Khi xử lý vi phạm hành chính, có nhiều cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tham gia. Có những vụ việc xử lý vi phạm hành chính được chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác mà mỗi cơ quan thực hiện một hoạt động áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, trong số các cơ quan áp dụng pháp luật để xử lý vi phạm hành chính chỉ có một chủ thể trực tiếp xem xét, ra quyết định xử phạt hành chính - cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đó là chủ thể có thẩm quyền xử phạt hành chính.
Nhìn chung, thẩm quyền xử phạt hành chính là quyền hạn và nghĩa vụ xử phạt hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành xử phạt hành chính theo thủ tục xử phạt và trong phạm vi nhất định theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền xử phạt hành chính được xây dựng trên xơ sở phân cấp quản lý và hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Đặc điểm này nhằm đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính nhanh chóng và đấu tranh có hiệu quả đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là:
- Thẩm quyền xử phạt hành chính được trao cho hệ thống các cơ quan rộng lớn. Điều này thể hiện tính chất đa dạng, phức tạp và biến động của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.
- Thẩm quyền xử phạt hành chính kết hợp hài hòa giữa thẩm quyền xử phạt với loại hành vi vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt với mức phạt cụ thể.
- Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hoàn toàn độc lập không phụ thuộc vào nhau.