là do thanh tra chuyên ngành thực hiện, trong khi lực lượng này lại thiếu cả về biên chế và phương tiện hoạt động, do đó, không thể kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Hiện nay, lực lượng Thanh tra chuyên ngành điện lực chỉ chiếm một bộ phận nhỏ và nằm trong Thanh tra Bộ Công Thương, Thanh tra Sở Công Thương với tổng số là 53 người. Do số lượng còn mỏng nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của Thanh tra chuyên ngành điện lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác. "Trong khi đó, cả nước đã có 237 Kiểm tra viên điện lựccông tác tại Bộ Công Thương và Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" [4, tr.3]. Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương và Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương là người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực điện lực, sức khoẻ, đạo đức (khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Quy định Kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp
đồng mua bán điện ban hành kèm theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06/9/2006 của Bộ Công Nghiệp) và phải đạt yêu cầu kỳ sát hạch Kiểm tra viên điện lực do Bộ Công Thương, Sở Công Thương tổ chức.
Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện trong phạm vi toàn quốc và Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương thực hiện kiểm tra trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương và Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về điện, phát hiện và ngăn chặn các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, yêu cầu đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, bên sử dụng điện cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị theo quy định của pháp luật, lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 4 và Điều 5 Quy định Kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện ban hành kèm theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 06/9/2006 của Bộ Công Nghiệp) nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính kịp thời, hiệu quả, tác dụng răn đe của việc xử lý vi phạm, đồng thời tạo ra các bước trung gian không cần thiết về thủ tục hành chính, không tiết kiệm về thời gian, công sức và chi phí đi lại.
Nếu giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho lực lượng Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương và Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên. Do vậy, để tăng cường hiệu quả của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, theo chúng tôi cũng cần quy định Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương và Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương là chủ thể có thẩm quyền xử phạt như Thanh tra viên chuyên ngành điện lực.
Ba là, thời hiệu xử phạt.
Pháp lệnh xử lý vi phạm chính năm 2002 quy định "Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện" [26, Khoản 1 Điều 10]. Tuy nhiên, đối với các hành vi vi phạm hành chính diễn ra liên tục, kéo dài thì thời hiệu xử phạt vi phạm được xác định như thế nào. Về vấn đề này, hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng thời hiệu được tính từ khi bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm. Ngược lại, có ý kiến cho rằng vì đây là hành vi liên tục kéo dài nên thời hiệu phải tính từ khi chấm dứt hành vi.
Từ thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, chúng tôi thấy rằng, đối với những hành vi trộm cắp điện liên tục, kéo dài hơn 1 năm mà áp dụng cách xác định thời hiệu tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi thì ngành điện sẽ bị tổn thất rất lớn do không thể xử phạt đối với những trường hợp này. Ngược lại, nếu áp dụng cách xác định thời hiệu tính từ thời điểm hành vi trộm cắp điện kết thúc thì giải quyết được vấn đề xử phạt nhưng sẽ vướng phải khó khăn trong việc xác định thời điểm kết thúc hành vi. Bởi lẽ, thủ đoạn trộm cắp điện ngày càng rất tinh vi, chứng minh được có hành vi trộm cắp đã khó, việc xác định thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc lại càng khó hơn. Và như vậy, việc áp dụng cả hai các tính trên trong trường hợp này đều không phát huy hết hiệu quả của hoạt động xử phạt vi phạm.
Vì vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung quy định về xác định thời hiệu xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm diễn ra liên tục, kéo dài theo hướng tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Bốn là, mức phạt tiền tối đa.
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 đã nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực điện lực lên 40.000.000 đồng (so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002). Tuy nhiên, mức phạt này cũng vẫn thấp không đủ răn đe, ngăn ngừa
đặc biệt là đối với những hành vi vi phạm quy định về hoạt động điện lực. Chẳng hạn, hành vi thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp với các đơn vị khác trong việc hạn chế hoặc kiểm soát công suất chào bán trên thị trường nhằm tăng giá trên thị trường giao ngay và làm ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện hay hành vi thỏa thuận với các Đơn vị phát điện khác trong việc chào giá để được lập lịch huy động… có thể đem lại lợi nhuận hàng chục tỉ đồng cho Đơn vị phát điện. Đấy là chưa kể đến những hành vi vi phạm quy định về hoạt động điện lực gây nguy hại đến an ninh cung cấp điện quốc gia thì thiệt hại đối với đời sống sản xuất kinh doanh của xã hội sẽ là một con số khổng lồ. Do đó, cần thiết phải nâng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực điện lực tương đương với mực xử phạt trong lĩnh vực môi trường hoặc khai thác dầu khí.
Ngoài ra, tiếp thu kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc và Liên bang Nga, theo chúng tôi, cần quy định mức xử phạt đối với pháp nhân cao hơn cá nhân, đặc biệt là đối với những đơn vị hoạt động điện lực thì mới phát huy được tính răn đe, phòng ngừa vi phạm của quy định pháp luật.
Năm là, về biện pháp cưỡng chế.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp: (i) khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; (ii) kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (iii) các biện pháp cưỡng chế khác để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Tuy nhiên, trong Nghị định số 68/2010/NĐ-CP, ngoài các biện pháp cưỡng chế nêu trên, Chính phủ còn quy định thêm biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện. Đây là biện pháp mang tính chuyên ngành, dễ thực hiện, ít tốn
kém nhưng lại có hiệu quả trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng điện.
Vì vậy, thiết nghĩ, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng cần có quy định mở về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo hướng giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định biện pháp cưỡng chế mang tính chuyên ngành, đặc thù.